Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà mạng đút túi thêm ngàn tỷ từ tăng cước 3G

Các chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp viễn thông có dấu hiệu thỏa thuận tăng giá cước 3G, vi phạm Luật Cạnh tranh. Và nhờ tăng cước, nhà mạng đã đút túi thêm hàng ngàn tỷ đồng.

Theo tính toán sơ bộ, nhờ tăng giá, doanh thu 3G của các nhà mạng tăng thêm cả ngàn tỉ đồng. Các chuyên gia cho rằng, nhà mạng cần công khai chi phí giá thành dịch vụ 3G.

Luật cho tăng không quá 5%, nhà mạng tăng 40%

Ông Hà Hải - trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM) - cho rằng với việc chiếm lĩnh 97,3% thị phần, việc tăng giá cước 3G lên 40% của ba nhà mạng có dấu hiệu của sự thỏa thuận tăng giá cước, vi phạm quy định tại điều 11 của Luật cạnh tranh về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Các doanh nghiệp này đã cùng hành động tăng cước với mức tăng bằng nhau, cước sau khi tăng bằng nhau, dung lượng gói cước như nhau.

Điểm thu cước MobiFone và Vinaphone trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM.

Theo ông Hải, Luật cạnh tranh cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. “Nếu đúng như đại diện của nhà mạng cho biết giá dịch vụ 3G trước ngày 16/10 chỉ bằng 50% giá thành thì trong thời gian dài vừa qua nhà mạng đã phạm luật” - vị luật sư nói. Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm này chưa có nhà mạng nào công khai các chi phí đầu vào gồm những khoản nào, mức bao nhiêu...

Chuyên gia về Luật cạnh tranh, TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM) cho rằng, dù không thỏa thuận ngầm thì các nhà mạng này cũng đã có dấu hiệu phạm luật hai lần trong năm nay. Cụ thể, tháng 4/2013, Vinaphone và MobiFone tăng 30% với gói cước được dùng phổ biến nhất. MobiFone nắm vị trí thống lĩnh thị trường. MobiFone và Vinaphone gộp lại là nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Theo nghị định 116 hướng dẫn một số điều của Luật cạnh tranh, những doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép tăng giá quá 5%/lần hoặc nhiều lần với tổng mức tăng quá 5% trong 60 ngày liên tiếp khi không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ. “Họ không chứng minh được chi phí tăng thì họ phạm luật” - ông Sơn nói.

Việc các nhà mạng có thị phần thống lĩnh thị trường đồng loạt tăng giá cước 3G lên 40% là có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.

Luật sư Hà Hải cũng cho rằng trong cùng một thời điểm mà các doanh nghiệp này đồng loạt tăng giá cước 3G lên đến 40% trong khi nhu cầu 3G không tăng đột biến, không vượt mức cung, việc tăng giá này vượt quá xa so với mức 5% theo quy định, trong điều kiện giá thành sản xuất không có biến động đồng thời cũng vi phạm quy định đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng về giá hàng hóa của Bộ luật thương mại.

Nhà mạng bỏ túi hàng ngàn tỷ đồng

Bất chấp sự bức xúc của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ 3G từ lần tăng 30% cước 3G trước, lần này không những nhà mạng không cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn tăng nhiều hơn. Hàng triệu thuê bao sử dụng 3G phải trả thêm tiền dịch vụ kể từ ngày 16/10. Nhờ đó, các nhà mạng có thêm một khoản doanh thu lớn. Năm 2013, doanh thu dịch vụ 3G của các nhà mạng ước khoảng 7.200 tỷ đồng. Nếu tính mức tăng trung bình 20% doanh thu dự kiến theo sự cho phép của Bộ Thông tin - truyền thông, khoản cước tăng có thể giúp các nhà mạng có thêm 1.440 tỷ đồng bỏ túi mỗi năm.

Việc so sánh giá cước 3G ở VN và các nước khác của cơ quan quản lý cước và nhà mạng để giải thích cho hành động tăng cước cũng bị các chuyên gia phản biện. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là sự so sánh khập khiễng. “Việc so sánh chỉ có giá trị khi được thực hiện trên cùng một hệ quy chiếu. Khi đã có sự khác biệt thì kết quả so sánh vô giá trị, không thể có con số chung làm thước đo được. Chính sách phát triển Internet, viễn thông và hiện trạng phát triển ở mỗi quốc gia khác nhau. Các thuế, phí, chi phí khai thác tài nguyên viễn thông khác nhau. Thu nhập trên đầu người cũng khác nhau... Vì thế, không thể nói VN rẻ hơn hay mắc hơn được” - vị chuyên gia này nói.

TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng trước đây khi ngành viễn thông còn độc quyền, giá cước điện thoại ở VN cao hơn nhiều so với hiện nay. Sau khi thế độc quyền bị phá vỡ, dù vẫn có tính chất đặc thù là chỉ một vài doanh nghiệp tham gia, từ một đơn vị độc quyền chuyển sang vài doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nhưng nó góp phần làm tăng sự cạnh tranh rõ rệt. Tuy nhiên, chỉ riêng với gói cước 3G, cơ quan quản lý đã để doanh nghiệp đi ngược lại quy luật cạnh tranh vì nó không giúp người tiêu dùng được lợi.

Cục Viễn thông đã phê duyệt cho tăng cước 3G

Ngày 15.10, trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Trung - phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - truyền thông) - cho biết cục đang xem xét, chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc các nhà mạng tăng cước 3G và sẽ có thông báo chính thức về việc các nhà mạng triển khai như thế nào đến các cơ quan thông tin truyền thông.

Theo tìm hiểu, trước đó Cục Viễn thông đã phê duyệt các gói cước 3G của ba mạng di động có thị phần khống chế gồm Vinaphone, MobiFone và Viettel. Theo đó, giá và phương thức tính cước 3G của các mạng di động đều đã được Cục Viễn thông phê duyệt. Lý do tăng giá cước 3G do mức cước này ở Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, các nhà mạng chiếm thị phần khống chế hiện đang bán dưới giá thành các gói cước 3G nên Bộ Thông tin - truyền thông có chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải tính toán riêng và rõ từng dịch vụ để không được bán dưới giá thành và không được bù chéo giữa các dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.

Cục Viễn thông cũng đã có văn bản yêu cầu các mạng di động cùng với việc tăng cước 3G sẽ phải công bố chất lượng dịch vụ 3G và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã cam kết cho khách hàng.

 

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm