Cùng với việc gia tăng dân số, thiết kế độc đáo của ga Nha Trang gây áp lực lớn cho giao thông nội đô. Khánh Hòa đã nhiều lần đề nghị được di dời công trình lịch sử này.
Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2/9/1936, tọa lạc tại phường Phước Tân, TP Nha Trang. Nơi đây là chứng tích nhân dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh, nổ súng chống thực dân Pháp vào ngày 23/10/1945.
Bảng di tích tại ga Nha Trang ghi lại trận đánh năm 1945 mở đầu cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Khánh Hòa.
Thiết kế theo kiến trúc châu Âu, ga Nha Trang từng được xem là nhà ga đẹp nhất nhì Đông Dương, chỉ sau ga Đà Lạt (Lâm Đồng).
Công trình là ga kỹ thuật hỗn hợp khách, hàng, với thiết kế đường vòng bóng đèn - tàu vào, ra cùng một lối sau khi đi vòng theo hình bóng đèn. Đây là kiểu thiết kế nhà ga duy nhất trên cả nước.
Nhiều năm qua khu vực xung quanh ga luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt.
Bình quân mỗi ngày có 34 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang, trong đó hơn một nửa là tàu khách. Dịp lễ, Tết có 46 đến 50 chuyến tàu qua ga mỗi ngày.
Nằm trên địa bàn phường Phước Tân, khu dân cư đông đúc bậc nhất TP Nha Trang, do vậy công trình tạo hàng chục điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt. Hiện, gần 1.000 hộ dân sinh sống ngay đường ray với chiều dài khoảng 2 km.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, do đường vào ga đi qua các tuyến đường chính như 23/10, Lê Hồng Phong... nên mỗi khi tàu ra vào ga gây ùn ứ, ách tắc cục bộ.
Áp lực giao thông qua khu vực ngày một lớn do đường sắt chạy theo hình bóng đèn chiếm khoảng 1/3 diện tích phường Phước Tân và số chuyến tàu ra vào ngày một lớn. Bên cạnh đó là hàng nghìn phương tiện đi qua đường 23/10 và Lê Hồng Phong.
Số dân của phường Phước Tân lên đến 15.000 người, chủ yếu sống xung quanh đường tàu. Nguy cơ mất an toàn đường sắt vì thế rất lớn.
Hơn chục năm qua nhiều lần UBND tỉnh Khánh Hòa có đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng cho di dời ga Nha Trang nhằm giảm áp lực giao thông nội thành. "Quan điểm của tỉnh nhiều năm nay là phải di dời ga ra khỏi nội thành. Việc này, vừa giúp giảm tải giao thông, vừa phù hợp với quy hoạch chung TP đã được Thủ tướng phê duyệt", ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa nói.
Hàng nghìn người dân sống cạnh đường tàu cũng bày tỏ mong muốn tương tự. "40 năm sống cạnh đường tàu cũng quen, nhưng nếu được di dời thì tốt quá. Hồi xưa tàu ra vào ít còn chịu được, nay mỗi ngày có hàng chục chuyến ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của chúng tôi rất nhiều", bà Nguyễn Thị Xoan bày tỏ.
Trong phương án di dời, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu giữ lại kiến trúc ga Nha Trang vì đây là di tích lịch sử. "Kiến trúc ga phải được giữ lại làm bảo tàng trưng bày, tạo thêm điểm đến du lịch mới của tỉnh", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa nêu quan điểm.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết việc di dời vẫn đang được tính toán. "Tỉnh mong muốn đưa ga ra ngoại thành để giảm tải giao thông cho khu vực trung tâm. Chúng tôi đang cho rà soát và đánh giá lại tổng thể để có phương án, đồng thời, làm việc với một vài nhà đầu tư nghiên cứu phương án hoặc sẽ cải tạo ga với chức năng phục vụ hành khách và điểm tham quan du lịch", vị này nói.
Vị trí ga Nha Trang. Ảnh: Google Maps.
Theo Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, đầu năm 2019, một doanh nghiệp ở Hà Nội đề xuất được nghiên cứu, khảo sát đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt tránh TP Nha Trang và nhà ga Nha Trang theo hình thức PPP thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
"Đơn vị này đã được Bộ GTVT cho phép nghiên cứu tiền khả thi, sau khi hồ sơ xong Bộ sẽ thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên việc di dời ga không hề đơn giản vì số lượng hộ dân chịu ảnh hưởng rất lớn, ngoài ra số tiền bỏ ra có thể lên đến 15.000 - 20.000 tỷ đồng cũng là một trở ngại", ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, cho hay.
"Tập trung nhà cao tầng dọc bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió, khu vực dọc biển bị ô nhiễm, đây là cách phát triển có hại cho Nha Trang", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
"Từ một thành phố đáng sống, nay Nha Trang quá chật, chúng ta đang phải trả giá cho việc phá vỡ quy hoạch", Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa nói.
"Họ thích tư duy m2 thì chọn nơi nào không có giá trị lịch sử, văn hóa. Với vị trí di tích lầu Bảo Đại nên giao cho nhà đầu tư khác, xứng tầm", TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.