Nhà trẻ đặc biệt
Phân trại số 2 rất khác so với 6 phân trại còn lại của trại giam Phú Sơn 4 (đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên).
Ngay lối vào cổng khoảng 100 m, giữa những tán lá xum xuê là một nhà trẻ thoáng mát với khoảng 20 cháu. Tất cả đều là con của phạm nhân nữ, đứa lớn nhất gần 3 tuổi, đứa nhỏ nhất 7 tháng tuổi. Phân trại số 2 là nơi giam giữ và cải tạo hơn 1.000 phạm nhân nữ.
Đàm Kim Phượng, 33 tuổi - quê ở Ngọc Lâm (Gia Lâm, Hà Nội) vào trại từ tháng 12 năm ngoái vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Chồng Phượng cũng chung cảnh lao lý ở một trại giam khác. Không đành lòng đưa con vào Trung tâm bảo trợ xã hội, Phượng mang theo đứa con nhỏ mới 18 tháng tuổi vào trại ở cùng.
Dù không thể lý giải được vì sao mình sa vào vòng tù tội, nhưng Phượng lại rất rành mạch khi nói về tình mẫu tử: "Mình ngần này tuổi rồi, chơi bời cũng nhiều năm, giờ có một đứa con, làm sao mà dứt được ra. Bây giờ, cháu đã được 30 tháng, nặng khoảng 10 kg, vào đây cháu tăng hơn 1 kg.
Ở nhà cũng có bà nhưng con ở gần mẹ bao giờ chẳng hơn. Khi có con ở bên cạnh, em cũng có động lực để phấn đấu cải tạo. Chỉ có những người mẹ không có suy nghĩ thì mới bỏ con hoặc cho đi”.
22 tuổi, Thái Huyền Trang ở Phúc Tân, Hà Nội đã là mẹ của hai đứa nhỏ. Dấu vết của những ngày tháng quăng quật bên ngoài xã hội hiện rõ trên khuôn mặt của người mẹ trẻ này.
Sau 6 tháng ở cữ trong trại, hoàn toàn nghỉ ngơi và chăm con giống như bất cứ bà mẹ nào ngoài xã hội, đến tháng thứ 7, Trang gửi con vào nhà trẻ để thực hiện nghĩa vụ cải tạo.
Những nữ phạm nhân mang theo con vào trại giam để nuôi dưỡng. |
Ôm đứa con gái trắng trẻo trên tay, Trang cho biết: "Sáng em thường dậy vào lúc 6h, cho con ăn uống rồi gửi con vào nhà trẻ và lao động cải tạo vào lúc 7h. Khoảng 9h thì em về quấy bột cho con ăn. Bột của nhà gửi lên.
Cháu đã được gần 7 tháng và nặng khoảng 6,5 kg. Em cho cháu ăn sữa ngoài hoàn toàn, bú mẹ chỉ vào ban đêm thôi. Trộm vía, trời cũng thương nên con nhà em rất ít ốm đau".
Cũng giống như các bà mẹ có con nhỏ đang gửi ở nhà trẻ đặc biệt này, thời gian và định mức lao động của Trang chỉ tính bằng một nửa, thậm chí ít hơn so với phạm nhân khác.
Xưởng gia công vàng mã (xuất đi Đài Loan) của phạm nhân nữ cũng chỉ cách nhà trẻ hơn 100 m với công việc chính là gấp giấy. Giữa giờ hoặc thời gian nghỉ trưa, họ lại sang nhà trẻ, cho con uống sữa hoặc quấy bột, quấy cháo.
Trẻ sinh trong trại giam - lý lịch sạch sẽ
Công việc chăm sóc các cháu được giao cho 2 phạm nhân nữ lớn tuổi. Từng là giáo viên mầm non ở Cao Bằng, phạm nhân Hoàng Thị Hoa, người được giao trách nhiệm chăm sóc các cháu cho biết, lúc giao mùa hay khi mọc răng, các cháu thường bị sốt và đi ngoài.
Nếu bệnh nhẹ thì các cháu có thuốc của bệnh xá, nặng hơn sẽ được đưa lên bệnh viện của TP.Thái Nguyên.
Trong giấy khai sinh của các cháu thì mẹ đứng tên, không dính líu gì đến trại giam Phú Sơn 4. |
Phạm nhân Hoa cũng cho biết thêm: "Về tiêu chuẩn, mỗi cháu được 450.000/tháng, đổi ra sữa hoặc cháo, cộng thêm những thứ gia đình gửi lên, cũng tạm đủ để sống. Vào ngày lễ, Tết, các cháu được lãnh đạo trại hoặc các đoàn đến thăm, tặng rất nhiều quà.
Tôi chỉ thương các cháu thiếu thốn tình cảm. Có cháu khóc nhè, tôi dỗ dành: "Ngoan rồi bà cho ra thành phố mua đồ chơi". Dù rất nhỏ nhưng đã có cháu nói rằng: cháu chỉ muốn được gặp bố thôi".
Là người trực tiếp quản lý nhà trẻ đặc biệt này, thiếu úy Nguyễn Ngọc Phương - cán bộ quản giáo trại giam Phú Sơn 4 cho biết: Tất cả các cháu sinh ra trong trại đều "mẹ tròn con vuông". Phạm nhân nào đẻ khó thì được chuyển lên bệnh viện ở Thái Nguyên.
"Nhiều chị mang thai, lúc mới vào trại, tư tưởng thường không ổn định nhưng sau một thời gian ở tù, được khám thai đầy đủ, nghỉ ngơi và định mức lao động chỉ bằng 1 nửa phạm nhân khác nên các chị cũng yên tâm cải tạo. Hầu hết các chị đều được xếp loại cải tạo khá và tốt" - thiếu úy Phương chia sẻ.
Nhà trẻ trong trại giam không phải là mô hình phổ biến mà chỉ tồn tại ở một số trại giam lớn.
Những đứa trẻ lẫm chẫm giữa những tấm áo sọc đen trắng, đó là điều không ai muốn. Chính vì vậy, với những đứa trẻ vô tội này, trại giam cũng tạo những điều kiện tốt nhất có thể để chăm lo cho các cháu.
Đại tá Lương Văn Đạo - Phó Giám thị trại giam cho biết: Các cháu được hưởng BHYT như tất cả các đứa trẻ khác. Sau 36 tháng tuổi, các cháu được gia đình đón về hoặc được gửi vào Trung tâm bảo trợ xã hội.
Về khai sinh, trại phối hợp với chính quyền sở tại để đảm bảo cho các cháu có một lý lịch sạch sẽ.
"Trong giấy khai sinh của các cháu thì mẹ đứng tên, không dính líu gì đến trại giam Phú Sơn 4 để tạo điều kiện cho các cháu sau này trưởng thành, không bị mang tiếng là sinh đẻ trong trại giam. Đây là vấn đề rất tế nhị được pháp luật quy định. Hồ sơ lý lịch của các cháu là sạch" - Đại tá Đạo cho biết.