Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà giàu 'khóc thét' vì chỗ đậu xe tại TP.HCM

Tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe ôtô ở chung cư hay trung tâm thương mại tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng.

Ở những nơi công cộng, xe hơi còn đậu ngay nơi có dựng biển cấm. Dường như không còn lựa chọn nào khác.

Để thu hút khách hàng, mỗi chủ đầu tư đều cố gắng khai thác thế mạnh của dự án. Theo đó, phải thiết kế bằng được tối thiểu một tiêu chí “nhất” cho dự án của mình như hồ bơi rộng nhất, vị trí thuận lợi nhất, tầm nhìn đẹp nhất, cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất… Nhưng không có chủ đầu tư nào quảng cáo có chỗ đậu xe hơi đầy đủ nhất cho toàn bộ cư dân.

Cho dau xe oto anh 1
Nhiều chung cư, cao ốc ở trung tâm TP HCM không đủ chỗ giữ xe khiến các xe ô tô phải loanh quanh đậu ngoài đường. Ảnh: HTD.

 


Dự án nhà cao tầng “đói” nơi đậu xe ôtô

Trong khi đó, nỗi khổ về không có chỗ đậu xe hơi lại đẩy anh Nguyễn Hữu Khánh (chung cư cao cấp Botanic, quận Phú Nhuận) vào thế kẹt khác. Số là anh Khánh hiện đang muốn bán căn nhà ở đây để chuyển đến nơi ở mới nhưng rao cả năm nay mà không bán được. Lý do duy nhất khiến khách hàng chê là vì căn hộ của anh không còn chỗ đậu xe hơi.

Dự án này chỉ có một tầng hầm với chỗ đậu xe hơi chiếm khoảng 20%-30% diện tích, tương đương khoảng 50-60 xe. “Dù chấp nhận bán căn hộ 93 m2 giá 3 tỉ đồng, thấp hơn so với nhà có chỗ đậu xe 250-300 triệu đồng mà mãi tôi vẫn chưa bán được nhà”, anh Khánh nói.

Cùng chung nỗi khổ về không có chỗ đậu xe hơi nhưng anh Trần Mạnh Hùng cũng tại chung cư Botanic lại kể: “Những gia đình nào đến ở trước được gửi xe trong hầm với mức phí hiện tại là 900.000 đồng/tháng, còn xe của tôi phải để ở ngoài sân, phơi mưa nắng nhưng phải chịu mức phí 1,5 triệu đồng/tháng. Vô lý như vậy nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì nếu không mình phải tự tìm chỗ ở bên ngoài tòa nhà. Như vậy thì còn bực bội hơn”.

Tương tự, chị Thùy Anh (chung cư cao cấp Estella, quận 2) nói: “Giá chuyển nhượng một chiếc thẻ gửi xe dưới hầm tại chung cư này hiện khoảng 10-20 triệu đồng nhưng ngay cả 50 triệu đồng mà được gửi xe dưới hầm tôi cũng sẵn lòng bỏ ra số tiền đó. Vị trí chờ tới lượt được gửi xe dưới tầng hầm của tôi đang là 109.

Với cả hàng dài người đang chờ như vậy, không biết bao giờ mới tới lượt tôi. Để xe ngoài trời lúc nắng mưa, có con nhỏ, rồi khi đi chợ về mua sắm nhiều đồ, phải xách rất nặng và di chuyển một đoạn đường dài mới tới thang máy. Điều này vô cùng bất tiện. Rõ ràng bỏ tiền ra mua căn kỳ vọng”.

Hầm đậu xe, vấn đề nan giải

Chủ đầu tư một dự án sắp khởi công trên đường Lý Chính Thắng cho biết dự án gồm 350 căn, sáu tầng thương mại và hai tầng hầm. “Làm nhiều tầng hầm thì chi phí càng lớn, sau đó tất cả lại cộng dồn vào giá thành sản phẩm. Điều này sẽ khiến dự án giảm tính cạnh tranh so với những dự án cùng loại”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Đầu tư một tầng hầm bằng gần hai tầng nổi trong khi thu hồi bằng phí trông giữ xe thì không biết đến bao giờ mới hòa vốn. Còn nếu cộng dồn vào giá thành thì chẳng khác nào chủ đầu tư tự cắt bỏ lợi thế cạnh tranh của mình so với các dự án cùng hạng. Do vậy chủ đầu tư không mấy mặn mà với việc xây nhiều tầng hầm”.

Ông Hiếu cho biết thêm: “Có một thực tế là khi khách hàng có tiền để mua căn hộ trị giá 3-5 tỉ đồng thì họ dư sức để mua xe hơi nhưng họ hoàn toàn không để tâm đến chuyện chỗ đậu xe hơi khi quyết định đặt bút ký hợp đồng mua bán tại các dự án”.

