Ngày 20/3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được đưa đến bệnh viện Hoàn Mỹ TP HCM để cấp cứu. Lúc đó ông đã rơi vào trạng thái hôn mê.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang - con trai ông chia sẻ thêm rằng cha của anh bị suy hô hấp và suy tim nhiều năm nay. Gia đình nhiều lần đưa ông nhập viện, nhưng lần này quá nghiêm trọng vì tác giả ca khúc Mênh mông tình buồn rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê.
Sau khi hồi tỉnh, gia đình chuyển ông sang bệnh viện Đại học Y dược TP HCM để điều trị. Tại đây ông được phẫu thuật và nằm trong phòng cách ly.
Con trai của nhạc sĩ cho biết khi hồi tỉnh, ông còn bày tỏ muốn được gặp khán giả trong đêm nhạc chủ đề Vàng son một thời ở Hà Nội hồi đầu tháng 4. Trong dự định của nhạc sĩ trước khi ngã bệnh, ông sẽ có mặt tại thủ đô.
Tuy nhiên, sau gần một tháng nằm viện, nhạc sĩ hôn mê trở lại và ra đi vào trưa ngày 14/4. Những ngày cuối đời, con trai Quang Anh luôn túc trực bên giường bệnh cha, trong khi nhạc sĩ Nguyễn Quang đang lưu diễn ở Mỹ.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời ở tuổi 76. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh. Ông sinh năm 1939 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Năm 11 tuổi ông và gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ông chơi dương cầm từ nhỏ.
Năm 18 tuổi ông bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc. Ông khởi đầu sự nghiệp viết nhạc rất tình cờ, trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly.
Khi Khánh Ly hỏi về chuyện tình cảm của ông với người cũ, sẵn cây đàn trên tay, Nguyễn Ánh 9 cất tiếng hát ngẫu hứng: "Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa".
Tác phẩm Không trở thành bài hát phổ biến nhất thời điểm những năm 1970 và được "đệ nhất danh ca châu Á" Đặng Lệ Quân hát lại với tên Nii.
Ca sĩ Nguyễn Hưng trong một lần đến nhà thăm nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ảnh: Tiến Quyền |
Những năm 1980 ông cho ra mắt một số ca khúc như Tình yêu đến không giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa, Cô đơn, Buồn ơi chào mi...
Vài năm gần đây, nhạc sĩ không còn sáng tác nhưng ông vẫn chơi dương cầm tại một số khách sạn ở TP HCM.
Nghệ danh Nguyễn Ánh 9 là do người yêu đầu tiên của ông đặt cho. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: "Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long.
Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9".