Với kinh nghiệm nhiều năm chấm giải tại các cuộc thi lớn về văn học thiếu nhi và sách quốc gia, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - trăn trở trước xu thế phát triển của các cây bút nhí, cũng như mảng sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Khi biết sách thiếu nhi là một trong 8 chủ đề sẽ được tập trung xây dựng trong đề án Chương trình Sách quốc gia, do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá cao sự chú trọng mà đề án dành cho độc giả nhí.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Tần Tần. |
Đọc sách sẽ kích thích trí sáng tạo của trẻ
- Ông đánh giá như thế nào về mảng sách thiếu nhi hiện nay?
- Đại dịch Covid-19 làm thay đổi toàn cầu, gây nên sự khủng hoảng kinh tế và cũng ảnh hưởng đến đời sống văn hóa - xã hội. Ngành xuất bản cũng không ngoại lệ, doanh thu sụt giảm, nhưng có thể thấy hiện nay lượng sách vẫn rất nhiều. Tuy vậy, mảng sách thiếu nhi chủ yếu là sách của tác giả nước ngoài.
Tôi nhớ khi mình còn nhỏ, trẻ em rất được quan tâm. Báo Văn nghệ có 2 trên tổng số 16 trang dành riêng cho thiếu nhi. Ở thời điểm hiện tại, đáng tiếc là điều đó không còn giữ được. Bởi thế, Hội Nhà văn Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm phát triển mảng văn học thiếu nhi. Hiện, Hội có 5 hội đồng chuyên môn, trong đó có Hội đồng Văn học thiếu nhi (trước đây chỉ là một ban, chủ yếu làm công tác phong trào).
Báo Thể thao & Văn hóa còn tổ chức cuộc thi Dế Mèn, góp phần tìm ra những tác phẩm đặc sắc dành cho thiếu nhi với nhiều giải thưởng giá trị như Hiệp sĩ Dế Mèn hay Cây bút nhí triển vọng.
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đề xuất thành lập Quỹ Văn học Thiếu nhi. Nếu không vì dịch bệnh, Hội đã tiến hành cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi và Hội nghị các nhà văn trẻ. Văn học thiếu nhi chắc chắn sẽ khởi sắc.
- Những dự án như Chương trình Sách quốc gia có vai trò như thế nào trong việc chắp cánh khả năng sáng tạo của các em nhỏ, thưa ông?
- Khi nghe Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thực hiện đề án sách mang tầm quốc gia, tôi cho rằng đó là ý tưởng rất hay. Nhất định chúng ta sẽ có những cuốn sách hay dành cho các em, được lựa chọn và sắp xếp theo hệ thống quy củ, khoa học.
Đặc biệt, những cuốn sách ấy sẽ góp phần tạo nên chất xúc tác, kích thích trí sáng tạo của nhà văn và cả độc giả nhí. Bên cạnh đó, việc xây dựng tủ sách nền tảng mang tầm quốc gia còn động viên người cầm bút tập trung hơn vào từng mảng đề tài. Tôi đánh giá rất cao những đề án như thế này.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng là giám khảo của nhiều cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi. Ảnh: FBNV. |
Tiêu chí lựa chọn sách thiếu nhi
- Theo ông, lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng nên đọc những cuốn sách ở thể loại, đề tài nào để hình thành nhân cách, bồi đắp tri thức?
- Theo tôi, chỉ cần đọc những cuốn sách hay. Sách hiện rất nhiều, nhưng sách hay thì thời nào cũng hiếm. Thể loại hay đề tài không phải điều quan trọng. Thơ, văn, truyện đồng thoại… đều được, miễn sao qua mỗi cuốn sách đó, các em có thể học được những điều bổ ích. Nội dung sách nền tảng phải khơi gợi được tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và bạn bè, hướng các em đến với cái đẹp.
