Khi Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao của Mỹ bước từ lãnh thổ Hàn Quốc vào Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều, cánh phóng viên đều đã "tay máy sẵn sàng". Khoảnh khắc tổng thống Mỹ bắt tay người quyền lực nhất Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un, và gọi ông trìu mến là "bạn của tôi" nhanh chóng được truyền đi trên truyền thông toàn thế giới.
Tuy nhiên, tổng thống đời thứ 45 của Mỹ không phải là người duy nhất của nhà Trump mà truyền thông nhìn thấy xuất hiện trong DMZ. Chỉ sau vài tấm ảnh, Ivanka Trump cùng chồng Jared Kushner theo chân rồi vào thẳng Nhà Tự do của Hàn Quốc tại Khu an ninh chung (JSA).
Khách không mời?
Cặp vợ chồng, được xem là có sức ảnh hưởng ngày một lớn tại Cánh Tây của Nhà Trắng, không chỉ tháp tùng ông Trump vào Nhà Tự do. Họ còn tham dự cuộc họp kín gần 50 phút giữa hai nhà lãnh đạo và các quan chức cấp cao hai nước, thảo luận về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất thế giới: chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Dù đây là cuộc gặp quan trọng đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, nhiều quan chức tại Washington tiết lộ họ không được báo trước việc vợ chồng Ivanka sẽ có mặt tại Nhà Tự do. Một quan chức nói đội tiền trạm tại Hàn Quốc không báo cáo điều này cho những cố vấn có liên quan ở quê nhà, theo Daily Beast.
Ivanka sau đó mô tả cuộc tản bộ ngắn ngủi của mình phía bên kia biên giới liên Triều là "siêu thực".
Ivanka đứng giữa Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc tiếp xúc binh sĩ tại căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Trump thường nhờ đến các thành viên trong gia đình, thường là con rể Jared Kushner, thực hiện nhiều sứ mệnh ngoại giao. Cách làm việc này khiến quốc hội Mỹ phải tiến hành nhiều đợt điều tra về quyền tiếp cận an ninh của các thành viên nhà Trump, đồng thời hoài nghi Nhà Trắng tìm cách lách quy định truyền thống trong chính sách đối ngoại.
Trong một phiên điều trần gần đây tại Hạ viện, cựu ngoại trưởng Rex Tillerson tiết lộ nhiều lúc ông rơi vào cảnh bị động về thông tin trong một số quyết sách đối ngoại quan trọng. Jared Kushner nhiều lúc điều hành một hệ thống của riêng mình không khác gì "bộ ngoại giao ngầm". Con rể của ông Trump còn bí mật gặp mặt nhiều nhà lãnh đạo các nước như Mexico và Saudi Arabia.
Cuộc gặp tại DMZ một lần nữa làm dấy lên những bức xúc trong nội bộ Washington về quyền hạn của cặp đôi nhà Trump, lần này nhắm đến cô con gái Ivanka.
"Chiếm sóng" tại G20
Ivanka Trump có vị trí chính thức là cố vấn Nhà Trắng, nhưng cô lại tham gia trong hàng loạt sự kiện quan trọng không chỉ tại DMZ mà còn ở hội nghị thượng đỉnh G20.
Những hình ảnh và video của hội nghị cuối tuần qua tại Osaka, Nhật Bản, cho thấy một cố vấn thường xuyên cố bắt chuyện cùng lãnh đạo những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cô tìm cách xen vào những cuộc đối thoại của những chính khách kỳ cựu về sách lược đối ngoại quốc tế. Ivanka còn xuất hiện trong buổi chụp ảnh G20 cùng với cha mình, ngang hàng với nhiều nhà lãnh đạo khác.
"Ivanka đã tham gia nhiều cuộc gặp song phương trước kia, và cũng đại diện cho Nhà Trắng ở các hội nghị thượng đỉnh G20. Vấn đề thúc đẩy nữ quyền là trung tâm trong các chiến lược của tổng thống về an ninh quốc gia, cũng như hòa bình và sự an toàn của phụ nữ", Garrett Marquis, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, lên tiếng giữa những xôn xao bàn tán về quyền hạn của ái nữ nhà Trump.
