David Steinberger là một thành viên đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của nhà xuất bản truyện tranh mới DSTLRY. Chia sẻ với New York Times (NYT), ông muốn DSTLRY sẽ trả cho nỗ lực sáng tạo của các nhà văn và nghệ sĩ bằng cổ phần vì những người sáng tạo truyện tranh “nổi tiếng bị các nhà xuất bản ngược đãi”.
Các nhân vật trong truyện tranh có thể là tài sản trí tuệ sinh lợi, đặc biệt khi chúng được chuyển thể từ trang in lên màn bạc. Tuy nhiên, chúng chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty sở hữu chúng và đó là một truyền thống đáng tiếc có từ những ngày đầu tiên của ngành.
Một minh chứng rõ cho điều này là những người tạo ra Superman (Siêu nhân) đã bán bản quyền tác phẩm với giá 130 USD vào năm 1938 - năm tác phẩm này ra mắt mà không biết rằng Siêu nhân sẽ nổi tiếng toàn cầu và vẫn còn sinh lời.
Không giống những người tạo ra Siêu nhân, những người sáng tạo cho DSTLRY sẽ giữ quyền sở hữu các nhân vật và nội dung sáng tạo của họ, đồng thời có cổ phần trong công ty.
David Steinberger (trái) và Chip Mosher (phải) là hai nhà sáng lập của DSTLRY. Ảnh: NYT. |
DSTLRY sẽ sản xuất truyện tranh in khổ lớn cùng các vật phẩm sưu tầm liên quan, bao gồm cả hình và áp phích nhựa vinyl.
Nhà xuất bản này cũng sẽ giới thiệu ấn bản truyện tranh số, tuy nhiên, chỉ mở quyền đọc trong một thời gian giới hạn. Sau khi thời hạn này kết thúc, ấn bản số sẽ chỉ dành cho các nhà sưu tập. Người bán sẽ đặt giá và một phần doanh thu bán lại sẽ được chuyển đến người sáng tạo ban đầu.
Chip Mosher, một người đồng sáng lập khác kiêm giám đốc sáng tạo của DSTLRY cho biết: “Động lực chính là xây dựng một tương lai bền vững và công bằng hơn cho những người sáng tạo. Đó là mục tiêu vĩ mô của chúng tôi, mang lại lợi ích cho người sáng tạo nhưng cũng mang lại lợi ích cho độc giả và nhà bán lẻ”.
Các mô hình xuất bản truyện tranh có nhiều loại. Một mô hình chủ yếu là công ty ở vị thế của vua: DC và Marvel Comics gặt hái những lợi ích chính từ sự thành công của các nhân vật hàng đầu như Batman (Người dơi) và Captain America (Đội trưởng Mỹ), những nhân vật kiếm được hàng triệu USD mỗi năm cho những công ty này.
Mô hình thứ hai là các nhà xuất bản như Image Comics - do người sáng tạo trực tiếp sở hữu. Image Comics đã xuất bản The Walking Dead và mang lại vận may tài chính cho người tạo ra nó, Robert Kirkman.
Những người sáng tạo truyện tranh gia nhập đầu tiên vào DSTLRY là những người rất tài năng như nhà văn Brian Azzarello, Scott Snyder, James Tynion IV và Ram V cùng các nghệ sĩ sáng tạo như Mirka Andolfo, Elsa Charretier, Lee Garbett, Jock và Jamie McKelvie.
Một nhà sáng tạo khác được tuyển dụng cho công ty là Tula Lotay, người sáng lập Liên hoan nghệ thuật truyện tranh Thought Bubble ở Yorkshire, một quận ở miền bắc nước Anh. Bà Lotay, người sẽ vẽ và viết truyện cho DSTLRY, cho biết cơ hội này khiến bà rất mừng.
Bà bày tỏ: “Chúng tôi thực sự đồng sở hữu công ty xuất bản này, điều đó thật tuyệt vời. Bên cạnh đó, tôi biết Chip và David hiểu công việc của tôi và tin tưởng vào những gì tôi đang làm. Vì vậy, tôi cảm thấy như mình có quyền tự do tuyệt đối để sáng tạo theo ý mình muốn”.
Truyện tranh đầu tiên của DSTLRY là The Devil's Cut, tuyển tập nhiều câu chuyện của hầu hết người sáng lập. Tác phẩm này sẽ được phân phối tới các cửa hàng truyện tranh trên toàn nước Mỹ và kịp thời trước Comic-Con International, lễ hội văn hóa đại chúng được lên kế hoạch ngày 20-23/7 tại San Diego.
Những người sáng lập DSTLRY cũng không xa lạ gì khi làm việc cùng nhau. Năm 2007, ông Steinberger thành lập Comixology, nhà phân phối truyện tranh số được Amazon mua lại vào năm 2014. Còn ông Mosher là người phụ trách nội dung của Comixology.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News.
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.