Khi mà thể thao Việt đang hối hả bước vào chiến dịch SEA Games với những cơ hội giành thành tích cùng những khoản treo thưởng cao chưa từng có, tuyển thủ số 1 hiện nay Thạch Kim Tuấn không khỏi chạnh lòng. Anh sẽ phải ngồi nhà làm khán giả, dù đang là đương kim vô địch SEA Games, và nếu dự tranh sẽ cầm chắc tấm HCV.
Thạch Kim Tuấn không có cơ hội tham dự SEA Games 28 chỉ vì điều lệ thiếu chặt chẽ của Hội đồng thể thao Đông Nam Á. Ảnh: Getty Images. |
Bi hài ở chỗ, Tuấn đã mất cơ hội thể hiện hiện mình, lập công cho thể thao Việt Nam không phải vì thành tích sa sút, bị kỷ luật mà bởi cả môn cử tạ bị loại khỏi chương trình tranh tài gồm 36 môn với 402 nội dung. Cử tạ là môn Olympic truyền thống hàng đầu, và môn hiếm hoi mà thể thao Đông Nam Á đã tiếp cận với trình độ thế giới, rõ nhất với Thái Lan, tiếp theo có Indonesia và Việt Nam.
Tại các phiên họp bàn về SEA Games 28, nhiều đoàn đã đấu tranh quyết liệt để đòi quyền lợi, sự công bằng cho cử tạ, song vẫn vô hiệu vì nước chủ nhà viện dẫn thực tế môn này không phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Tuy nhiên, thực chất, gốc rễ là câu chuyện thành tích khi nước chủ nhà quá yếu ở môn cử tạ, không có VĐV nào có thể tranh chấp HCV.
Khác với thông lệ quốc tế, luôn có một chương trình thi đấu “cứng”, còn chương trình thi đấu ở SEA Games có thể thay đổi quá nửa nếu nước chủ nhà muốn. Điều lệ đã cho phép nước chủ nhà toàn quyền điều chỉnh môn, nội dung, có lẽ chỉ trừ điền kinh và bơi không thể “động” vào. Và môn cử tạ của Tuấn cũng không phải là ngoại lệ, đành phải chấp nhận chờ SEA Games sau.
Không chỉ thể thao Việt Nam coi như mất trắng 1 HCV, thực ra sự thiếu vắng của một ngôi sao tầm thế giới như Thạch Kim Tuấn cũng đã ảnh hưởng đến sức hút, giá trị chung của SEA Games. Hiện tại, cả Đông Nam Á, số nhà vô địch thế giới ở các môn Olympic như Tuấn, nhất là lại đang ở phong độ đỉnh cao, có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Tại giải vô địch thế giới 2014, Tuấn đã giành 1 HCV (cử giật), 2 HCB (tổng cử, cử đẩy) với tổng thành tích 296kg, hơn mức HCV Olympic 2012 tới 3kg.