Hơn 40 năm trôi qua sau ngày thống nhất đất nước 1975, nền văn học Việt Nam có những vận động, chuyển biến quan trọng làm nên diện mạo mới mẻ, nhiều thành tựu song cũng không kém phần phức tạp, bề bộn. Công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi sự tiếp sức của nhiều nhà văn thuộc cả thế hệ trước và sau năm 1975, nhưng lực lượng đông đảo, trực tiếp nhất chủ yếu thuộc lớp nhà văn xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975.
Nhằm tạo diễn đàn khoa học để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh thế hệ cầm bút sau 1975, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo mang tầm quốc gia. Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” diễn ra trong ngày 28/4 tại Hà Nội. Sự kiện nhận được 85 tham luận đến từ các đại học, cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Văn học hiện đại Việt Nam chia ra nhiều giai đoạn, từ năm 1900 tới nay đã qua các thế hệ: hiện đại hóa, thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mỹ, thế hệ từ 1975 tới nay (hay còn gọi là thế hệ đổi mới). Thế hệ này chủ yếu là những người sinh năm 1950, 1960, xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975, hoặc có thể cầm bút trước đó nhưng sau mốc 1975 mới đĩnh đạc cất tiếng.
Phần lớn các nghiên cứu, tham luận của hội thảo đều nhấn mạnh: mặc dù công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi nhiều nhà văn thuộc cả thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới, đặc biệt là hệ mỹ học mới, lại chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định sau 1975. Chính thay đổi mạnh mẽ trong tư duy mỹ học đã dẫn đến sự thay đổi hệ thống thi pháp và thể loại.
Từ đó, các tham luận tập trung nhận diện những đặc điểm, tiến trình vận động và thành tựu của thế hệ sau 1975. Một số hiện tượng, tác giả nổi bật của thế hệ nhà văn sau 1975 như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Dư Thị Hoài, Y Phương (trong thơ)… Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái (trong văn xuôi)… Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Hòa (lý luận phê bình)…
Từ trái qua: Nhà phê bình Văn Giá, La Khắc Hòa,PGS Vân Chi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, PGS Nguyễn Đăng Điệp tại hội thảo. |
Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nhận định: “Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời đổi mới, song có thể đánh giá thế hệ xuất hiện sau 1975 có vai trò to lớn. Thế hệ nhà văn sau 1975 có được tinh thần đổi mới mạnh mẽ, trên thực tế sáng tạo được nhiều tác phẩm thấm đẫm đổi mới”.
Nếu nói về đặc điểm nổi bật nhất của thế hệ nhà văn sau 1975, có lẽ đó là sự chuyển mình của văn học. Từ nền văn học hiện thực chủ nghĩa xã hội với cảm hứng anh hùng ca, tác phẩm chuyển sang nền văn học thời bình, hướng tới con người, giá trị nhân văn… với nhiều tác phẩm sáng giá. Thay vì ca ngợi như thế hệ trước, thế hệ này tra vấn hiện thực, cảm hứng phản tư. Họ quan tâm tới con người cá thể, đào bới con người bản thể. Bởi thế mà Nguyễn Việt Chiến – một gương mặt thơ ca của thế hệ này – nói: “Các nhà thơ sau 1975 không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao… Các nhà thơ này đã mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những phận người – cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh”.
Nhìn nhận về thành tựu nghệ thuật của thế hệ nhà văn sau 1975, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy khẳng định sự thành công về mặt nghệ thuật của nhà văn tiêu biểu cho thế hệ đã tạo ra cộng hưởng sâu rộng ở người đọc và làm phấn khích nhiều cây bút khác tham gia. Bởi vậy, tiêu chí nhận diện thế hệ này không chỉ ở tuổi tác, ở thời điểm cầm bút mà quan trọng hơn là ở chỗ sáng tác của họ thuộc về hệ hình văn học hiện đại.
PGS Đỗ Lai Thúy cho rằng chính tư duy đổi mới đã làm nên những thay đổi trong văn học thế hệ sau 1975. Ông nói: “Đổi mới với tư duy kinh tế, xóa bỏ bao cấp, kể cả bao cấp tư tưởng, trong đó có tư tưởng văn học nghệ thuật. Viết mới, cụ thể là viết theo lối hiện đại chủ nghĩa đã được thừa nhận, hay chí ít cũng không còn bị phê phán đồng loạt hoặc từ trên xuống nữa. Nhờ thế đã ra đời một loạt nhà văn mà sáng tác của họ có nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện đại, hoặc đã là văn học hiện đại chủ nghĩa”.
Đỗ Lai Thúy cũng nhận xét giai đoạn từ 1992 trở đi, các nhà văn viết theo xu hướng hậu đổi mới. Còn hiện nay, đổi mới mang tính chất tự giác và cá nhân, các nhà văn tự giác ngộ phải thay đổi tư duy nghệ thuật cho phù hợp thời đại và tự mình làm văn học mới cho mình, chứ không còn là hệ thống, chủ trương từ trên xuống nữa.
TS Đỗ Hải Ninh đánh giá thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975 là thế hệ đổi mới, có sự tiếp nối và chuyển động. Theo Đỗ Hải Ninh, sau các nhà văn 1975, một thế hệ kế tiếp đã hình thành trong giai đoạn hội nhập. Các gương mặt tiêu biểu của giai đoạn kế tiếp có Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp… Đây là thế hệ từ bỏ thế giới huyễn tưởng, phi thực tế của thế hệ trước để trở về với cái tôi cá nhân, đào sâu vào cái thế giới mơ hồ, mong manh của tâm hồn, theo dấu những cuộc tìm kiếm, tái dựng căn cước bản thân.