Khi tiến hành lựa chọn sách cho đề án này, các đơn vị phải tự đặt ra câu hỏi: “Liệu trẻ có thực sự hứng thú đọc những cuốn sách đó không?”. Đối với trẻ nhỏ, sách cần có sự hấp dẫn, kích thích trí tò mò, khám phá. Nếu không hấp dẫn, sẽ không chinh phục được các em.
- Thế giới trẻ thơ ở thời điểm hiện tại có quá nhiều hình thức giải trí hấp dẫn. Đâu là hướng đi khiến trẻ đọc sách nhiều hơn?
- Đúng là mọi trò chơi điện tử, tiêu khiển từ các thiết bị công nghệ đều hấp dẫn, nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ sẽ xa rời sách. Thử hỏi nếu trẻ không đọc sách, thì làm sao mảng sách thiếu nhi tồn tại được? Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, hay báo Nhi Đồng, báo Thiếu niên vẫn rất phát triển đấy thôi.
Có thể nói hiện nay trên là trời, dưới là sách. Một cuốn sách nổi tiếng của thế giới ngay lập tức đã được các đơn vị trong nước mua bản quyền, chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc. Điều đó cho thấy người Việt ta không hề lạc hậu với thế giới.
Nội dung sách nền tảng phải khơi gợi được tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và bạn bè, hướng các em đến với cái đẹp.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Các hình thức giải trí ngày càng phong phú, nhưng sách vẫn có vị thế của nó. Ngoài sách giấy còn có cả sách điện tử, sách nói. Sách vừa là vật chất, vừa mang ý nghĩa tinh thần. Chỉ có sách mới nâng đỡ được tri thức và tâm hồn chúng ta.
Một cuốn sách hay bao giờ cũng có thể tự mình đứng vững trước thời gian và theo các em đến suốt đời. Chính vì thế, điều cốt lõi trước hết là đề án phải chọn được những cuốn sách hay. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nên in lại các cuốn sách (cả trong nước và thế giới) đã được thử thách qua thời gian.
- Như ông đã nói, hiện nay, số lượng sách được phát hành rất nhiều. Làm thế nào để lựa chọn được những cuốn sách thật sự tốt, phù hợp độc giả nhí?
- Điều này đòi hỏi cái nhìn công tâm và sự tính toán thông minh của những người trực tiếp thực hiện đề án. Việc lựa chọn sách nên có sự tham khảo, lắng nghe từ chính các em. Chúng ta đã có ngày sách, phố sách nhưng cũng nên có những hội thảo do chính các em thực hiện. Đó sẽ là nơi để lắng nghe tiếng nói của các em.
Tôi nhiều năm tham gia thẩm định cuộc thi “Cuốn sách em yêu” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức. Mô hình này nên nhân ra toàn quốc, đặc biệt là trong các trường học. Ngoài ra, cũng nên tham khảo ý kiến của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc những cây bút chuyên viết cho trẻ thơ. Họ sẽ là những người có chuyên môn sâu ở mảng sách này.
- Đề án Chương trình Sách quốc gia định hướng làm sách nói và sách điện tử. Lứa tuổi thiếu nhi liệu có phù hợp để tiếp cận hai định dạng này?
- Sách nói hay điện tử sẽ không thể thay thế được sách in. Song, xu thế phát triển của xã hội đòi hỏi sự đa dạng, các đơn vị xuất bản cũng cần quan tâm điều đó. Sách điện tử là hướng đi tất yếu của đời sống hiện đại và chúng ta không thể tụt hậu.
Ngay trong mùa Covid-19, trẻ em chuyển sang học online, phụ huynh bắt buộc phải trang bị cho con em họ những thiết bị công nghệ hữu dụng để phục vụ việc học.
Trong việc này, đối tượng trẻ em hay những người không có điều kiện kinh tế tốt đâu có đứng ngoài cuộc? Quan tâm đến con trẻ là đầu tư cho tương lai, cũng là đầu tư cho chính mình. Việc đọc sách ở định dạng nào cũng tốt.