Dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm được thông qua ngày 8/10 đã tạo nên nhiều tranh cãi trái chiều. Tuy nhiên, đến lúc này công trình nhà hát vẫn chưa có thêm thông tin cụ thể nào ngoài số tiền dự kiến đầu tư 1.500 tỷ và có 1.700 chỗ ngồi.
Về quy mô, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định với Zing.vn, 1.700 chỗ ở một khu đất hẹp là không đúng tầm với TP.HCM. KTS cho rằng với tầm cỡ đô thị như TP.HCM thì nếu làm, phải dành khu vực văn hóa diện tích từ 2-3 ha trở lên, tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.
Các nhà hát thế giới có quy mô thế nào?
Trao đổi với Zing.vn, KTS Đỗ Phú Hưng (nguyên Trưởng khoa Quy hoạch trường Đại học Kiến trúc TP.HCM) chia sẻ: "Việc xây một nhà hát lớn và mới luôn là nhu cầu của một xã hội phát triển, thể hiện việc đáp ứng nhu cầu văn hóa và tinh thần của người dân trong một thành phố dù là lớn hay nhỏ. Tuy nhiên việc quyết định quy mô số chỗ ngồi, quy mô đầu tư, phương thức đầu tư và chọn địa điểm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính trị, xã hội, và khả năng tài chính".
Về quy mô nhà hát, theo ông Hưng việc này đến từ các yếu tố: Nhu cầu văn hóa, trình độ cảm thụ, khả năng thiết kế kỹ thuật âm thanh và khả năng tài chính của một thành phố. Do vậy nguyên Trưởng khoa quy hoạch cho rằng cần thu thập ý kiến người dân, người làm nghệ thuật, và giới chuyên môn.
Nhà hát Opera Sydney ở Australia. |
KTS chỉ ra 3 nhà hát lớn theo thứ tự thời gian tiêu biểu cho 3 thế kỷ 19, 20, và 21 để cho thấy quy mô của các nhà hát lớn tại các thành phố lớn.
Đầu tiên là Nhà hát Carnegie ở New York (Mỹ), được đưa vào sử dụng năm 1891 có 3 gian hòa nhạc lớn, riêng gian Isaac Stern có 2.804 chỗ ngồi, 2 gian còn lại là gian Zankel với 599 chỗ và gian Joan and Sanford I. Weill với 268 chỗ.
Thứ hai là Nhà hát Opera Sydney (Australia), được đưa vào sử dụng năm 1973 với gian hòa nhạc lớn có 2.679 chỗ, các gian còn lại có số chỗ lần lượt là 1.507 chỗ, 544 chỗ, 398 chỗ và 364 chỗ. Nhà hát này sử dụng cho các mục đích hòa nhạc, opera, kịch, chiếu phim và studio.
Thứ ba là Nhà hát Elbphilharmonie (Đức) được khánh thành năm 2016 tại thành phố cảng Hamburgh. Công trình này có 3 gian hòa nhạc: Gross Concert Saal với 2.150 chỗ, Kleiner Saal với 500 chỗ và Kaistudio với 170 chỗ.
"Theo tôi, với quy mô dự kiến 1.700 chỗ thì việc chọn vị trí xây dựng ở Thủ Thiêm, thuận tiện tiếp cận từ trung tâm thành phố, có quỹ đất đủ lớn là hợp lý. Tuy nhiên, như tôi đã nói, cần tham khảo nhiều yếu tố để có phương án phù hợp", KTS Hưng chia sẻ.
Cần tổ chức cuộc thi thiết kế
KTS Đoàn Thanh Hà cho biết việc chọn vị trí cụ thể cần có ý kiến chuyên môn về quy hoạch, thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan và theo quy hoạch xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm. Ông cho rằng hiện tại lượng thông tin về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch quá ít ỏi nên chưa thể đánh giá được.
KTS điểm qua 3 công trình biểu diễn nổi tiếng mang tính biểu tượng của các thành phố trong khu vực Châu Á được thực hiện trong thời gian gần đây để có thể thấy rõ hơn về hai vấn đề quy mô và vị trí.
Nhà hát Opera Quảng Châu (Trung Quốc) thực hiện từ 2002-2010, được xây dựng trên diện tích 7 ha gồm không gian lớn 1.800 chỗ và khu đa năng 400 chỗ. Chi phí xây dựng là 200 triệu USD. Ở Đài Loan có Nhà hát Opera Đài Trung được xây từ 2006-2014, trên diện tích 6 ha, bao gồm không gian lớn 2.000 chỗ, trung 800 chỗ và nhỏ 200 chỗ. Tổng chi phí xây dựng là 135 triệu USD.
Nhà hát Opera Busan (Hàn Quốc) với diện tích 4,8 ha, xây từ năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2021, không gian khán phòng chính 1.800 chỗ và đa năng 300 chỗ. Chi phí xây dựng là 214 triệu USD.
Khán phòng của Nhà hát Opera Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: GKA |
"Chúng ta cần có sự rõ ràng hơn từ phía thành phố về việc tại sao lại chọn quy mô đó và diện tích ở khu đất hiện tại có kích thước thế nào thì mới có cơ sở để phản biện. Còn ý kiến chung về chuyên môn thì dự án nên có diện tích đủ rộng để có thể trở thành biểu tượng văn hóa của TP.HCM và cần tổ chức cuộc thi thiết kế rộng rãi mang tầm cỡ quốc tế để chọn ra phương án xứng đáng", KTS Đoàn Thanh Hà nói.