Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Nhà không nóc mà người còn mạng là mừng rồi'

"Tôi nghe nói có người bị ngã chết, người bị mái tôn văng trúng rồi đi luôn. Vẫn còn may, nhà không nóc mà người còn mạng là mừng rồi”, chị Diệu thở hổn hển sau một ngày thu dọn.

Trưa 27/10, cả xóm làng bị đánh thức bởi tiếng la khóc của chị Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, ngụ thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi).

"Tôi nghe tiếng hét rồi thấy anh ấy ngã bịch xuống, nằm ngay cạnh chân tôi. Anh ấy bị ngã lọt qua một cái lỗ từ trên mái", chị Yến thẫn thờ kể lại.

Ông Nguyễn Văn Hiệp ra đi ngay trước cơn bão số 9. Ông là một trong hai người dân tại Quảng Ngãi không may tử nạn vào ngày 27/10.

Trở về nhà sau buổi học sáng, Tình thấy một chiếc taxi từ nhà rời đi. Trong nhà cậu, cạnh chuồng bò, hàng xóm đứng túm tụm. Cậu vẫn chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra, chỉ thấy trên nền đất có một vũng máu còn đỏ tươi, ngay bên dưới một lỗ hổng trên mái tôn của chuồng bò.

“Bố cháu đang chằng cái mái tôn thì bị ngã, được đưa đi viện rồi. Cháu đừng lo quá”, một người hàng xóm nói với Tình. Khi đó, Nguyễn Viết Tình không thể ngờ rằng cú ngã đó đã mang bố cậu - anh Nguyễn Văn Hiệp - đi mãi mãi.

Mới buổi sáng, trước khi Tình đi học, cậu vẫn thấy bố đang cặm cụi chằng dây cho mấy chuồng bò cho chắc chắn, chuẩn bị cho cơn bão sắp đổ bộ. Bố còn dúi vào tay cậu mấy chục nghìn để tiêu vặt, dặn dò con cố gắng học để thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, làm điểm tựa cho gia đình.

"Mọi người nói dối em là bố không sao để em yên tâm ăn uống, học hành... ", Tình không kể hết được câu chuyện, chỉ nói đến đây, mắt lại rưng rưng.

Sau cú ngã, anh Hiệp lập tức được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để cấp cứu. Cả đoạn đường gần 15 km, nước mắt chị Yến cứ ứa ra. Chị nắm tay anh, thầm cầu nguyện chồng sớm trở về, cùng vợ hoàn thành bao dự định còn dang dở.

Nhận cái lắc đầu của bác sĩ, chị Yến cảm thấy như cơn bão đã đến ngay lúc ấy, trong lòng chị. Chị không bỏ cuộc. Người phụ nữ 45 tuổi tiếp tục đưa chồng về Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng với hy vọng níu giữ lại mạng sống cho anh.

May mắn đã không gõ cửa nhà anh chị. Anh Hiệp tử vong ngay khi vừa tới bệnh viện, không kịp nói bất cứ lời nào với vợ con. "Bão chưa kịp tới, anh đã ra đi", người vợ 45 tuổi bần thần nói, nước mắt lăn dài.

thiet hai sau con bao so 9 anh 1

19h, chị đưa anh về nhà trên chiếc băng ca lạnh ngắt. Cả bầu trời như đổ sụp xuống, mưa tầm tã. “Đưa anh ấy về trong ngày mưa bão thì lo sợ lắm. Sợ anh ấy sẽ bị ướt, sợ anh ra đi không thanh thản”, dứt câu, chị Yến bặm chặt môi, nén lại những tiếng khóc.

Đám tang của anh Hiệp diễn ra đúng vào ngày cơn bão số 9 đổ bộ. Ngôi nhà vừa mới xây được 4 tháng đã bị gió bão thổi bật tung một phần mái. Mưa bị gió thốc qua khe cửa khiến khắp nhà đều là nước.

Cả chị Yến và Tình đều chẳng quan tâm đến ngôi nhà. Họ chỉ để tâm che chắn cho cỗ áo quan của chồng, của cha thật cẩn thận, không để anh bị ướt.

