Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà đầu tư nước ngoài tại Bình Dương: Niềm tin đã trở lại

Tính đến 23/6, 100% DN đã trở lại sản xuất bình thường. Niềm tin vào môi trường đầu tư ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng của các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại.

Sau hơn một tháng xảy ra sự cố những kẻ xấu lợi dụng công nhân diễu hành phản đối Trung Quốc để đập phá doanh nghiệp (DN) vào ngày 13 và 14/5, gần 800 DN ở tỉnh Bình Dương  bị ảnh hưởng đã từng bước khôi phục lại sản xuất – kinh doanh.

Hồi sinh

Trở lại “điểm nóng” KCN Sóng Thần 2 (TX Dĩ An) vào những ngày đầu tháng 6 - nơi đây, vào chiều 13 và cả ngày 14/5, có hàng loạt DN bị những đối tượng xấu lợi dụng công nhân diễu hành phản đối Trung Quốc để gây rối, phá hoại, đốt cháy các nhà máy sản xuất – chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một không khí sản xuất hết sức nhộn nhịp đang trở lại ở từng phân xưởng. 

Tại công ty Asama (chuyên sản xuất xe đạp xuất khẩu, 100% vốn Đài Loan-TQ) bị tàn phá nặng nề nhất; nhưng nay, Asama đang hồi sinh trở lại. Tại công ty TNHH Active (Đài Loan) – chuyên sản xuất yên xe đạp cho công ty Asama - những nhà xưởng bị đập phá đã được sửa chữa. 

Cty TNHH Kaiser (KCN Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương) đã khôi phục lại sản xuất bình thường.

Công ty TNHH Kaiser (KCN Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương) đã khôi phục lại sản xuất bình thường.

Nhiều thiết bị, dây chuyền, máy móc đã được khôi phục cách đây nửa tháng và hàng trăm công nhân đang sản xuất trở lại, với nhịp độ khẩn trương, hối hả... Cách đó khoảng 5km, một DN bị thiệt hại nặng là công ty sản xuất giày Thông Dụng (KCN VN – Singapore 1), hơn 6.000 công nhân cũng trở lại làm việc bình thường... Một số DN gặp khó khăn về nhà xưởng, tỉnh đã giải quyết cho thuê nhà xưởng trong các KCN để khôi phục sản xuất. Dường như một sự hồi sinh đang trở lại trên khá nhiều KCN ở tỉnh Bình Dương (BD), thổi vào từng DN vừa trải qua cơn “bĩ cực”. 

Để có được sự hồi sinh đáng kể trên, phải kể đến những nỗ lực của Chính phủ, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD, trong việc ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách hỗ trợ các DN bị thiệt hại vừa qua. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phần thiệt hại của các DN thuộc phạm vi được bồi thường bảo hiểm sẽ do các Cty bảo hiểm giải quyết. Ngày 6/6, Bộ Tài chính đã tạm ứng cho 113 DN bị thiệt hại, với số tiền 114,7 tỷ đồng. Đây là tạm ứng bước đầu, nhưng cũng giải quyết một số khó khăn cho các DN. 

Ngày 18/6, UBND tỉnh Bình Dương công bố hỗ trợ cho 37 DN, bằng các chủ trương, chính sách ưu đãi về thuế, hải quan, đất đai, thủ tục hành chính, lĩnh vực xuất – nhập khẩu... Ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: “UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung tối đa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài hỗ trợ chính sách, ưu tiên của tỉnh thực hiện nhanh gọn các thủ tục hành chính không thu các loại phí, lệ phí của các DN bị thiệt hại như chứng nhận đầu tư, cấp phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, cung cấp phục hồi dữ liệu... 

Bên cạnh đó, BD còn áp dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ khác như miễn giấy phép xây dựng cho các DN xây dựng, sửa chữa lại nhà xưởng; dừng thanh-kiểm tra về lĩnh vực thuế, hải quan, môi trường; đẩy mạnh hoạt động cung ứng lao động”. Ông Cung cho biết thêm, vừa qua tỉnh đã công bố hỗ trợ bằng chính sách, nhưng có một số DN hiểu nhầm hỗ trợ này quy ra thành tiền nên kéo đến UBND để đòi tiền mặt. Thực tế, việc miễn trừ, dãn thuế trong thời gian tới, tương ứng số tiền DN đó được hưởng ưu đãi từ chính sách này; chứ không phải DN được nhận tiền “một cục”, như đã ngộ nhận... 

Ông Thái Văn Thụy (thứ 2, trái qua) - Tổng GĐ Cty Active (Đài Loan), trong buổi làm việc với Ban Quản lý KCN tỉnh BD tại Cty Asama, cam kết vẫn đầu tư vào tỉnh BD.

