Ai trong chúng ta cũng đều hy vọng bạn bè của mình thành thật, đáng tin cậy. Nếu phải tiếp xúc với những người ba hoa nói dối, thích lường gạt người khác, chúng ta sẽ thấy ác cảm, dần dần xa lánh, hay thậm chí là vạch trần họ ngay trước mặt người khác.
Dù như vậy, trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng thành thật được. Lý do này hay lý do khác, sẽ có lúc chúng ta nói dối. Có những lời giả dối vì mục đích xấu, nhưng cũng có những lời nói dối xuất phát từ thiện ý, có thể người đó không muốn làm bạn tổn thương, họ chỉ muốn bảo vệ bạn mà thôi.
Vì vậy, đối với những lời nói dối tích cực, chúng ta không nên vạch trần trước mặt họ, tốt nhất là giữ im lặng; còn với những sự dối trá ác ý, chúng ta buộc phải đề cao cảnh giác, bởi nó có thể khiến bạn rơi vào cạm bẫy mà họ đã khéo léo giăng ra bất cứ lúc nào. Vậy làm sao để biết được đối phương đang lừa gạt mình?
Nếu tinh ý, bạn có thể phán đoán rất nhanh đối phương đang nói dối mình, chỉ bằng một hoặc một vài biểu hiện rất nhỏ thoáng qua. Thường thì khi phải nói dối, đặc biệt là những lời nói dối nghiêm trọng, mọi người đều cố che giấu thật kỹ cảm xúc của mình. Tuy vậy, chỉ một giây biểu hiện thoáng qua trên nét mặt, ánh nhìn hoặc lời nói của đối phương, ta cũng có thể đoán ra được. Đó là những biểu hiện phản ứng mà con người khó có thể làm chủ một cách hoàn toàn, như một cái nhíu mày hơi khẽ, ánh nhìn thoáng cụp xuống do dự, nuốt khan một cách thiếu tự nhiên... Người ta gọi đó là những “vi biểu hiện”.
Mặc dù nắm bắt được “vi biểu hiện” của đối phương là một việc rất khó, nhưng thông thường, khi phải che đậy một vấn đề nào đó, người ta thường vô thức thể hiện những hành vi hoặc động tác thiếu tự nhiên ra bên ngoài.
Năm 1998, Tổng thống Mỹ đương thời - Bill Clinton khi trả lời họp báo về mối quan hệ mập mờ giữa ông và cô thực tập sinh Monica Lewinsky, đã vô tình dùng tay để nhấn mạnh cho câu trả lời của mình (một điều mà trước đây khi phát biểu ông chưa bao giờ làm): “Không có bất cứ mối quan hệ không đúng mực nào giữa tôi và cô Lewinsky”.
Sau đó không lâu, có người tuyên bố rằng cánh tay của Tổng thống đã tố cáo chủ nhân của nó đang nói dối, và sự thực sau này đã chứng minh được điều đó là chính xác.
Nếu tinh ý, bạn có thể phán đoán rất nhanh đối phương đang nói dối mình. Nguồn: ussurmedia. |
Chỉ cần quan sát tỉ mỉ, có kỹ năng phân tích, tổng kết, nắm vững một số quy tắc phán đoán, chúng ta sẽ nhanh chóng khám phá được thế giới nội tâm của đối tượng. Dưới đây là những biểu hiện con người thường để lộ ra ngoài khi phải che giấu một việc gì đó:
Biểu hiện khuôn mặt: Khi nở nụ cười giả tạo, khóe mắt sẽ không lộ ra vết nhăn; khi đã biết chuyện nhưng vẫn giả vờ hỏi, lông mày thường hơi nhô cao một chút. Khi nói dối, khuôn mặt đối phương thường cố tình tỏ ra vẻ kinh ngạc một cách căng cứng, nụ cười dài nhưng chợt ngắt, khuôn mặt khôi phục lại hiện trạng ban đầu một cách nhanh chóng.
Giao lưu qua ánh mắt: Mọi người thường cho rằng khi ai đó nói dối, họ thường không dám nhìn thẳng vào mắt chúng ta, bởi họ chột dạ, nhưng thực ra không phải vậy. Những người nói dối thường nhìn thẳng vào mắt đối phương, bởi họ muốn nhìn thử xem liệu chúng ta có tin lời họ hay không; ngoài ra, khi con ngươi mắt người nói hướng về phía dưới bên trái, ám thị não bộ đang nhớ lại sự việc, điều đó chứng tỏ rằng họ đang nói thật.
Phản ứng về động tác: Khi nói dối, nhiều người thường chạm hoặc sờ vào mũi, đây là biểu hiện của việc che đậy chân tướng của sự việc; hay khi một bên vai người đó động đậy một cách bất thường, điều đó thể hiện rằng họ không tự tin với những lời vừa nói ra…
Ngôn ngữ ngoài tầm kiểm soát: Thường khi biết rõ sự việc và không có gì phải che giấu, chúng ta sẽ nói những câu ngắn gọn, chắc chắn. Nhưng khi nói dối hoặc muốn che giấu sự việc, ta thường lặp lại từ để có ý biện minh hoặc giải thích cho rõ ràng thêm. Chẳng hạn: “Việc này do cậu làm phải không?”, “Không, không phải do tôi làm!”. Rõ ràng có thể dùng một từ để trả lời ngắn gọn, nhưng ở đây người đáp vẫn phải lặp lại lần nữa, điều đó chứng tỏ đối phương đang có điều muốn giấu. Ngoài ra, khi đối phương miêu tả lại tuần tự sự việc xảy ra, chúng ta có thể yêu cầu họ kể ngược lại câu chuyện, nếu họ ấp úng hoặc sắp xếp sai tình tiết, vậy rất có khả năng họ đã nói dối.
Tất nhiên, không thể chỉ căn cứ theo cử chỉ hành vi của một người để xác định chính xác việc họ có nói dối hay không, ngay cả máy trắc nghiệm nói dối tân tiến nhất cũng không thể nhận định chính xác 100% được. Muốn phán đoán sự thành thật của một người, tốt nhất là nên xem xét dựa trên nhiều góc độ.
Khi thấy một biểu hiện nào đó của đối phương vượt quá sự tưởng tượng của bản thân, chúng ta cũng không nên lập tức cho rằng họ đang lường gạt. Như vậy chỉ khiến cho đối phương nghĩ rằng bạn là một kẻ đa nghi.