Khi nhà hàng nổi Jumbo được kéo ra khỏi cảng tại Hong Kong tuần trước, chủ nhà hàng đã gửi "những lời chúc tốt đẹp nhất về một tương lai tươi sáng hơn".
Nhưng "tương lai đó" hiện đã nằm sâu dưới Biển Đông, theo New York Times.
Tin tức về việc Jumbo chìm trên Biển Đông đã lan khắp Hong Kong, với nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho biểu tượng một thời. Nhiều thế hệ người Hong Kong từng tổ chức đám cưới hay bàn chuyện làm ăn ở đây vì những món ăn Quảng Đông như thịt ba chỉ chiên giòn và cua biển nướng.
Công ty sở hữu Jumbo là Aberdeen Restaurant Enterprises ngày 20/6 cho biết nhà hàng 3 tầng, dài hơn 80 m đã bị lật úp và chìm hôm 19/6 khi đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do gặp thời tiết bất lợi. Không có ai bị thương.
Tuyên bố từ công ty cho biết con thuyền chìm sâu 1.000 m, khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Stephen Ng, người phát ngôn của Aberdeen Restaurant Enterprises, từ chối bình luận về suy đoán trên mạng rằng Jumbo có thể bị cố ý đánh chìm nhằm lấy tiền bảo hiểm. Hiện chưa có bằng chứng cho các suy đoán trên. Công ty cho biết họ đang nhận được thêm chi tiết về vụ tai nạn từ công ty phụ trách việc kéo con tàu.
Được mở vào năm 1976, nhà hàng nổi Jumbo đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của Hong Kong, kể từ khi vẫn còn là thuộc địa của Anh cho đến ngày nay.
Một biểu tượng biến mất
Tình hình hoạt động của Jumbo đi xuống trong những năm gần đây, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Việc đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội đã khiến nhiều doanh nghiệp gia đình phải ngừng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp lớn bị đe dọa trước sức ép kinh tế, bao gồm nhà hàng nổi Jumbo và Phà Ngôi sao (Star Ferry) - được xem là những biểu tượng của Hong Kong.
"Có vẻ như các biểu tượng dễ thấy nhất của Hong Kong đang biến mất từng cái một", Louisa Lim, tác giả cuốn sách “Indelible City: Dispossession and Defiance in Hong Kong" - chia sẻ.
Vụ hỏa hoạn tại nhà hàng Jumbo năm 1971 khiến 34 người thiệt mạng. Ảnh: South China Morning Post. |
Nhà hàng Jumbo được mở bởi ông trùm sòng bạc Macau Stanley Ho vào năm 1976. Trong nhiều năm, nhà hàng này là một phần của khu phức hợp mang tên Vương quốc Jumbo, bao gồm một nhà hàng nổi nhỏ hơn là Tai Pak.
Việc khai trương nhà hàng Jumbo chậm hơn dự kiến do một vụ hỏa hoạn vào năm 1971 khiến 34 người thiệt mạng, theo South China Morning Post.
Những người nổi tiếng đã đến nhà hàng Jumbo có thể kể đến tài tử Hollywood Tom Cruise, doanh nhân Richard Branson hay Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Nơi đây cũng từng được dùng làm phim trường cho phim James Bond năm 1974 và nhiều phim bom tấn ở địa phương.
Ngay cả khi những tòa nhà chọc trời hiện đại mọc lên xung quanh Jumbo, biển hiệu neon sặc sỡ và kiến trúc kiểu hoàng gia của nhà hàng vẫn là điểm nổi bật tại cảng Aberdeen.
Kết thúc được báo trước
Tình hình kinh doanh của nhà hàng những năm qua khá ảm đạm. Đến năm 2020, Jumbo đã thua lỗ hàng triệu USD, đồng thời lệnh hạn chế ăn uống và đi lại đã buộc nhà hàng phải đóng cửa.
Vào thời điểm đó, Aberdeen Restaurant Enterprises cho biết họ không đủ khả năng chi trả chi phí bảo trì, do đó họ đã đề nghị tặng miễn phí Jumbo cho một công viên giải trí địa phương.
Tình hình kinh doanh khó khăn và đại dịch Covid-19 đã khiến nhà hàng Jumbo không thể tiếp tục hoạt động. Ảnh: AP. |
Cuối năm 2020, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nói rằng chính phủ sẽ hợp tác với công viên giải trí và những tổ chức phi lợi nhuận để "hồi sinh nhà hàng nổi".
Nhưng kế hoạch đã không thể thực hiện, và bà Carrie Lam tháng trước cho biết chính phủ sẽ không dùng tiền thuế để đầu tư vào một nhà hàng đã lỗ lũy kế gần 13 triệu USD trong gần 10 năm qua.
Tuy là một biểu tượng huyền thoại, không phải ai cũng thích nhà hàng Jumbo. Ho Fung Hung, giáo sư nghiên cứu chính trị Hong Kong tại Đại học Johns Hopkins, cho biết đồ ăn ở đây tệ, trong khi giá quá cao. "Hãy đi đi và đừng quay lại", ông Ho viết trên Twitter tuần trước, sau khi Jumbo được kéo khỏi cảng Aberdeen.
Dù sao đi nữa, đây cũng là địa điểm mà người Hong Kong lưu giữ kỷ niệm, và là một trong những biểu tượng được yêu thích của người dân nơi đây.