Đây là thông tin được ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ hôm nay về số dư nợ giao dịch ký quỹ mà các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay để đầu tư chứng khoán.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một năm tăng trưởng ấn tượng với chỉ số VN-Index vượt mốc 1.100 điểm, đạt 1.103,87 điểm (cuối 2020). So với đáy trong năm 2020, chỉ số này đã tăng 67%. Nếu so với cuối năm 2019, chỉ số chứng khoán lớn nhất thị trường Việt Nam cũng tăng 14,9%.
Tương tự, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đóng cửa năm 2020 tăng gần 119% so với cuối quý I/2020 và tăng 98% so với cuối năm 2019.
Đến cuối năm 2020, cả quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt 5,294 triệu tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020.
Quy mô thị trường trái phiếu đạt 1,388 triệu tỷ, tăng 16,8% so với cuối năm 2019 và tương đương 23% GDP.
Với thanh khoản thị trường tăng vọt trong 2 tháng cuối năm, Ủy ban Chứng khoán cho biết giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong năm vừa qua đạt 7.420 tỷ đồng, tăng tới 59% so với năm trước.
Diễn biến chỉ số VN-Index 1 tháng gần nhất. Nguồn: Tradingview. |
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đạt 87.000 tỷ đồng và dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) các công ty này cấp cho các nhà đầu tư để đầu tư cổ phiếu là gần 81.000 tỷ đồng, tăng gần 59% so với năm liền trước.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, các công ty chứng khoán được cho vay không quá 2 lần vốn chủ sở hữu nên tổng margin trên thị trường vẫn trong mức cho phép. Ngoài ra, lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán cũng nhận định các công ty chứng khoán vẫn quản lý tốt số dư nợ margin.
Ngoài ra, số tăng của dư nợ margin cũng thấp hơn số tăng của thanh khoản bình quân nên trạng thái margin của thị trường không đáng lo ngại.
Chia sẻ về thông tin siết dòng vốn vay vào thị trường chứng khoán, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết không có việc dòng vốn này bị siết bởi Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, hiện nay các quy định về cho vay với lĩnh vực chứng khoán của ngân hàng đã rất chặt chẽ, và Ủy ban Chứng khoán tin rằng sẽ không có chuyện siết chặt thêm nữa dòng vốn vào thị trường chứng khoán, thậm chí có thể nới lỏng trong thời gian tới.
Về tình trạng nghẽn lệnh của sàn HoSE thời gian gần đây, cơ quan quản lý đã thực hiện giải pháp trước mắt là nâng khối lượng giao dịch mỗi lô lên 100 đơn vị (trước đó là 10 đơn vị/lệnh). Việc nâng khối lượng cổ phiếu trên mỗi lệnh giao dịch này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm tải số lượng lệnh mỗi phiên cho sàn HoSE.
Tuy nhiên, do dòng vốn của nhà đầu tư vào thị trường thời gian qua quá nhiều nên giải pháp này chưa đạt hiệu quả tối đa. Cơ quan quản lý dự kiến sớm đưa hệ thống giao dịch mới của KRX vào vận hành cuối năm nay để giải quyết tình trạng trên.