“Bão đã cướp đi tính mạng anh rồi, không thể để nó làm tổn thương thi hài anh thêm nữa”, chị Yến nói, nước mắt không ngừng tuôn rơi.

“Mẹ, nhà mình không còn nữa. Nhà mình không còn ở nữa mẹ”, cậu bé Trần Thịnh Phát (10 tuổi) mếu máo nói đi nói lại với chị Diệu khi tấm mái tôn thứ 2 vừa bị giật tung khỏi ngôi nhà.

Quá sợ hãi, chị Nguyễn Thị Thu Diệu (50 tuổi, mẹ của Phát, ngụ thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa) vừa la khóc, vừa ôm 2 con chạy ra khỏi căn nhà 9 năm gắn bó. Lúc đó là 8h sáng ngày 28/10. Từ 4h sáng, chị đã thấy mưa to, gió giật nhưng vẫn cố bám trụ trong nhà.

3 giờ sau khi mẹ con chị rời đi, gần như toàn bộ mái tôn của căn nhà cùng xà gồ, la phông bị gió bão hất tung, bay vèo vèo xuống con đường phía trước. Trú ở căn nhà đối diện, nhìn qua cửa sổ, chị thấy cả gia tài bay tứ tán, chỉ biết tự nhủ coi như “của đi thay người”.

Cơn bão số 9 khiến căn nhà của chị Diệu bị gió bão thổi bay mái tôn, trở thành nhà “mui trần” - như lời nói đùa của chị. Bàn ghế, giường tủ, quần áo… tứ tung khắp nơi, phơi mình dưới cái nắng gay gắt của miền Trung ngày hậu bão.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, hơn 84.000 căn nhà đã bị sập và hư hỏng sau bão số 9. Trong đó, huyện Tư Nghĩa - nơi chị Diệu sinh sống - có số lượng nhà bị hư hỏng nhiều nhất với hơn 23.800 căn.

thiet hai sau con bao so 9 anh 2

12h ngày 28/10, bão qua. Cơn bão quần thảo Quảng Ngãi chỉ hơn 2 tiếng đã cuốn phăng gia tài cả 2 vợ chồng chị tích góp cả chục năm. Quán bún của chị Diệu mới vừa làm ăn khấm khá một chút sau đợt dịch Covid-19, chồng chị cũng mới xin được công việc bảo vệ ổn định ở một xí nghiệp gần đó. Cuộc sống yên ổn chưa được bao lâu...

“Tôi nghe nói có người bị ngã chết, người bị mái tôn văng trúng rồi đi luôn. Vẫn còn may, nhà không nóc mà người còn mạng là mừng rồi”, chị Diệu thở hổn hển sau một ngày thu dọn mệt phờ.

Cậu bé Trần Thịnh Phát đứng giữa đống sách vở khô quăn queo phơi giữa sân nhà, những trang sách bị bùn đất bám đầy, không nhìn nổi chữ.

Nhìn cậu con trai đứng bần thần trước chồng sách vở, chị Diệu xót xa. Chị tính sửa sang căn nhà trước rồi mới tìm cách vào phố mua cho con một ít sách vở mới.

“Phải lo cho các con có mái nhà che thân đã, rồi mới tính đến chuyện học được”, chị bảo.

Những ngày sau bão, chị Diệu xếp tạm một tấm phản ở góc nhà còn sót lại phần mái tôn làm chỗ ngủ. Chị gửi tạm đứa con 5 tuổi ở nhà ngoại, còn cậu bé 10 tuổi được theo mẹ về nhà để thu dọn sách vở, đồ đạc.

"Con cũng không biết bao giờ được đến trường lại", Phát tiu nghỉu, nói lí nhí khi được hỏi ngày đi học.

Cơn bão số 9 khiến hơn 151 điểm trường học tại tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng, nhiều nơi tốc mái, cây cối bật gốc. Kế hoạch cho học sinh đi học lại từ ngày 30/10 của tỉnh Quảng Ngãi phải lùi xuống 2/11 để các trường học có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, hậu lũ.

