Trong hơn một thập kỷ, người dân Pevek (Nga) đã mong chờ sự xuất hiện của nhà máy điện hạt nhân nổi trên mặt nước. Tháng 9/2019, con tàu sẽ bắt đầu hải trình dài 4 nghìn dặm đi qua Bắc Băng Dương, hướng đến thị trấn ven biển này.
Sau vài năm lưu lại xưởng đóng tàu St. Peterburg, con tàu Akademik Lomonosov được trang bị thêm 2 lò phản ứng hạt nhân, một hồ bơi, phòng tập thể dục và quầy bar. Nhà máy dự kiến cung cấp điện cho khoảng 100 nghìn hộ gia đình ở Pevek - thị trấn cảng Bắc Cực ở phía tây nước Nga.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov. Ảnh: Business Insider. |
Tuy nhiên, một số nhà hoạt động môi trường lo ngại nhà máy nổi có thể trở thành nạn nhân của các thiên tai, như sóng thần, dẫn đến thảm họa hạt nhân.
“Nó nguy hiểm hơn nhiều so với việc vận hành một nhà máy điện hạt nhân thông thường. Nước Nga có một quá khứ không mấy huy hoàng với những công trình như vậy”, Jan Haverkamp, chuyên gia năng lượng hạt nhân tại tổ chức Greenpeace, đánh giá.
Năm ngoái, Haverkamp gọi nhà máy là “Chernobyl trên băng”. Ông cho rằng Nga có thể đang phớt lờ những mối nguy hại về an toàn với công trình này.
Tầm nhìn của chính phủ Nga là cung cấp hàng loạt nhà máy điện nổi tương tự cho các quốc gia khác. Những công trình hạt nhân đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986, buộc sơ tán toàn bộ thành phố Pripyat và gây ô nhiễm khắp châu Âu.
Năng lượng hạt nhân thải ra ít carbon hơn và có chi phí vận hành thấp. Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo ngại rủi ro an toàn của chúng thậm chí vượt quá lợi ích.
Mối quan tâm lớn nhất mà Haverkamp chỉ ra là chuyến đi dài 4 nghìn dặm sắp tới của Akademik Lomonosov. Theo ông, nhà máy “có khả năng gặp nguy hiểm” trên đường bờ biển đầy đá giáp Bắc Băng Dương.
Rìa băng nằm ngay bên ngoài hải cảng của thị trấn Pevek. Ảnh: Business Insider. |
Nếu nhà máy điện hạt nhân va vào các tảng đá, nhiên liệu bên trong có thể tan chảy và gây ra vụ nổ lớn khi rơi xuống nước. Từ đó, chất phóng xạ sẽ được đưa vào khí quyển.
Công ty năng lượng hạt nhân của Nga, Rosatom, đã tuyên bố nhà máy nổi là “bất khả xâm phạm” với sóng thần. Bên trong nó là hệ thống dự phòng có thể làm mát lò phản ứng mà không cần điện suốt 24 giờ.
Tuy vậy, các nhà hoạt động vẫn lo ngại có thể mất nhiều hơn một ngày để đội phản ứng khẩn cấp giải quyết vấn đề. Haverkamp nói đồng nghiệp của ông đã gọi công trình này là “Titanic hạt nhân”.
Quá trình dự trữ nhiên liệu trên tàu cũng là một mối lo khác. Đơn vị sản xuất dự định giữ lõi hạt nhân đã qua sử dụng trong tối đa 12 năm. Điều đó càng làm tăng nguy cơ thiệt hại nếu thảm họa xảy ra.
Thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986 đã biến Pripyat thành vùng đất chết. Ảnh: Ukrainetrek. |
Rosatom hiện từ chối phản hồi tất cả bình luận này, đại diện công ty cho biết: “Greenpeace không đưa ra bất kỳ bằng chứng khoa học nào về những thiếu sót trong thiết kế nhà máy”.
Haverkamp cho biết ông không đánh giá nhà máy Akademik Lomonosov có thể gây ra thiệt hại lớn như Chernobyl, nhưng thấy sự tương đồng trong việc lảng tránh vấn đề của chính phủ Nga.
“Chernobyl đã thất bại vì họ quyết định làm điều chưa từng thử nghiệm trước đó”, ông nói thêm. “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra ở đây”.