Theo South China Morning Post, một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc đã rút khoản đầu tư trị giá 80 triệu đôla Australia (58,5 triệu USD) mua lại một tòa tháp văn phòng ở Sydney. Nguyên nhân được đưa ra là do Ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài Australia (FIRB) liên tục trì hoãn phê duyệt thỏa thuận cho phía đầu tư trong suốt 8 tháng.
Các nhà phân tích cho biết dù Chính phủ Australia đã ban hành lệnh thắt chặt rà soát đầu tư nước ngoài ở nước này hồi đầu tháng 3 và nhiều dự án đã được xúc tiến, tuy nhiên mối quan hệ dần nguội lạnh giữa Trung Quốc và Australia cũng góp phần làm các quan hệ kinh doanh giảm nhiệt.
Sự kiện rút thầu đã dấy lên lo ngại trong ngành bất động sản rằng liệu căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia có lan sang các khoản đầu tư nước ngoài vào bất động sản khác hay không.
Trì hoãn phê duyệt đầu tư
Theo SCMP, tập đoàn Trung Quốc này đã từ bỏ dự án tòa tháp văn phòng 8 tầng tại địa chỉ 191-199 Thomas Street ở China Town của Sydney vào cuối tuần trước. Tập đoàn này đã mua lại tòa nhà hồi tháng 3 để chờ phê duyệt quyền sở hữu nước ngoài, nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ FIRB sau giai đoạn xem xét kéo dài tới 6 tháng.
Theo nguồn tin thân cận, nhóm nhà thầu đã chờ phản hồi từ hội đồng xét duyệt Australia thêm 2 tháng, nhưng vẫn không được đáp trả.
Một nhóm nhà thầu Trung Quốc đã phải rút đầu từ vì cơ quan quản lý Australia chậm phản hồi. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Vince Kernahan, Giám đốc quốc gia về thị trường vốn tại công ty bất động sản Colliers International, người giám sát thương vụ cho biết: “Các bên liên quan đều thất vọng vì một lượng lớn thời gian và tiền bạc đã bỏ ra vô ích cho giao dịch này".
Ông Kernahan cho biết đây là một dự án bình thường và không có vấn đề nào nhạy cảm. "Tôi không biết tại sao FIRB không có phản hồi sau tận 8 tháng", ông trả lời SCMP.
Ông cũng khuyến cáo nếu dự án 191-199 đường Thomas không phải là một sự cố cá biệt thì điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến ngành bất động sản vì nó đặt ra nhiều nghi vấn không giải đáp được.
Trước đó vào tháng 3, Thủ quỹ Ngân khố Nhà nước Australia Josh Frydenberg đã công bố thời gian xử lý mới đối với các đơn đăng ký đầu tư nước ngoài, cùng với những thay đổi khác trong luật sở hữu nước ngoài của Australia nhằm bảo vệ quyền lợi các công ty bị thu mua với giá thấp trong đại dịch.
Các quy định mới bao gồm cắt giảm lượng đôla Australia trong các giao dịch từ 275 triệu đôla Australia (200 triệu USD) trước đây xuống 0. Ngoài ra, Australia cũng giảm ngưỡng tiền với các đối tác thương mại tự do như Trung Quốc từ 1,2 tỷ USD xuống 0. Điều này có thể làm tăng lượng hồ sơ cần giải quyết của FIRB khi các quy định về đầu tư nước ngoài "dễ thở" hơn với các nhà đầu tư.
Thiếu cởi mở với các dự án đầu tư nước ngoài
Cho đến nay, ngành công nghiệp bất động sản của Australia vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột thương mại song phương kéo dài trong 7 tháng qua khi Trung Quốc triển khai một loạt các hành động thương mại chống lại hàng nhập khẩu từ Australia.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng được cho là nguyên nhân khiến Canberra ngăn chặn dự án mua lại trị giá 438 triệu USD của Mengniu Dairy với tài sản của Kirin Holdings tại nước này hồi tháng 8. Thỏa thuận này được FIRB và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia thông qua vào cuối năm ngoái, nhưng ông Frydenberg, Bộ trưởng Ngân khố Australia, người có tư cách quyết định cuối cùng, đã không chấp thuận thỏa thuận trên.
Australia thiếu cởi mở trong các vấn đề thương mại nước ngoài. Ảnh: Reuters. |
Sự kiện chấm dứt giao dịch mua bán trên phố Thomas càng làm gia tăng lo lắng của nhà đầu tư và công ty bất động sản về triển vọng đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Australia. Các doanh nghiệp bất động sản cho biết các phản hồi mập mờ về các giao dịch đầu tư nước ngoài của Chính phủ Australia sẽ gây khó và mài mòn tính cạnh tranh của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, nó cũng tác động đến các giao dịch bất động sản khác của khách Trung Quốc đang trong quá trình thẩm định. Theo Chỉ số hạn chế đầu tư nước ngoài của OECD, Australia là quốc gia hạn chế các đầu tư nước ngoài cao thứ 5 trong nhóm 36 quốc gia OECD năm 2018.
Đầu tháng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cáo buộc Australia thiếu "cởi mở" trong các vấn đề thương mại. Ông cho biết một số dự án đầu tư của Trung Quốc đã bị Australia từ chối kể từ năm 2018 do những "lo ngại về an ninh quốc gia" không rõ ràng và vô căn cứ.
Năm ngoái, ngoài thương vụ Mengniu thất bại, FIRB cũng từ chối khoản đầu tư của tập đoàn Baogang (Trung Quốc) vào công ty khai thác Northern Minerals, trong khi công ty khai thác AVZ Minerals của Australia phải từ bỏ khoản đầu tư 10 triệu USD với tập đoàn Yibin Tianyi Lithium Industry sau khi luật sư khuyến cáo dự án này có thể bị Chính phủ Australia từ chối.