Ảnh minh họa trò chơi lego. Ảnh: Alpha Coders. |
Sáu tháng trước khi ra mắt cuốn sách mới Rip Tide, nhà văn Colleen McKeegan đã cảm thấy rất căng thẳng khi nghĩ về những phản hồi của công chúng, doanh số và ý kiến các nhà phê bình. Vì vậy, bà đã tìm đến món đồ chơi tuổi thơ của mình: lego. Đối với bà Keegan, đây là một cách tốt để dứt bản thân ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, hay gọi cách khác là thiền.
Tìm thấy chính mình trong thế giới trò chơi
Trong vòng hai tháng học cách thư giãn với trò chơi lego, nhà văn Colleen McKeegan đã lắp được rất nhiều tạo hình thú vị. Chúng bao gồm năm con robot, ba chiếc máy bay trực thăng, hai con cá mập, một chiếc thủy phi cơ, một phòng thí nghiệm khoa học, chiếc xe của nhân vật phản diện Super Mario Bowser và lâu đài Hogwarts trong truyện Harry Potter.
Để đạt được thành tích này, bà McKeegan đã rủ cả chồng và con trai của mình tham gia. “Khi chơi lego, tôi cảm thấy tìm lại được chính mình nhiều năm trước đó, áp lực cuộc sống bỗng chốc biến mất. Tôi nghĩ đây chính là cách giúp tôi mở ra thế giới thiền”, tác giả của Rip Tide chia sẻ.
Lắp ráp lego đối với nhà văn McKeegan như một hình thức thiền định. Tất cả các mảnh ghép đều có vị trí của nó, và bà không cần phải đưa ra bất kỳ quyết định nào, chỉ cần làm theo hướng dẫn. Việc này giúp bà tập trung tâm trí, tránh xa khỏi những áp lực vô hình của việc xuất bản. Cảm giác hài lòng khi hoàn thành một mô hình lego tương tự như việc hoàn thành một cuốn tiểu thuyết. Từ hàng trăm mảnh ghép nhỏ lẻ, bà tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh.
Chân dung nhà văn Colleen McKeegan. Ảnh: Colleen McKeegan. |
Trong thế giới đầy bất ổn và lo âu, nhà văn McKeegan đã tìm thấy niềm an ủi và sự tĩnh lặng qua những khối Lego. Khi tác giả Colleen McKeegan và con trai hoàn thành mô hình, bà cảm thấy như mình đã tái tạo lại một thế giới hoàn hảo, một nơi mà bà có thể kiểm soát và tạo ra sự kỳ diệu từ những mảnh ghép nhỏ bé. Trong những lúc căng thẳng nhất, việc lắp ráp lego đã trở thành biện pháp giúp bà duy trì sự bình tĩnh và kiểm soát, giúp nhà văn vượt qua những khó khăn trong đời sống sáng tác.
Theo tác giả Colleen McKeegan, đời sống của một nhà văn luôn mang trong mình một nghịch lý đầy thách thức. Hầu hết nhà văn là những người nhạy cảm và nội tâm, sử dụng ngôn từ để diễn đạt và hiểu rõ hơn về thực tại xung quanh. Họ mong muốn quan điểm của mình được lắng nghe, sự nhạy cảm được tôn trọng và tài năng được công nhận. Tuy nhiên, khi những kỳ vọng không được đáp ứng, họ lại phải đối diện với yêu cầu phải trở nên cứng cỏi và mạnh mẽ.
Các nhà văn thư giãn bằng cách nào
Không chỉ riêng tác giả Colleen McKeegan, những nhà văn nổi tiếng đều có cho mình một sở thích riêng giúp họ giảm căng thẳng và tăng cảm hứng sáng tác. Đôi khi những hoạt động này còn giúp họ có thêm chất liệu viết.
Nhà thơ nổi tiếng nước Mỹ, Sylvia Plath. |
Chẳng hạn, nữ nhà thơ nổi tiếng nước Mỹ, Sylvia Plath tìm thấy niềm vui trong việc nuôi ong. Năm 1962, bà Plath và chồng, nhà văn Ted Hughes, đã quyết định thử sức với nghề nuôi ong, lấy cảm hứng từ cha của bà, một nhà côn trùng học chuyên về ong.
Trong một lá thư gửi mẹ, bà Plath viết rằng: “Hôm nay, chúng con đã trở thành những người nuôi ong! Chúng con đã tham dự cuộc họp địa phương tuần trước… và hôm nay, ông Pollard đã mang đến đàn ong từ nước Italy xa xôi mà bọn con đã đặt hàng”. Trải nghiệm này không chỉ mang lại niềm vui mà còn truyền cảm hứng cho Plath sáng tác một loạt bài thơ về ong trước khi bà qua đời.
Người đoạt giải Nobel Văn chương Ernest Hemingway lại yêu thích các hoạt động ngoài trời như săn bắn và câu cá. Ông Hemingway đã tham gia nhiều chuyến đi săn ở châu Phi và là một tay câu cá biển sâu có tiếng ở vùng Caribe. Những cuộc phiêu lưu này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông. Nhà văn Hemingway từng nói, “Để viết về cuộc sống, trước tiên bạn phải sống” và ông đã sống đúng với triết lý đó.
Nhà văn Ernest Hemingway trong một chuyến đi săn. Ảnh: Corbis. |
Một ví dụ khác là tác giả Nếp gấp thời gian, Madeleine L’Engle. Khi đối mặt với việc cạn ý tưởng, bà L’Engle thường tìm đến chiếc piano của mình để tìm lại sự sáng tạo. Bà giải thích rằng, “Chơi piano là cách giúp tôi giải tỏa cảm xúc và mở ra dòng chảy ý tưởng. Khi tôi chơi, rào cản giữa ý thức và tiềm thức được phá vỡ, cho phép trực giác tự do đưa ra những ý tưởng mới.” Đối với nhà văn L’Engle, piano không chỉ là một sở thích, mà còn là một phần quan trọng trong quá trình sáng tạo văn học của bà.
Những sở thích và hoạt động giải trí này cho thấy rằng, đối với các nhà văn, việc duy trì sự cân bằng giữa sáng tạo và giải trí không chỉ là một phần của cuộc sống cá nhân, mà còn là yếu tố quan trọng giúp họ tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho văn học.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.