Ông Thái Văn Thụy (thứ 2, trái qua) - Tổnggiám đốc công ty Active (Đài Loan), trong buổi làm việc với Ban Quản lý KCN tỉnh Bình Dương tại công ty Asama, cam kết vẫn đầu tư vào tỉnh BD.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Việt Dũng – Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương - cho hay, trong sự cố vừa qua, có hơn 300 DN trong lĩnh vực XNK bị ảnh hưởng, nhưng sau đó, các DN nhanh chóng khôi phục sản xuất. Hải quan đã hỗ trợ tối đa cho DN, ưu tiên hỗ trợ phục hồi dữ liệu, cung cấp gần 1 triệu chứng từ, tờ khai bị thất lạc, mất mát để DN nhanh chóng thông quan hàng hóa. Ông Dũng cam kết, Cục Hải quan đang tiếp tục tạo thuận lợi, đồng hành cùng DN để tháo gỡ khó khăn, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách trên 9.000 tỉ đồng do HĐND tỉnh giao.

Doanh nghiệp đã lấy lại niềm tin

Bà Marjorie Yang – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Esque - phát biểu: “14 năm trước, chúng tôi quyết định đầu tư vào Bình Dương, vì nơi đây có hạ tầng cơ sở rất tốt. Sau sự cố vừa qua, nhờ các hỗ trợ từ Chính phủ VN và chính quyền tỉnh, cán bộ, CNV, CNLĐ tại công ty Esque VN (KCN VSIP 1) đã trở lại làm việc bình thường. Họ mới chính là vốn quý nhất của công ty chúng tôi. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài và khôi phục lại những gì đã mất. 

Tham vọng của chúng tôi là muốn biến nhà máy Esque tại Bình Dương thành mô hình mẫu, để chứng minh tầm nhìn mới của chúng tôi trong lĩnh vực dệt may (áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, có hàm lượng chất xám nhiều, không sa vào lối mòn của ngành dệt may là sử dụng lao động giá rẻ, công nghệ lạc hậu). 

Bình Dương là địa điểm lý tưởng để chúng tôi thực hiện tham vọng này”. Ông Yamamoto Kazuhito - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, sự cố đáng tiếc vừa qua là điều ngoài ý muốn; nhưng Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bình Dương đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nhanh cho các DN bị ảnh hưởng khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. DN rất an tâm về môi trường đầu tư tại tỉnh.

Phát biểu với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hôm 20/6, ông Ching Kwok Leung,Tổng giám dốc công ty TNHH Mega Step Electronics Việt Nam cho rằng: “Sau sự cố vừa qua, chúng tôi đã nỗ lực khắc phục các khó khăn để tái sản xuất. Tuy nhiên, do công ty sản xuất các bo mạch điện tử cho máy tính, nên việc giám định thiệt hại các linh kiện, máy móc... để hưởng bảo hiểm còn chậm. 

Bên cạnh đó, một số tài liệu, sổ sách, chứng từ,... bị mất nên việc khôi phục dữ liệu để cung cấp cho DN bảo hiểm chưa hoàn tất. Song, chúng tôi vẫn quyết tâm đáp ứng các đơn hàng, bằng phân loại các sản phẩm chưa bị hư hại, còn sử dụng tốt để giao cho đối tác. Chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào Bình Dương”. Công nhân là một trong những lý do giúp các nhà đầu tư tiếp tục làm ăn sinh sống tại Bình Dương. 

Ông Jason Chen, Giám đốc công ty Vượng Tuế (100% vốn Đài Loan) nói: “Trong những ngày công ty bị đình trệ sản xuất, tôi thấy mỗi ngày, từng tốp công nhân đều đến dọn dẹp, sửa sang văn phòng. Nhờ đó mà công ty đã nhanh chóng hoạt động trở lại.  Để đáp trả tình cảm và công sức mà anh chị em công nhân đã dành cho mình, tôi đã bỏ tiền vào phong bao lì xì, trân trọng thưởng cho từng người theo cách người Đài Loan vẫn hay làm. Thật bất ngờ, họ không nhận. Điều này làm tôi cảm động rơi nước mắt. Chỉ như vậy thôi, tôi không thể nào không tiếp tục sản xuất ở Việt Nam. Trong khó khăn, tấm lòng của người lao động dành cho chúng tôi vô cùng to lớn”. 

Hà Tĩnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh bàn giao nhiều tài sản cho Formosa

Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, thượng tá Võ Trọng Hải - cho biết, BĐBP tỉnh đã tiến hành bàn giao một số tài sản cho đại diện công ty Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào sáng 23/6. Trước đó, lực lượng CA huyện Kỳ Anh cũng đã bàn giao lại nhiều tài sản bị mất trộm cho phía công ty Formosa.

 

http://laodong.com.vn/kinh-te/cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-binh-duong-niem-tin-da-tro-lai-218742.bld

Theo Cao Hùng-Trung Thành/ Lao Động

Bạn có thể quan tâm