Nhà máy bột giấy hơn 5.000 tỷ đồng nhập máy móc lạc hậu rồi bỏ hoang
Thứ hai, 7/5/2018 08:44 (GMT+7)
08:44 7/5/2018
Sau 9 năm cấp phép, nhà máy bột và giấy Tân Mai (Quảng Ngãi) có tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng vẫn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ dại vây kín thiết bị nằm ngổn ngang trên đồi.
Tháng 8/2008, Công ty CP Tân Mai Miền Trung được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy bột và giấy Tân Mai tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho dự án vào tháng 3/2009. Nhà máy có công suất 130.000 tấn bột giấy và 200.000 tấn giấy in cao cấp mỗi năm với tổng vốn ban đầu gần 1.950 tỷ đồng.
Qúa trình thực hiện, nhà đầu tư đã phát sinh 5 lần điều chỉnh dự án. Nhãn mác, ký hiệu bên ngoài của 21 nhóm loại máy móc thiết bị tại mặt bằng nhà máy qua thanh tra cho thấy được sản xuất, chế tạo từ năm 2003 về trước. Tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 3 vào tháng 11/2011, với nội dung điều chỉnh vốn từ 2.219 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng (vốn góp và các nguồn khác 20%, vốn vay 80%).
Bãi thiết bị gỉ sắt nằm ngổn ngang lẫn trong cỏ dại quanh nhà máy bột và giấy Tân Mai. Tháng 1/2010, doanh nghiệp được Quảng Ngãi cho thuê hơn 45 ha đất nhưng đến tháng 5/2017 vẫn chưa lập thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhiều bồn, bể tập kết về nhưng chưa thể lắp ráp phơi nắng, phơi mưa gây hỏng nặng. Do nhà đầu tư không chuyển tiền chi trả bồi thường cho hai hộ dân và 57 ngôi mộ gây chậm trễ trong giải phóng vướng mắc mặt bằng.
Thiết bị tiền tỷ nằm la liệt trên công trường nhà máy. Đến nay nhà đầu tư mới san lấp mặt bằng, xây dựng một số công trình như: Nhà kho chứa sản phẩm, khu văn phòng dở dang... Đến tháng 12/2013 là thời điểm phải kết thúc toàn bộ việc đầu tư xây dựng dự án, nhưng đến tháng 5/2018 vẫn chưa lập hồ sơ xin gia hạn thời gian sử dụng đất theo Nghị định 43 của Chính phủ.
Thiết bị xuống cấp hoen gỉ, mục nát trên công trường. Tháng 12/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi kết luận thanh tra xác định doanh nghiệp này vi phạm tiến độ sử dụng đất và kiến nghị khẩn trương xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch chi tiết để đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên đến tháng 5/2017, nhà đầu tư vẫn không thực hiện các nội dung theo kết luận thanh tra.
Khu văn phòng làm việc xây dựng dở dang đang trong tình trạng bỏ hoang. Đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có tài liệu thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công, chưa có hồ sơ thiết kế đối với các hạng mục về môi trường, đặc biệt chưa xác định vị trí xây dựng hệ thống cấp nước và xả thải của nhà máy.
Theo kết luận thanh tra của tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ thiết bị, công nghệ đầu tư doanh nghiệp đã mua nhà máy thanh lý tại Canada năm 2007 chưa hoàn thiện. Các động cơ điện công suất lớn, chuyên dụng và hệ thống mạch điều khiển động lực lệch chuẩn về cấp điện áp của lưới điện công nghiệp Việt Nam nên không sử dụng được.
Hiện nhà đầu tư mới chỉ tập kết về mặt bằng dự án 497/621 container và 184/212 thiết bị siêu trường, siêu trọng. Số thiết bị còn lại có 5 container đang ở tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), 119 container và 28 thiết bị siêu trường, siêu trọng ở cảng Đồng Nai.
Theo kết luận thanh tra, đến tháng 5/2017, tổng số vốn còn thiếu chưa xác định được nguồn nào để đầu tư là hơn 1.900 tỷ đồng (chưa tính nguồn vốn mà ngân hàng ngừng không tiếp tục cho vay hơn 1.000 tỷ đồng). Điều này chứng tỏ từ năm 2013, nhà đầu tư không còn khả năng về tài chính để tiếp tục triển khai dự án theo giấy chứng nhận đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ra văn bản chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
Nguyên nhân là doanh nghiệp không có khả năng về tài chính để tiếp tục triển khai và dự án không thuộc trường hợp giãn tiến độ; chưa có kỹ thuật về các thiết bị không đồng bộ, chưa xác định vị trí hệ thống và điểm xả thải của nhà máy, diện tích trồng cây vùng nguyên liệu đã bị thu hồi năm 2016, tính khả thi của dự án không còn.
Sản xuất thua lỗ kéo dài, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất buộc phải đóng cửa, cầu cứu cơ quan chức năng tạm hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, khoanh nợ vay ngân hàng.