Cách đây vài tháng, Sở QH-KT TP Hà Nội gửi thông báo đến các phòng ban chuyên môn của sở này với yêu cầu hướng dẫn, thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu ba tầng hầm để xe tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại. Quy định ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều chủ đầu tư.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh: Cần bổ sung cam kết chỗ đậu xe trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Vì lợi nhuận, vì cố gắng bán hàng cho tốt, các chủ đầu tư, nhân viên môi giới lập lờ trong việc cung cấp những tiện nghi tối thiểu dành cho cư dân. Thực tế cho thấy dự án nào cũng quảng cáo cao cấp, chuẩn năm sao, tầm nhìn đẹp, vị trí thuận lợi, tiện ích đầy đủ… nhưng tuyệt nhiên không có một dự án nào quảng cáo là có chỗ đậu xe đầy đủ. Trong hợp đồng mua bán cũng không bao giờ có thấy cam kết căn hộ ông A mua đảm bảo một chỗ đậu xe hơi và hai chỗ đậu xe máy.

Điều đó cho thấy khi quy hoạch các khu chung cư, trung tâm thương mại, Nhà nước cần phân hạng các loại dự án hạng A, B, C theo mức độ đầu tư. Ví dụ, dự án loại A: Mỗi căn hộ phải có ít nhất một chỗ đậu xe ô tô, loại B ít nhất là hai căn hộ có một chỗ đậu xe và loại C thì ba căn hộ trở lên...

Bàn tròn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM: Tòa nhà 7 tầng mà có tới 3 tầng hầm thì quá lãng phí.

Quy định trên vẫn chưa làm rõ được loại hình dự án cao bao nhiêu tầng thì mới phải đầu tư ba tầng hầm. Chẳng hạn tòa nhà bảy tầng mà có tới ba tầng hầm thì quá lãng phí, còn nếu xây dự án 50 tầng thì ba tầng hầm vẫn chưa đủ chỗ đậu xe. Chủ trương là thiết thực nhưng không nhất thiết phải là ba tầng hầm mà cần phải có quy định từng loại dự án, từng khu vực chứ không phải phù hợp với mọi trường hợp.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Thuduc House: Có thể xây tạo thêm chỗ đậu xe ở tầng trệt, tầng lửng.

Quy định này ban đầu nghe có vẻ hợp lý nhưng xét về mặt kinh tế thị trường thì ép doanh nghiệp xây có tối thiểu ba tầng hầm để xe là không đúng. Quy định này không chỉ dồn hết gánh nặng cho doanh nghiệp và mà còn giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao.

Hơn nữa, tại sao cứ phải làm ba tầng hầm, chủ đầu tư có thể xây một tầng hầm nhưng tạo thêm chỗ đậu xe ở tầng trệt, tầng lửng đều được. Cái quan trọng là họ phải biết cách tính toán làm thế nào để đảm bảo có đủ chỗ đậu xe cho cư dân theo yêu cầu của Nhà nước.

Ông Lương Sĩ Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản AnGia Investment: Chủ đầu tư phải quan tâm hàng đầu về chỗ đậu xe hơi và xe máy.

Khi dự án được cấp phép xây dựng tức là nhu cầu đảm bảo cho đời sống cư dân trong đó đều được sở, ban ngành khảo sát, tính toán và phê duyệt. Về phía chủ đầu tư cung cấp các dịch vụ an ninh, hồ bơi, gym, công viên, nhà trẻ, cửa hàng tiện ích, quán cà phê… có chất lượng tốt đến mấy cũng mới chỉ là điều kiện cần thôi chứ chưa đủ.

Đối với AnGia Investment, bài toán xếp đủ chỗ đậu xe hơi và xe máy là điều chủ đầu tư phải quan tâm hàng đầu. Chứ xây xong mà không có chỗ để xe thì cư dân để ở đâu? Phải làm sao để người dân bỏ tiền ra mua căn hộ cao cấp phải thấy xứng đáng.

Ông Trần Quang Trình, Giám đốc kinh doanh và marketing khu đô thị Sala: Quy hoạch chỗ đậu xe để gia tăng giá trị căn hộ.

Tại Singapore căn hộ cao cấp có tỉ lệ chỗ đậu xe tính trên mỗi căn hộ là 1,2, trong khi đó tại những dự án cao tầng mà Đại Quang Minh đầu tư đều nâng tỉ lệ này lên 1,4-1,5 (tức là mỗi gia đình có 1,4-1,5 chỗ đậu xe hơi). Đối với dự án Sala của Đại Quang Minh, chỉ có tám tầng nhưng có hai hầm đậu xe.

Tại các dự án của chúng tôi, việc quy hoạch chỗ đậu xe không nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận mà là để gia tăng giá trị căn hộ. Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn để giải quyết nhu cầu của khách hàng cũng như đáp ứng tiêu chí các sản phẩm bất động sản phải bền vững trong thời gian dài.

http://plo.vn/thoi-su/nha-giau-khoc-thet-vi-cho-dau-xe-653179.html

Theo Thùy Linh/Pháp luật TPHCM

Bạn có thể quan tâm