Theo Bloomberg, khi truy cập vào trang web của Byton Ltd., người đọc sẽ được chào đón bằng hình ảnh của những chiếc xe điện sáng bóng lướt dọc theo những con phố được chỉnh sửa một cách cẩn thận.
Nhưng những người đến thăm nhà máy sản xuất ôtô ở Nam Kinh (miền đông Trung Quốc) có thể ít ấn tượng hơn. Nhà máy hiện đại và to lớn, lấp lánh dưới cái nắng gay gắt của mùa hè. Nhưng bầu không khí hoàn toàn im lặng. Kể từ đại dịch hoành hành, việc sản xuất đã bị đình chỉ và không có ai ngoại trừ một nhân viên bảo vệ.
Tình huống tương tự cũng xảy ra tại nhà máy của Bordrin Motors cũng ở Nam Kinh. Cỏ dại mọc rải rác khắp nhà máy, ngoài cổng chính dán thông báo của tòa án thông báo về việc hãng sản xuất ôtô điện phá sản.
Nhà máy Byton ở Nam Kinh cửa đóng then cài. Ảnh: Bloomberg. |
Đầu tư không kiểm soát
Bordrin và Byton đại diện cho mặt trái của thành công xe điện EV của Trung Quốc. Trong khi tập đoàn như Nio Inc. và Xpeng Inc. tiếp tục huy động được hàng tỷ USD và hiện bán ôtô với số lượng ngang ngửa với Tesla, số khác lao dốc, không thể huy động được số vốn cần thiết để sản xuất ở quy mô lớn.
Ban đầu, những công ty này tận dụng chính sách thưởng tiền mặt hoặc các biện pháp khuyến khích khác của chính quyền địa phương nhằm hiện thực hóa giấc mơ đưa Trung Quốc thành cường quốc xe điện. Chính quyền địa phương giúp các nhà sản xuất thành lập các nhà máy, hứa hẹn hỗ trợ tài chính và lao động.
Tuy nhiên, tình thế bắt đầu thay đổi vào tháng 11 năm ngoái, khi các cơ quan quản lý trung ương Trung Quốc yêu cầu chính quyền các địa phương xem xét và báo cáo lại quy mô hỗ trợ dành cho ngành công nghiệp ôtô.
Đối mặt với tình trạng đầu tư không kiểm soát vào lĩnh vực ôtô điện - đi kèm với đó là những vụ phá sản bất ngờ của các nhà nhà sản xuất - Bắc Kinh đang áp dụng các biện pháp hạ nhiệt sự phát triển ngoài tầm kiểm soát của ngành xe điện.
Cổ phiếu của các hãng xe điện Trung Quốc tăng mạnh trong cơn sốt. Ảnh: Bloomberg. |
"Chúng tôi có quá nhiều công ty xe điện", Xiao Yaqing, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc, tuyên bố ngày 13/9. Ông cho biết hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ được khuyến khích vì thị trường cần sự tập trung hơn.
Theo Bloomberg, trong tháng này, chính phủ Trung Quốc cũng xem xét việc thiết lập các giới hạn sản xuất cho lĩnh vực xe điện. Các địa phương không thể bật đèn xanh cho các dự án mới cho đến khi công suất dư thừa được đưa vào hoạt động.
Các tài nguyên cũng sẽ được chuyển vào một vài trung tâm EV được chọn lựa. Những động thái này là một dấu hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư đã đổ tiền vào các nhà sản xuất ôtô điện và công nghệ hỗ trợ trong năm qua.
Chúng tôi có quá nhiều công ty xe điện
Xiao Yaqing, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc
Có khoảng 846 nhà sản xuất ôtô đăng ký ở Trung Quốc và hơn 300 trong số đó sản xuất ôtô năng lượng mới, được định nghĩa một cách lỏng lẻo là xe điện hoặc xe hybrid.
Phần lớn là những cái tên xa lạ. Chỉ tính riêng trong năm 2020, quốc gia này đã bổ sung năng lực sản xuất mới khoảng 5 triệu chiếc, gấp khoảng 4 lần số lượng xe điện thực tế bán ra ở Trung Quốc trong năm đó. Theo các nhà quản lý, gần một nửa công suất đó đã không được sử dụng.
Bordrin - do cựu Giám đốc Ford Huang Ximing thành lập năm 2016 - đặt mục tiêu sản lượng hàng năm 700.000 xe tại ba nhà máy. Nhưng công ty đã cạn vốn và phải đóng cửa trước khi sản xuất dù chỉ một chiếc ôtô. Ông Huang cũng đã mất tích và không thể liên lạc được.
Trung Quốc không có hồ sơ công khai về các vụ phá sản, nhưng kể từ năm ngoái, ít nhất 10 nhà sản xuất xe điện được cho là đã hoạt động kém hiệu quả hoặc phải tái cơ cấu để tránh vỡ nợ.
Cung vượt xa cầu
Gary Dvorchak - CEO hãng cố vấn đầu tư Blueshirt Group LLC tại Bắc Kinh - cho biết: “Trung Quốc đang gặp phải tình trạng cung vượt cầu. Quá trình thất bại thường chậm hơn nhiều ở Trung Quốc vì các công ty nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Nhưng cuối cùng, nhiều công ty vẫn phải đóng cửa và gây ra hậu quả khôn lường”.
Byton ít nhất vẫn tồn tại. Tháng 7 năm ngoái, nhà sản xuất ôtô này đình chỉ tất cả hoạt động trong nước và dừng tuyển mới nhân viên vì tác động của đại dịch Covid-19. Ngay cả trước đó, công ty đã gặp khó khăn trong cuộc họp công bố thời hạn sản xuất và giao mẫu xe đầu tiên.
Tháng 1 năm nay, Byton ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhà sản xuất iPhone Foxconn Technology Group. Mục tiêu là sản xuất hàng loạt chiếc Byton M-Byte SUV vào quý đầu tiên của năm 2022.
Tuy nhiên, đến tháng 7, Bloomberg cho biết Foxconn đã rút nhân viên khỏi nhà máy Nam Kinh sau khi một trong những chủ nợ lớn nhất của nhà sản xuất ôtô bắt đầu nắm quyền quản lý. Tuần trước, Nikkei đưa tin sự hợp tác đã bị đình chỉ do tình hình tài chính ngày càng tồi tệ của Byton.
Nhà máy Bordin dừng hoạt động cùng thông báo phá sản. Ảnh: Bloomberg. |
Tỉnh Giang Tô đang cố gắng trở thành một trung tâm xe điện, thu hút 32 tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô trong 6 năm tính đến năm 2020. Hiện nay, đây là quê hương của hơn 30 nhà sản xuất ôtô.
Tuy nhiên, chính địa phương này đã trở thành tâm điểm của một cuộc điều tra do Bắc Kinh tiến hành đầu năm nay. Theo điều tra này, một số chính quyền địa phương đã lách luật giảm thuế và ưu đãi đất đai để thu hút các nhà sản xuất ôtô nằm ngoài phạm vi hướng dẫn của chính phủ.
Điều này dẫn đến "các vấn đề nổi cộm về tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất thấp và khả năng cung vượt cầu", các quan chức tỉnh Giang Tô cho biết hồi tháng 2 mà không giải thích chi tiết thêm.
“Chính quyền địa phương đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của các công ty sản xuất xe năng lượng mới, với hy vọng khai thác các cơ hội của ngành và thúc đẩy mở rộng kinh tế địa phương”, ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, nhận định.
“Các nhà đầu tư cũng nhìn thấy tiềm năng sinh lời rất lớn. Điều này đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất”.