Hiện nay, hình thức bán hàng trực tuyến, đặc biệt qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook đang nở rộ. Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi sở hữu những bẫy lừa đối với người tiêu dùng.
Mất tiền oan vì thương hiệu "nhái" trên Facebook
Chị Nguyễn Tuyền, một khách hàng ở TP.HCM bức xúc khi nhớ lại thời điểm một tháng trước. Thấy chiếc lắc tay của thương hiệu PNJ được bán với giá khuyến mại 399.000 đồng từ một fanpage giống hệt fanpage của trang sức PNJ nên chị đã không ngần ngại để lại thông tin đặt hàng.
"Không ngờ khi nhận hàng lại là một chiếc lắc tay có tên thương hiệu khác, không giống với hình ảnh quảng cáo. Khi nhắn tin hỏi thì mới nhận ra đã bị chặn tài khoản", chị Tuyền nói.
Theo chị, fanpage này có giao diện giống với PNJ, thậm chí sao chép y hệt trang chính từ nội dung đến hình ảnh và có giá bán rất rẻ, kèm giảm giá đến 50-70%..., khiến nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ như chị rất dễ bị mắc bẫy.
Đặt mua một chiếc lắc tay của thương hiệu PNJ nhưng chị Tuyền lại nhận được một chiếc lắc tay có tên thương hiệu khác, không giống với hình ảnh quảng cáo. Ảnh: Nguyễn Tuyền. |
Cũng giống với chị Tuyền, một tài khoản tên Sa Dang ở TP.HCM từng bị lừa mua phải hàng giả thương hiệu mỹ phẩm lớn của Nhật Bản SK-II từ một fanpage có địa chỉ ở Hà Nội. "Mình mất 7 triệu đồng chỉ vì tin tưởng lời quảng cáo là đại lý chính thức ở Việt Nam", chị chia sẻ.
“Nếu không để ý sẽ rất khó phát hiện được đây là những trang giả mạo. Từ ảnh đại diện, ảnh bìa đến các bài đăng đều sao chép toàn bộ của các thương hiệu", Hồng Nhung, chuyên viên maketing chia sẻ.
Theo khảo sát, hiện có hàng trăm fanpage khác vẫn đang giả mạo các thương hiệu lớn như PNJ, Estée Lauder Việt Nam, SK-II, Samsung... Phần lớn những fanpage này đều mua quảng cáo của Facebook và tiếp cận người dùng để bán hàng giả, hàng nhái.
Tuy nhiên, trước thực trạng này Facebook lại lúng túng trong việc kiểm soát những quảng cáo hàng giả, hàng nhái. Người dùng chỉ cần bỏ tiền chạy quảng cáo là thông tin cần quảng cáo trên Facebook sẽ tiếp cận đến đối tượng phù hợp.
Nói với Zing, đại diện Facebook Việt Nam cho biết nền tảng này có công cụ để thương hiệu tự báo cáo nội dung vi phạm. Đồng thời, Facebook đầu tư máy học để nhận diện nội dung giả mạo.
Tuy nhiên, những gì xảy ra cho thấy những cơ chế này không hiệu quả. Đội ngũ kiểm duyệt quảng cáo của Facebook có vấn đề khi không chủ động ngăn chặn từ đầu những quảng cáo gây tổn hại thương hiệu dù vẫn nhận tiền, duyệt chạy chiến dịch quảng cáo.
Chiêu trò để câu kéo khách trong kinh doanh online
Ông Phước Thừa, đại diện thương hiệu trang sức PNJ nói với Zing, tất cả trang giả mạo thường sử dụng logo thương hiệu PNJ hoặc sử dụng tên gần giống, đảo ngữ như PJN hay PJ đi kèm hình ảnh của PNJ… nhằm cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Thậm chí, các đối tượng này còn sử dụng nhiều chiêu trò như thông báo trúng thưởng, mời chào bằng phần thưởng không có thật để khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền để nhận quà, chào giá bán sản phẩm thấp hơn thị trường để lừa khách hàng mua sản phẩm nhái, giả, kém chất lượng,…
Ông Thừa cho biết nhiều trang Facebook đã bị xóa bỏ nhưng chỉ một vài ngày sau, hàng loạt trang khác được tạo mới và tiếp tục chạy quảng cáo với logo, hình ảnh và nội dung mạo danh thương hiệu để lừa đảo khách hàng.
Tất cả trang giả mạo thường sử dụng logo thương hiệu hoặc sử dụng tên gần giống, đảo ngữ nhằm cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng. |
"PNJ đang tích cực phối hợp với các cơ quan pháp luật để ngăn chặn tình trạng lừa đảo này, PNJ rất mong nhận được thêm sự hỗ trợ của khách hàng", vị đại diện này cho hay.
Bà Đậu Thị Hoài Thanh, Giám đốc thương hiệu mỹ phẩm Estée Lauder Việt Nam cũng cho biết trong vài tháng qua, phía Estée Lauder không ngừng nỗ lực gỡ bỏ rất nhiều tài khoản và các trang giả mạo thương hiệu kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo bà Thanh, hiện đại diện thương hiệu đang phối hợp tích cực với trụ sở chính của tập đoàn, các chuyên gia an ninh cùng luật sư để ngăn chặn hoạt động kinh doanh phi pháp các sản phẩm giả mạo, đặc biệt là hoạt động kinh doanh trực tuyến.
"Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn các kênh bán hàng và phân phối bất hợp pháp các sản phẩm giả mạo", giám đốc thương hiệu khẳng định.
Vị đại diện này cảnh báo, người tiêu dùng chỉ nên mua sắm tại các kênh bán hàng được ủy quyền hợp pháp và tại các cửa hàng chính thức để đảm bảo các sản phẩm mua là hàng chính hãng và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng và sự an toàn.
Theo chị Nhung, thông thường các trang Facebook của các thương hiệu đều có dấu tích xanh nằm kế bên tên của trang để người dùng có thể nhận biết được đó là trang Facebook chính thức và chính chủ. Còn các trang Facebook giả mạo thì không có dấu tích màu xanh để xác minh là trang Facebook thật.
Do vậy, chị Nhung khuyên khi mua hàng trên các trang mạng đặc biệt là Facebook người dùng có thể kiểm tra tích xanh và các đường link đi kèm ở phần giới thiệu để kiểm tra hoặc tự đánh giá nhanh nhất bằng cách gọi điện thoại đến cửa hàng, chi nhánh để xác minh.