Áo choàng tàng hình đánh lừa mọi camera. Ảnh: AAAI. |
Mang tên InvisDefense Coat, công nghệ này có khả năng che giấu cơ thể con người dù ngày hay đêm, đặc biệt là qua mặt các camera an ninh đang được giám sát bởi trí tuệ nhân tạo. Tại sự kiện khoa học tháng 11/2023 ở Thượng Hải (Trung Quốc), Chu Junhao - Viện trưởng Viện khoa học tại Đại học Donghua - đã chứng minh hiệu quả của công nghệ “vô hình” ngay trên sân khấu.
Tại sự kiện, hai trợ lý mang một miếng vải trong suốt đến trước mặt nhà khoa học. Ngay khi họ xoay tấm vải 90 độ, chân Chu Junhao biến mất. Phần bộ phận đó trở nên "vô hình" trước mắt khán giả.
Nhóm nghiên cứu cho biết chiếc áo khoác InvisDefense có thể nhìn thấy bằng mắt người, nhưng được bao phủ bởi một vật liệu đánh lừa camera vào ban ngày và gửi tín hiệu nhiệt bất thường vào ban đêm.
Công nghệ "tàng hình"
Chu Junhao lý giải công nghệ này sử dụng thấu kính hình trụ lồi nên ánh sáng bị khúc xạ liên tục. Chúng được xếp thẳng hàng trên một mặt giấy như trong video. "Mỗi thấu kính dọc có thể co lại, còn vật thể sẽ nằm song song để ánh sáng có thể khúc xạ", nhà vật lý học chia sẻ.
Đoạn video minh họa vật liệu tàng hình gây sốt. Ảnh: History Photographed. |
Ông khẳng định công nghệ này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Các phương tiện như máy bay chiến đấu có thể lắp ráp vật liệu tàng hình trên thân hoặc toàn bộ cấu trúc đều được làm từ nó để biến mất khỏi các radar thăm dò.
"InvisDefense cũng có thể được sử dụng trong chiến đấu với máy bay không người lái hoặc giữa người và máy", chuyên gia chia sẻ.
Ông còn nói đùa rằng nếu công nghệ này phổ biến, sau này mọi người đều có chiếc áo choàng tàng hình của Harry Potter trong tủ của mình để sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Theo SCMP, InvisDefense Coat là thành quả nghiên cứu của nhóm sinh viên do Giáo sư Wang Zheng tại Đại học Vũ Hán dẫn dắt. Phát minh này đã được AAAI 2023 - hội nghị học thuật hàng đầu về trí tuệ nhân tạo - xét duyệt.
Hai cơ chế đánh lừa camera
“Ngày nay, nhiều thiết bị giám sát có thể phát hiện cơ thể con người. Camera trên đường có chức năng phát hiện người đi bộ. Ôtô thông minh cũng biết xác định người đi đường, đường sá và chướng ngại vật. Do đó, InvisDefense ra đời và khiến camera có thể ghi lại hình ảnh của bạn nhưng không thể xác định bạn có là con người”, Giáo sư Wang nói.
Vào ban ngày, camera phát hiện cơ thể người thông qua nhận dạng chuyển động và phân tích hình dạng. Do đó, InvisDefense sẽ sử dụng vật liệu ngụy trang được thiết kế đặc biệt trên bề mặt. Nó can thiệp vào thuật toán nhận dạng thị giác của máy, đánh lừa camera một cách tài tình để nó không thể nhận dạng bên trong là con người.
Công nghệ này được đặt tên là InvisDefense Coat, có thể đánh lừa các camera giám sát bằng AI. Ảnh: AAAI. |
Đến ban đêm, camera nhận dạng con người bằng máy ảnh nhiệt hồng ngoại. Khi đó, các module kiểm soát nhiệt độ bên trong InvisDefense sẽ tạo ra mức nhiệt bất thường, khiến camera hồng ngoại không thể xác định cơ thể người.
“Khó nhất là làm thế nào để cân bằng của vật liệu ngụy trang. Trước đây, các nhà nghiên cứu sử dụng hình ảnh sáng chói để tác động tầm nhìn của máy móc. Nhưng nó rất nổi bật khi nhìn bằng mắt người nên người dùng càng dễ thấy hơn. Do đó, chúng tôi sử dụng các thuật toán để thiết kế cấu trúc khó thấy nhất, làm vô hiệu hóa tầm nhìn của máy móc”, Wei Hui - nghiên cứu sinh tiến sĩ trong nhóm nghiên cứu - cho biết.
Một ưu điểm khác của InvisDefense là chi phí thấp. Công đoạn in vật liệu tàng hình khá rẻ. Bên cạnh đó, InvisDefense cũng chỉ cần 4 module kiểm soát nhiệt độ để đánh lừa camera hồng ngoại. "Chi phí cho một bộ InvisDefense hoàn chỉnh chưa đến 500 nhân dân tệ (70 USD)", Giáo sư Wang nói.
Nhà khoa học thử nghiệm vật liệu tàng hình. Ảnh: Wei Hui. |
Ông khẳng định đây là sản phẩm “tàng hình” đầu tiên khiến camera không thể phát hiện người đi đường và mắt thường cũng không hề nghi ngờ. Qua thử nghiệm, độ chính xác của camera nhận diện người đi bộ giảm đến 57%. Con số này thậm chí sẽ còn cao hơn trong tương lai.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận dạng hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng thuật toán của chúng tôi để cải thiện các mô hình hiện tại”, vị giáo sư chia sẻ với SCMP.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.