Ivanka Trump chụp ảnh chung cùng cha mình và lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ảnh: AP. |
Sự hiện diện này nhanh chóng vấp phải những phản ứng nghi ngại. Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của đảng Dân chủ nói bóng gió rằng "làm con gái ruột không phải là một trong những đòi hỏi năng lực nghề nghiệp".
"Vị thế ngoại giao của chúng ta bị tổn hại nếu như tổng thống dễ dàng để điều này xảy ra rồi cả thế giới ngó lơ", bà nhận định.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ tiết lộ đội ngũ của Tổng thống Trump thường phải nghĩ thêm một vai trò nào đó cho Ivanka trong các chuyến công du. Họ cho rằng ái nữ nhà Trump là một người phát ngôn có tài.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Ivanka trong cuộc gặp tại DMZ giữa ông Trump và ông Kim không chỉ mang tính hình thức. Hai quan chức cấp cao và một cựu quan chức Mỹ đánh giá cô không có vai trò đáng kể trong những chiến lược đối ngoại lớn, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Dù vậy, họ thừa nhận Tổng thống Trump vẫn thường cân nhắc lời khuyên của con gái trong nhiều quyết sách đối ngoại và an ninh quốc gia, từ việc ra lệnh không kích nước khác đến thỏa thuận về biến đổi khí hậu.
"Cô ấy quan trọng bởi vì tổng thống nói rằng cô ấy quan trọng. Biết điều thì ai dám qua mặt cô ấy chứ", vị cựu quan chức cho biết.
Vai trò độc nhất vô nhị
Một quan chức ở Washington tiết lộ Ivanka Trump thường xuyên có mặt trong những buổi thảo luận chính sách và báo cáo tình hình quan trọng. Nhiều cuộc gặp chỉ giới hạn trong nhóm quan chức cấp cao nhưng cô vẫn tham gia vì Tổng thống Trump yêu cầu.
Không riêng trợ lý và cố vấn của tổng thống Mỹ, ngay cả đội ngũ của lãnh đạo các nước khác dường như cũng nhận ra thực tế trên. Chính khách các nước đã đưa yếu tố Ivanka vào tính toán ngoại giao hoặc những cuộc đối thoại lấy lòng nhà lãnh đạo Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn có lần hỏi thăm ông Trump về sức khỏe của Ivanka và mối quan tâm của con gái ông về các dự án thúc đẩy nữ quyền toàn cầu.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng thừa nhận vai trò độc nhất vô nhị của Ivanka và Jared Kushner trong đội ngũ cố vấn Nhà Trắng khiến công việc đối ngoại trở nên khó khăn. Ảnh: AP. |
Sự ưu ái mà ông Trump dành cho Ivanka khiến nhiều trợ lý cấp cao của ông bức xúc trong hơn hai năm qua. Hai cái tên nổi bật trong danh sách này là cựu chiến lược gia hàng đầu Steve Bannon và cựu chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. CNN năm 2018 tiết lộ ông Kelly từng phàn nàn rằng Ivanka chỉ đang "chơi trò chính phủ".
Vào thời điểm đó, ái nữ nhà Trump được chỉ định làm người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự lễ bế lạc Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc. Điều này khiến nhiều quan chức và cố vấn cấp cao tại Washington, trong đó có ông John Kelly, cảm thấy bối rối.
Các nhà lập pháp tại lưỡng viện đang điều tra cách thức và động cơ điều chỉnh chính sách đối ngoại Mỹ dưới sự tác động của gia đình ông Trump.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện từng chỉ trích mối quan hệ cá nhân giữa Kushner và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Trong phiên điều trần vào tháng 5, cựu ngoại trưởng Tillerson thừa nhận việc Ivanka và Kushner can dự vào quá trình hoạch định an ninh quốc gia khiến công việc của ông thêm khó khăn.
"Một trong những thách thức mà mọi người phải học cách đối phó (trong Nhà Trắng) là vai trò độc nhất vô nhị của con rể và con gái tổng thống trong đội ngũ cố vấn. Vì không thể hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của họ, bất kỳ ai cũng cảm thấy công việc thêm khó khăn", ông Tillerson cho biết.