Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhân dân bất bình khi quan chức lộ khối tài sản lớn'

"Thu nhập công chức thì không thể đủ tiền xây biệt thự lớn, mua sắm phương tiện, tài sản đắt tiền", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phản ánh.

- Ông vừa phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội chuyện người dân mất niềm tin nên đi đâu cũng phải chi tiết, rải tiền. Vậy ông đánh giá thế nào về báo cáo của Chính phủ về vấn đề này?

- Tôi cho là báo cáo chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng hiện tại. Tham nhũng hiện chuyển biến ra rất nhiều dạng, đi được tất cả mọi người và gây nên hậu quả chính là cái mất niềm tin.

- Nói như ông, tham nhũng, tiêu cực phổ biến đến mức thành thông lệ, người dân làm việc gì cũng phải chi, phải rải tiền để mua sự yên tâm. Vậy tất cả những công cụ để phòng chống tham nhũng hiện tác dụng đến đâu?

- Tôi cho rằng các giải pháp đang áp dụng, ví dụ như kê khai tài sản là chưa hiệu quả. Kê khai của chúng ta chỉ dừng ở mức kê khai đối với người có chức vụ, vợ/chồng và đến con chưa thành niên thôi. Còn nếu con thành niên rồi thì không phải kê khai. Như thế thì toàn bộ tài sản của bố chuyển cho con thì nói sao được nữa?

Vậy nên việc kê khai của chúng ta chưa phản ánh được thực tế tình hình tham nhũng. Đáng ra phải kê khai ở tất cả người thân, dù tham nhũng hay không cũng phải kê khai để đánh giá được hoạt động của người có chức vụ chứ chỉ giới hạn ở con chưa thành niên mà trường hợp bố chuyển hết tài sản cho con đứng tên hết thì việc kê khai rõ ràng không ý nghĩa gì cả.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Vietnamnet.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Vietnamnet.

- Cũng liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, thực tế việc kê khai tài sản của bản thân người có chức vụ cũng khó tin khi rất nhiều trường hợp cán bộ đã lộ ra sau khi về hưu bắt đầu xây cất tư dinh, biệt thự, lộ ra rất nhiều tài sản khủng khiến người dân choáng ngợp?

- Nói chung về vấn đề quan chức sở hữu tài sản lớn thì trong bối cảnh kinh tế thị trường, cũng có thể do người ta đầu tư kinh doanh mà có. Nhưng đúng là không loại trừ việc nhiều người đã có tiền tham nhũng và sử dụng tiền tham nhũng có được vào việc xây cất nhà cửa, tài sản sau khi nghỉ hưu vì tính ra đồng lương, thu nhập công chức thì không thể đủ tiền xây biệt thự lớn, mua sắm phương tiện, tài sản đắt tiền như vậy được.

"Tôi thấy tất cả những người không có cơ hội để tham nhũng mới nói nhiều về vấn đề chống tham nhũng còn những người có cơ hội tham nhũng cao thì chẳng ai nói gì về chống tham nhũng cả".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền

Chính vì những vấn đề đó mà làm cho nhân dân rất bất bình mỗi lần lộ ra thông tin về tài sản lớn của những người có chức có quyền.

Trong lần này, kiến nghị của Chính phủ tôi cho là cũng cần phải sửa đổi. Một là sửa đổi các tội danh liên quan trong BLHS về tham nhũng. Sau nữa là sửa đổi quy định kê khai tài sản, phải chọn lọc chứ không phải kê khai dàn trải như bây giờ, chưa thỏa đáng bởi những người không có cơ hội tham nhũng thì buộc kê khai làm gì, không giải quyết được  việc gì. Làm sao phải khoanh vùng được đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao.

Thực tế thế nên đòi hỏi mình phải có giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là xây dựng lòng tin. Cũng có 1 vị Bộ trưởng đã nói, cán bộ của vị đó có vòi tiền gì đâu, đó là người dân tự đưa tiền đấy chứ. Nhưng cái đó theo tôi không phải do dân hư mà là do người dân mất lòng tin nên mới phải đưa tiền cho anh. Ví dụ về công tác tổ chức, người ta không còn niềm tin là anh công tâm, nhất là khi được quy hoạch thì rõ ràng người ta phải chạy vì nếu không nhỡ đối thủ chạy mất thì sao.

Vào bệnh viện thì ai cũng sợ không có tiền thì chưa chắc bác sĩ đã chữa tốt, vậy nên sợ người nhà thiệt, người ta cứ phải chạy trước chứ không phải thực sự trong lòng người ta muốn đưa tiền. chính vì mất lòng tin vào sự công tâm của công chức nhà nước người ta đã phải làm việc đó.

Công Khanh ghi

Bạn có thể quan tâm