Giải thưởng sáng tác về biên giới, biển đảo do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhằm tôn vinh những tác phẩm về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1974 đến nay. Lễ trao giải thưởng diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội.
Các tác giả nhận giải nhất, nhà thơ Trần Đăng Khoa đứng thứ nhất, bên trái. Ảnh: L.M. |
Hội Nhà văn Việt Nam trao 12 giải tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài biên giới, biển đảo. Đây là những tác phẩm đã xuất bản, được công chúng đón nhận.
12 tác phẩm gồm: Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Đảo chìm và hơi thở rừng hồi (Vương Trọng); Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý); Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật); Nơi khôn thiêng của biển (Lương Hữu Quang); Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy); Huyền thoại tàu không số (Đình Kính); Trường Sa kỳ vĩ và gian lao (Sương Nguyệt Minh); Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thủy); Trường Sa trong mắt trong (Nguyễn Mạnh Hùng); Nậm Ngặt mây trắng (Nguyễn Hùng Sơn); Tình không biên giới (Kim Quyên).
Bên cạnh giải Tôn vinh, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao Giải thưởng sáng tác về biên giới, biển đảo cho 32 tác phẩm văn học.
Bìa sách Đảo chìm Trường Sa. Ảnh: S.K.T. |
Giải nhất thuộc về bốn tác phẩm: Đảo chìm Trường Sa (Trần Đăng Khoa); Mình và họ (Nguyễn Bình Phương); Ba phần tư trái đất (Thi Hoàng); Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Mộ gió (Trịnh Công Lộc).
Ban Tổ chức cũng trao 10 giải nhì, 18 giải ba. Giải thưởng cho tập thể thuộc về các đơn vị: Báo Văn Nghệ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trang web Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Thơ, Tạp chí Hồn Việt.
Đảo chìm Trường Sa là tuyển tập thơ văn của nhà thơ Trần Đăng Khoa, được xuất bản năm 2016.
Trước đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa có tập truyện ký Đảo chìm viết năm 2000, đến năm 2009 đã tái bản lần thứ 25.
Về giải thưởng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhấn mạnh tấm lòng tri ân bao thế hệ cha ông ta đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong các trang viết.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, tinh thần ấy được lan tỏa, tiếp nối trong nhiều thế hệ người Việt và giới văn nghệ sĩ, từ đó cho ra đời những tác phẩm đầy tính hiện thực và xúc động.