Thầy Dũng đứng giữa 4 bức tường trơ trọi giữa trời, nhìn lên tấm bảng vẫn còn nguyên vết phấn từ buổi học cuối cùng trước bão, rồi lại nhìn xuống ngổn ngang sắt thép, gạch đá, dây điện… dưới chân. Ông chỉ biết thở dài.

Toàn bộ dãy lớp học ở hai khu nhà của trường THPT Đức Phổ 1 (phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị bão thổi bay mái tôn, phòng học nằm chơ vơ trong cái nắng gay gắt. Những ngày sau bão, hậu lũ, hàng loạt trường học tại tỉnh Quảng Ngãi bị tốc mái, cây cối bật gốc. Những mái trường lâm vào cảnh tan hoang chưa từng thấy.

“Xót xa lắm”, thầy Dương Công Dũng, Phó hiệu trưởng trường THPT Đức Phổ 1, rưng rưng khi nói về cảm xúc đầu tiên lúc trở lại trường sau đợt bão.

Một ngày trước đó, ngôi trường 63 năm tuổi vẫn còn khang trang, rợp bóng cây che mát. Vậy mà chỉ sau một buổi sáng, 2 trong 7 khu nhà đã bị tốc mái. Tấm tôn kéo theo toàn bộ hệ thống dây điện, la phông, xà gồ… Lớp học trở thành đống đổ nát nằm trơ trọi giữa trời.

May mắn là hệ thống máy tính và sách vở đã được các thầy cô chuyển đến nơi an toàn trước khi bão tới. Dù vậy, ước tính thiệt hại ban đầu của trường cũng phải lên tới xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Gắn bó với trường đã 20 năm nay, thầy Trần Duy Hải (giáo viên thể dục) chưa bao giờ chứng kiến một trận bão khủng khiếp tới vậy. Ngày bão đổ bộ, thầy Hải được phân công trực ở trường cả ngày. Anh chứng kiến toàn bộ quá trình cơn bão tàn phá ngôi trường.

“Khoảng 7-8h, gió khá mạnh như chưa quá dữ dội. Đến tầm 10-11h, có lẽ là lúc bão vào, những trận gió xoáy bóc hẳn phần mái tôn của khu nhà E lên, nhẹ bâng. Tôi đứng từ dãy nhà đối diện nhìn sang, sợ chết khiếp”, anh Hải kể lại.

Trở lại trường sau trận bão, thầy Dũng chẳng kịp buồn, ngay lập tức xắn tay vào khắc phục hậu quả để học sinh có thể sớm đi học. 10 công nhân được huy động để khẩn trương dọn dẹp lớp, sân trường, sắp xếp lại bàn ghế và thu gom các vật dụng hỏng hóc.

Trường THPT Đức Phổ 1 hiện có 1.200 học sinh với 31 lớp. Trong ngày 29/10, công nhân đã dọn dẹp, thu xếp lại 31 phòng tại các khu vực an toàn của trường để các học sinh có thể học tập bình thường.

Dịch Covid-19 đã khiến cả học sinh và thầy cô có một năm học khó khăn, chỉ có đúng 35 tuần để học hết toàn bộ chương trình, không có thời gian nghỉ. Thầy Dũng bảo dịch bệnh, thiên tai có thể khiến việc học gian nan, nhưng với trách nhiệm là người thầy, ông sẽ làm mọi cách để các em có thể hoàn thành chương trình học đúng như kế hoạch.

“Thiên tai thì đi kèm với mất mát, nhưng không được để hắn thắng mình. Trường sẽ còn phải sửa nhiều, nhưng bằng mọi giá phải cho học sinh đi học lại sớm nhất có thể", thầy Dũng nói rồi nhìn về phía những lớp học đã được sắp xếp gọn gàng, nguyên trạng như khi chưa bị cơn bão đi qua, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại những ngày sau bão.

Tình cảnh trốn bão chưa xong đã phải chạy lũ của người Quảng Ngãi

Vừa trải qua cơn bão thổi bay cả nóc nhà, anh Trầm và gia đình chưa kịp hoàn hồn thì đã phải đối mặt với mức nước lũ dâng cao đến ngang ngực.

Thu Hằng

Ảnh: Phạm Ngôn
Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm