Tháng 12/1995, tập đầu tiên của bộ truyện Kính vạn Hoa với nhan đề Nhà ảo thuật ra mắt độc giả trong nước. Trong suốt 7 năm, từ 1995 đến 2002, 45 tập của bộ truyện này được xuất bản, với số lượng lên tới hàng triệu bản in cho cả bộ sách. Đây là con số chưa có tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước nào đạt được.
Nhờ sự yêu mến và cổ vũ nhiệt tình từ độc giả nhí, đến năm 2007, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho ra mắt tập tiếp theo của Kính vạn Hoa. Trong vòng 3 năm, 9 tập mới được phát hành. Tác phẩm này kết thúc ở con số 54 tập.
Kính vạn Hoa là tác phẩm đã góp phần làm nên tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và đưa ông tới gần hơn với độc giả nhỏ tuổi. Vì đây là bộ truyện dài kỳ, nó cũng là “đứa con tinh thần” mang nhiều duyên nợ với nhà văn. Khoảng thời gian viết Kính vạn Hoa đã để lại cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh những kỷ niệm không thể nào quên.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi kỷ niệm 25 năm ra mắt Kính vạn hoa tại Hà Nội. Ảnh: Phùng Hà. |
Đã có lúc muốn nói lời chia tay với bạn đọc
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thị trường sách văn học thiếu nhi bị “thống trị” bởi tác phẩm nước ngoài. Sáng tác của các nhà văn trong nước ít được độc giả quan tâm. Nếu có, đó cũng là các tác phẩm của những cây bút lão làng như: Tô Hoàng, Võ Quảng, Hà Ân, Nguyên Hồng… Sự ra đời của Kính vạn hoa như thổi “luồng gió mới” vào thị trường sách văn học thiếu nhi.
Thế nhưng, điều đó cũng đem đến cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không ít áp lực. Bởi Kính vạn hoa là tác phẩm được phát hành định kỳ. Cứ đến ngày đó, nhà văn phải giao bản thảo cho nhà xuất bản.
Mỗi tập truyện được cố định với độ dài 10 chương, không được thêm, cũng chẳng thể bớt. Để câu chuyện hấp dẫn, nhà văn phải xây dựng đủ chừng đó tình tiết. Ngoài các nhân vật chính, còn phải thường xuyên bổ sung thêm tuyến nhân vật phụ.
Đó là áp lực với tất cả nhà văn, chứ không riêng Nguyễn Nhật Ánh. Khi viết đến các tập 21, 25 và 32, tác giả có ý định dừng lại và viết sẵn lời chia tay bạn đọc. Nhưng được sự động viên của ông Nguyễn Thắng Vu, nguyên Giám đốc NXB Kim Đồng, và BTV Lê Phương Liên, tác giả lấy lại tinh thần, tiếp tục cho ra đời những tập tiếp theo của bộ truyện.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn nhớ cố Giám đốc Nguyễn Thắng Vu từng động viên ông: “Trên thị trường giờ đây ồ ạt sách văn học nước ngoài, sáng tác của các nhà văn trong nước bị lép vế. Thế nên, chú giống như chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, phải kiên trì chiến đấu tới cùng, không được nản lòng mà buông cây bút”.
BTV Lê Phương Liên, mỗi lần bà nghe nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự rằng muốn dừng lại, là đều khích lệ ông: “Mình tin Ánh làm được”.
Nhờ có sự động viên chân thành của ông Nguyễn Thắng Vu và BTV Lê Phương Liên của NXB Kim Đồng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng Kính vạn hoa đi tới đích.
Sau khi tập 45 của bộ truyện này ra mắt, nhiều độc giả đã cảm thấy hụt hẫng khi phải chia tay Quý “ròm, Hạnh “cận” và Tiểu Long. Để “xoa dịu” độc giả, NXB Kim Đồng ra mắt tập đặc biệt với nhan đề Còn chút gì để nhớ, giúp những người yêu quý bộ truyện này có thể bày tò tình cảm của mình với các nhân vật trong tác phẩm và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Ấn bản kỷ niệm 25 năm ra mắt của bộ truyện Kính vạn hoa. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Kính vạn hoa và tình bạn với họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Bộ truyện Kính vạn hoa không chỉ mang lại cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh những thành công lớn trong văn nghiệp, nó còn đem đến cho ông một “tài sản” rất lớn lao về mặt tinh thần. Đó là người bạn tâm giao, tri kỷ như họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Trước khi Kính vạn hoa ra đời, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường không quen biết nhau. Nhờ NXB Kim Đồng làm cầu nối mà họa sĩ Đỗ Hoàng Tường trở thành người minh họa cho bộ truyện này và tình bạn của hai tâm hồn nghệ sĩ cũng bắt đầu từ đó.
Ở bản in năm 1995, cuối mỗi tập đều có tên và bìa của tập sau. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường phải làm việc thật ăn ý cùng nhau, để không xảy ra tình trạng: Truyện viết một đằng, bìa một nẻo.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường gửi cho họa sĩ phần tóm tắt của tập truyện sắp tới, dựa vào đó, họa sĩ vẽ bìa cho tác phẩm. Vì chỉ là tóm tắt, nên đôi khi, giữa hai người cũng có sự “lệch pha” trong ý tưởng và cách diễn đạt, từ đó, xảy ra vô số chuyện dở khóc, cười.
Trong tập nhan đề Xin lỗi mày, Tai To, ban đầu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chỉ để một tên trộm xuất hiện trong truyện. Nhưng phần minh họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường lại có tới hai tên trộm. Bản vẽ đã được gửi tới nhà in, nên không thể sửa lại. Thế là nhà văn đành vắt óc suy nghĩ, thêm thắt các tình tiết, để có thêm một tên trộm nữa trong vụ án.
Mỗi lần nhắc đến chuyện này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường đùa: “Đây không phải họa sĩ minh họa theo cốt truyện, mà là nhà văn viết truyện theo định hướng của họa sĩ”.
Sau Kính vạn hoa, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường còn minh họa nhiều tiểu thuyết, truyện dài khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông thường nói đùa: “Tôi có hai nghề. Nghề chính vẫn là vẽ tranh, nghề thứ hai là minh họa cho tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh”.
Có thể nói: Kính vạn hoa đã đem tới cho “cha đẻ” của nó một người bạn tri kỷ tâm giao, người luôn thấu hiểu và làm đẹp thêm cho các tác phẩm của ông. Nguyễn Nhật Ánh và Đỗ Hoàng Tường đã bắt đầu tình bạn nhờ vẻ đẹp của văn chương và hội họa.