Phiên chất vấn chiều 9/12 của HĐND Hà Nội được làm nóng với nhiều nội dung dân sinh bức xúc, trong đó tập trung chủ yếu vào việc các dự án xử lý chất thải rắn chậm triển khai, vướng mắc ở nhiều khâu.
Đại biểu Phạm Thị Hải Hoa hỏi lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) về việc nhà đầu tư còn lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ, dẫn đến dự án nhà máy xử lý rác thải rắn chậm tiến độ. Bà đề nghị Giám đốc Sở KHCN cho biết định hướng của thành phố về công nghệ đối với dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu việc nhà máy xử lý rác Núi Thoong, huyện Chương Mỹ có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế và quy hoạch xử lý rác thải rắn được phê duyệt từ năm 2014. Đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý việc xem xét điều chỉnh, xử lý những vướng mắc thế nào.
Công nghệ lạc hậu, người dân không đồng thuận
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết trước năm 2010, công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp tự nhiên với rất nhiều tồn tại.
Đến năm 2014, dự án xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ tái chế, xử lý thành phân hữu cơ hoặc đốt để thu hồi năng lượng. Tuy có ưu việt hơn phương pháp chôn lấp cũ, nhưng ông Sơn nói vẫn còn nhiều tồn tại như chưa đáp ứng được việc phân loại rác vô cơ, hữu cơ, vẫn sinh ra khí thải độc hại, công nghệ chưa đảm bảo.
Về vướng mắc, quá trình thẩm định chủ trương đầu tư bị kéo dài khiến nhiều công nghệ lỗi thời khi đến giai đoạn thực hiện dự án. Vì vậy, nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải bị chậm trễ do phải chờ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh công nghệ xử lý rác thải.
Về vướng mắc tại nhà máy xử lý rác Núi Thoong, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết công nghệ tại thời điểm dự án được lập là phân loại, tách ủ.
"Công nghệ đã lạc hậu, trong quá trình triển khai thực hiện người dân không đồng thuận dẫn đến chậm giải phóng mặt bằng", ông Phong nói.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn. Ảnh: X.H. |
Vì vậy, thành phố đã giao Sở Xây dựng xem xét lại công nghệ, tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân. Đến nay, người dân đã đồng thuận, huyện Chương Mỹ đã giải phóng mặt bằng được 10,3 ha.
Hiện, nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh phương pháp xử lý là phát điện sử dụng lò đốt của Đức thay cho ủ tách, nâng công suất lên 2.000 tấn. Việc này phù hợp với định hướng của thành phố và vị trí, diện tích đã giải phóng mặt bằng.
Ông Phong cho biết UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu rà soát để điều chỉnh quy hoạch. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ, sở, ngành rà soát tổng công suất xử lý rác trên địa bàn, để đề xuất nâng công suất xử lý rác tại các nhà máy này.
Sở cũng phối hợp địa phương thông tin để người dân hiểu, ủng hộ dự án xử lý rác thải trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đáp ứng việc xây dựng kịp tiến độ.
Thay nhà đầu tư nếu tiếp tục chậm trễ
Trả lời thêm về nội dung này, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện ở Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn/ngày) hiện tiến độ còn chậm.
Về nguyên nhân, ông Đông cho rằng do dịch bệnh, chuyên gia nước ngoài, nhân công, trang thiết bị không thể nhập cảnh. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, đã tiếp nhận rác của toàn bộ huyện Mê Linh.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Trọng Đông. Ảnh: X.H. |
Dự kiến cuối tháng 12, nhà máy bắt đầu đốt rác và trong quý I/2022 hoạt động toàn bộ công suất với khoảng 5.500 tấn rác tươi. Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhà máy xử lý rác ở điểm xung quanh thành phố như Núi Thoong, Đồng Ké (Chương Mỹ), Châu Can (Phú Xuyên) và Phù Đổng (Gia Lâm), tới đây sẽ bổ sung địa điểm ở Tả Thanh Oai với diện tích khoảng 10 ha.
Thời gian tới, ông Đông đề nghị Sở Xây dựng cập nhật Quy hoạch rác thải toàn thành phố, sớm nhất trong tháng 12 rà soát xong để trình các cấp và quý I/2022 phê duyệt điều chỉnh. Chủ trương là nâng công suất nhà máy ở Núi Thoong (gộp nhà máy Đồng Ké) từ 250 tấn thành 2.000 tấn. Khu vực Đồng Ké sẽ chuyển thành khu vực chuyên xử lý rác thải công nghiệp.
Về nhà máy rác Seraphin, ông Đông cho biết chủ đầu tư cam kết sẽ khởi công vào quý I/2022 và sẽ hoàn thành sau 18 tháng với công suất 1.500 tấn/ngày. Phó chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra kỹ năng lực nhà đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải Châu Can (Phú Xuyên).
“Nếu không đảm bảo yêu cầu thì phải thu hồi và kêu gọi nhà đầu tư khác. Chính công ty Môi trường Thăng Long (chủ đầu tư dự án Châu Can) làm nhà máy Seraphin đã phải chuyển cho đơn vị khác, rõ ràng năng lực có vấn đề”, ông Đông nói.