Tối 20/3, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được gia đình đưa vào bệnh viện Hoàn Mỹ, TP HCM khi ông có dấu hiệu khó thở và mệt. Nhưng đến 16h chiều 21/3, ông được chuyển đến bệnh viện ĐH Y Dược.
Sau khi được các bác sĩ cấp cứu và làm các xét nghiệm, nhạc sĩ quê gốc Phan Rang được đưa lên phòng hồi sức tích cực vào khoảng 20h cùng ngày.
Vì chuyển sang phòng dịch vụ, nhân viên y tế của bệnh viện chăm sóc nhạc sĩ Ai đưa em về nên người thân của ông không cần phải túc trực như trước. Điều dưỡng đang trực tiếp theo dõi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ với Zing.vn về tình trạng của ông: “Bác đã tỉnh lại vào sáng nay nhưng vẫn đang thở máy và mở khí quản. Bác ấy vẫn nhận biết người thân và mọi thứ xung quanh nhưng không nói chuyện được vì còn mệt”.
Theo kết quả kiểm tra của bệnh viện cho hay, nhạc sĩ 77 tuổi bị viêm phổi, suy tim. Sau khi cấp cứu, ông vẫn thở ống và được bác sĩ giám sát 24/24. Nếu khỏe hơn sau khi theo dõi, các nhân viên sẽ rút ống để ông thở bình thường. “Bác sĩ vẫn đang khám tim mạch và hệ tiêu hóa nên phải đợi thêm mới có kết luận. Có thể bác ấy sẽ phải nằm viện khá lâu để theo dõi tình hình”, nguồn tin cho hay.
Phòng nhạc sĩ được khóa cẩn thận, không cho người lạ vào vì sợ nhiễm trùng. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được chuyển sang phòng hồi sức, người thân của ông đã về nhà vì phía bệnh viện chỉ cho vào thăm 2 lần trong những giờ cố định. Các y tá trực cũng không cho phép người lạ vào để tránh nhiễm trùng.
Trước đó, nhiều người lo lắng cho bệnh tình của nhạc sĩ vì tuổi của ông cũng đã cao. Những ca sĩ thân thiết với ông ở miền Bắc cũng tranh thủ sắp xếp thời gian để bay vào TP HCM thăm vị nhạc sĩ tài năng. Đàm Vĩnh Hưng đang lưu diễn ở châu Âu nhưng cũng cầu nguyện mong nhạc sĩ sớm tỉnh lại và sống khỏe mạnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm đàn trong đêm nhạc tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của ông. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh. Ông sinh năm 1939 tại tỉnh Phan Rang. Năm 11 tuổi ông và gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ông chơi dương cầm từ nhỏ. Năm 18 tuổi nhạc sĩ bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc.
Ông khởi đầu sự nghiệp viết nhạc rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Khi Khánh Ly hỏi về chuyện tình cảm của ông với người cũ, sẵn cây đàn, Nguyễn Ánh 9 cất tiếng hát ngẫu hứng: “Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa”. Tác phẩm Không trở thành bài hát phổ biến nhất thời điểm những năm 1970 và được "đệ nhất danh ca châu Á" Đặng Lệ Quân hát lại với tên Nii.
Những năm 1980 ông cho ra mắt một số ca khúc như Tình yêu đến không giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa, Cô đơn, Buồn ơi chào mi... Hiện tại, nhạc sĩ không còn sáng tác nhưng ông vẫn chơi dương cầm tại một số khách sạn ở TP HCM.