Động thái hạ giá Nhân dân tệ mới đây của Trung Quốc nhằm khắc phục tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nó gây ảnh hưởng rõ rệt đến ngành công nghệ: củng cố sức mạnh cho các công ty nội vốn đang gây khó khăn cho các đối thủ đến từ Mỹ, những người đang đặt cược vào thị trường lớn thứ hai thế giới.
Các công ty Mỹ kinh doanh ngày càng khó khăn do giá sản phẩm tăng lên đáng kể đối với người mua Trung Quốc. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ giảm giá lại khiến sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn khi bán tại nước ngoài.
Từng được biết đến chủ yếu nhờ chi phí sản xuất rẻ, Trung Quốc đang trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều công ty Mỹ do có dân số khổng lồ, chiếm tới 20% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, quốc gia đông dân số 1 thế giới không còn là một nơi để tiêu thụ và gia công. Các doanh nghiệp nội đang vươn lên mạnh mẽ với thiết bị di động, PC, sản phẩm khác tự thiết kế và bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài.
Trong lĩnh vực smartphone, Xiaomi và Huawei đã sử dụng sản phẩm thiết kế hấp dẫn, giá phải chăng để đoạt ngôi vị số 1 và số 2 xét theo doanh số. Theo hãng nghiên cứu IDC, trong quý II/2015, 4/5 thương hiệu smartphone hàng đầu tại đây là của Trung Quốc.
Apple là thương hiệu nước ngoài duy nhất lọt danh sách 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc quý II/2015. |
Apple ở vị trí số 3 vẫn đang tận hưởng thành công do iPhone mang lại và thu lời lớn. Song Samsung không may mắn như vậy khi rớt khỏi danh sách 5 hãng cung ứng lớn nhất. Khó khăn trong mảng di động khiến lợi nhuận của hãng điện tử Hàn Quốc giảm 5 quý liên tiếp.
Ngoài ra, nhu cầu mua sắm thiết bị mới của người dùng Trung Quốc cũng chậm lại. Hãng Gartner chỉ ra lượng smartphone xuất xưởng quý II/2015 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014, đánh dấu bước lùi đầu tiên. IDC hạ mức dự báo tăng trưởng thị trường smartphone năm 2015 từ 2,5% xuống 1,2%.
Thị trường sân nhà suy giảm là động lực đưa các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở sân chơi quốc tế. Chẳng hạn, Xiaomi bắt đầu bán di động tại Brazil, Ấn Độ. Huawei đang đi các bước quan trọng tại Peru và Nam Mỹ. “Bạn đi vòng quanh Lima (thủ đô Peru) và sẽ thấy Huawei gần như khắp mọi nơi”, Ryan Reith, chuyên gia của IDC cho biết.
Sự trỗi dậy của các thương hiệu Trung Quốc không chỉ gói gọn ở smartphone mà còn lan rộng sang máy tính cá nhân, máy chủ, thiết bị mạng. Khách hàng Trung Quốc đang chuyển từ mua sản phẩm của Mỹ sang ủng hộ hàng nội địa khiến HP, IBM hay Cisco bị tổn thương.
Các nhà sản xuất Trung Quốc từng phụ thuộc chủ yếu vào chi phí sản xuất thấp nhận ra họ có thể làm tốt hơn nếu tự mình xử lý thiết kế và các công việc khác. Nhà kinh tế học Sung Won Sohn nhận định: “Tiền nằm trong thiết kế, phân phối và tiếp thị”.
Ví dụ, trên thị trường máy chủ, Lenovo đã vươn lên dẫn đầu tại quê nhà sau khi hoàn tất việc mua lại dòng máy chủ cao cấp của IBM. Sản lượng máy chủ của Lenovo tại Trung Quốc tăng gấp đôi trong quý II/2015, theo ước tính của IDC. Huawei xếp thứ hai và cũng ghi nhận doanh số tăng 30%. Trong khi đó, HP - nhà sản xuất máy chủ lớn nhất thế giới - chỉ tăng trưởng 9% trong cùng kỳ và xếp vị trí thứ 5. Doanh số của Dell giảm 2,5%.
Biến đổi trên thị trường Trung Quốc khiến các doanh nghiệp ngoại lo lắng. Nước này dự định chi 211 tỷ USD cho lĩnh vực CNTT, ngoại trừ dịch vụ viễn thông, chỉ xếp sau Mỹ và chiếm khoảng 10% khoản chi toàn cầu.
Không chỉ các “ông lớn” gặp rủi ro, startup cũng vậy. Trung Quốc đã thu hút nhiều doanh nghiệp trẻ của thung lũng Silicon, một vài công ty đang gọi vốn của các nhà đầu tư bản đại. Dịch vụ đi chung xe Uber chuẩn bị hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 1 tỷ USD, nâng mức giá trị thị trường lên 7,5 tỷ USD.
Trung Quốc cũng chào đón Airbnb, dịch vụ cho thuê nhà nổi tiếng, với sự giúp đỡ của Sequoia Capital và China Broadband Capital nhằm mở rộng địa bàn. Công ty đầu tư Hillhouse dẫn đầu vòng gọi vốn mới nhất của Airbnb và có thể nâng mức giá trị thị trường của Airbnb lên 25,5 tỷ USD.
Sự phát triển trên thị trường Trung Quốc không phải luôn mang đến hiệu ứng tiêu cực cho công ty Mỹ. Chẳng hạn, đồng Nhân dân tệ giảm dẫn tới chi phí hàng hóa họ phải mua hay sản xuất cũng giảm theo, giúp tăng tỉ suất lợi nhuận. Và cũng không phải doanh nghiệp Mỹ nào cũng phải đối đầu với đối thủ nội địa. Intel và AMD là các hãng duy nhất cung ứng chip dùng trong máy tính tại Trung Quốc.
Tuy vậy, các công ty bản địa cũng đang phát triển các loại chip khác, trong đó có modem mạng và hàng loạt chip sử dụng trong smartphone. Xu hướng này làm nảy sinh thách thức cho nỗ lực xâm nhập thị trường di động của Intel cũng như Qualcomm, hãng đi đầu về chip di động.
“Chính phủ Trung Quốc đang rất cởi mở về việc muốn giảm sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài”, Derek Aberle, Chủ tịch Qualcomm, nhận xét trong một bài phỏng vấn gần đây.