Chị Ngọc Ngà (quận 7, TP.HCM) gọi rằm tháng Giêng là "Tết muộn" vì dịp này các con chị làm việc ở nước ngoài mới được về thăm nhà. Vì vậy, chị đã sớm chuẩn bị nhiều thực phẩm chay để nấu một mâm cỗ cho các con thưởng thức.
"Cả Tết toàn ăn bánh chưng, thịt thà nên tôi rất thích ăn chay cho cơ thể nhẹ nhàng, thư thái. Các con cũng thích ăn nhiều rau xanh để giảm cân", chị cho biết.
Theo chị Ngà, thị trường đồ chay sau Tết đa dạng, phong phú các mặt hàng với khá cả có phần dễ chịu hơn trước Tết. Tại các siêu thị, nhiều mặt hàng chay còn được giảm giá và trưng bày nổi bật ở lối đi giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Các món chay được nhiều người ưa chuộng trong ngày rằm. Ảnh: NVCC. |
Theo khảo sát của Zing, tại Co.op Mart, Winmart, Big C... có nhiều sản phẩm đồ chay do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan với giá khuyến mãi từ 10-30%.
Tại một số chợ ở quận 1, quận 4 và quận 5, các loại hoa tươi, trái cây và rau củ dồi dào, không bị tăng giá.
Do không thạo việc bếp núc nên Quỳnh Trang (24 tuổi, quận 4) chọn đặt một mâm cỗ chay để cúng Rằm. Mâm cỗ có giá 500.000 đồng mà Trang đặt có các món như canh rong biển, nấm kho tiêu, xôi ruốc nấm, giò nấm, súp ngô.
Không khó để tìm một nhà hàng hay những cơ sở nhận dịch vụ nấu cỗ chay trong dịp này. Với mức giá từ 500.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng, khách hàng sẽ có một mâm cỗ chay tươm tất mà không phải bày biện nấu nướng.
Anh Thanh Phương - chủ nhà hàng Miền Xanh (phường An Phú, TP. Thủ Đức) cùng gia đình rất bận rộn trong những ngày này để chuẩn bị gần 60 mâm cỗ mà khách hàng đã đặt. Anh đã ngưng nhận đơn hàng vào trưa ngày 14 âm lịch để kịp chuẩn bị.
"Năm nay, số lượng đơn hàng của tôi tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Vì giá cả nguyên vật liệu ổn định nên tôi vẫn giữ nguyên mức giá là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho một mâm cỗ. Khách hàng thường thích các món chả giò chay, các loại canh súp với rau củ ngũ sắc để nhìn mâm cỗ bắt mắt hơn" - anh Phương chia sẻ.
Một vấn đề khiến anh Phương lo lắng là việc vận chuyển thức ăn đến nhà khách hàng. Do số lượng đơn hàng lớn, nhiều khách hàng đặt giao vào khung giờ cố định để kịp giờ cúng nên anh Phương phải chuẩn bị trước nhân sự dành riêng cho việc giao hàng chứ không chỉ phụ thuộc vào các ứng dụng đặt ship.
Vì ngày rằm rơi vào cuối tuần nên các hàng quán chay càng trở nên đông khách. Nhà hàng chay An (quận 7, TP.HCM) liên tục nhận được điện thoại đặt chỗ từ khách hàng. Đặc biệt, 5 VIP dành riêng cho gia đình đều đã có người đặt chỗ trước. Nhà hàng cũng phải thuê thêm 7 nhân viên thời vụ để kịp phục vụ trong ngày cao điểm.
"Chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu đặt chỗ cho cả buổi trưa và buổi tối. Nhiều vị khách còn cẩn thận chọn luôn cả món ăn trước, thường là các set menu cho cả gia đình để người lớn tuổi đến nhà hàng không phải chờ lâu" - anh Tường An, chủ nhà hàng chia sẻ.
Theo anh An, hầu hết nhà hàng chay đông khách đều phải thuê thêm nhân viên thời vụ vào những ngày này. 2 quản lý của nhà hàng cũng phải làm liên tục làm việc từ 7h sáng đến 10h đêm chứ không được thay phiên nhau như ngày thường để quán xuyến lượng khách đông đúc.
Theo báo cáo về thị trường F&B năm 2022 của IPOS, sau đại dịch Covid, ngày càng nhiều thực khách quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Số lượng các nhà hàng/ café đi theo xu hướng “lành mạnh” ngày càng tăng, tiêu biểu như các thương hiệu ăn chay, salad, eat clean, organic,... ngày càng tăng mạnh, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Tuy vậy xu hướng này không phải mới, vốn đã tồn tại trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sau 2 năm đại dịch, phong trào này đang vươn lên mạnh mẽ. Với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, các lựa chọn truyền thống như lẩu, nướng, fastfood, cơm, phở... vẫn sẽ là lựa chọn phổ biến, nhưng tỷ lệ số lần chọn cửa hàng tốt cho sức khỏe đang dần một cao hơn.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế