Nhà đài hốt bạc tỷ từ truyền hình thực tế
Những khoản tiền quảng cáo nhiều tỷ chỉ sau hơn 2 giờ trên truyền hình là lý do khiến các chương trình thực tế phát triển ồ ạt.
Nếu chịu khó ngồi xem và đếm quảng cáo trong chương trình truyền hình lúc 20h tối chủ nhật 7/4 trên hai kênh HTV7 và VTV3 sẽ thấy một sự chênh lệch khá rõ rệt.
77 quảng cáo cho một chương trình
Vào 20h ngày 7/4, bộ phim VN Oan nghiệt phát sóng trên HTV7 thu về gần 20 mẩu quảng cáo. Trong khi đó, cùng giờ này trên VTV3, chương trình Tìm kiếm tài năng Việt mùa thứ hai có đến hơn 50 mẩu quảng cáo xen vào.
Cặp đôi hoàn hảo dù không còn tính mới mẻ đối với người xem và đã bắt đầu bộc lộ nhiều nhược điểm, dù phát sóng vào giờ khá khuya (21h20) nhưng đêm phát sóng ngày 17/3 thu về đến 60 mẩu quảng cáo. Cứ sau hai cặp thí sinh biểu diễn là bắt đầu đến tiết mục quảng cáo nối đuôi nhau xuất hiện.
77 quảng cáo cho đêm chung kết Gương mặt thân quen là động lực cho nhà sản xuất nghĩ đến mùa thứ hai hoành tráng hơn. Trong ảnh: Khởi My (thí sinh đoạt giải nhất) hóa thân thành ca sĩ Shakira trình diễn bài Give it up to me. |
Khủng khiếp hơn, với khán giả truyền hình, chỉ hơn hai tiếng phát sóng đêm chung kết Gương mặt thân quen, truyền hình trực tiếp lúc 21h20 trên VTV3 ngày 16/3, không tính những quảng cáo xuất hiện cực ngắn, quảng cáo chạy dưới chân màn hình, đếm sơ sơ nhà đài thu được đến...77 mẩu quảng cáo.
Ðiều đáng nói là trong ba tháng phát sóng, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình Ðài truyền hình VN đã hai lần tăng mức giá quảng cáo trong chương trình này. Cụ thể, mức giá quảng cáo trong thông báo ngày 16/1 tăng 25% so với mức giá của thông báo ngày 9/1, và mức giá quảng cáo đêm chung kết (theo thông báo ngày 5/3) đã tiếp tục tăng thêm 25% nữa. Như vậy, mức giá quảng cáo trong đêm chung kết này đã được tăng lên 50% so với mức giá từng được áp dụng khi chương trình bắt đầu lên sóng.
Cụ thể, mẩu quảng cáo dài 10 giây là 90 triệu đồng, 108 triệu đồng cho quảng cáo dài 15 giây, 135 triệu đồng cho quảng cáo dài 20 giây và 180 triệu đồng cho mẩu quảng cáo dài 30 giây. Cứ thế mà nhân lên thì có thể thấy sau hơn hai giờ phát sóng, chương trình đã có thể thu về khoảng 10 tỷ đồng (chưa trừ các phí).
Ông Hà Nam - trưởng ban thư ký biên tập của VTV - cho biết: “Hiện nay VTV có đến sáu kênh quảng bá, phục vụ đa dạng cho mọi đối tượng khán giả. Riêng kênh VTV3 là kênh giải trí tổng hợp nên tập trung nhiều các chương trình giải trí, trong đó có truyền hình thực tế (THTT). Chúng tôi dành thời lượng tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật cho các chương trình THTT để khán giả được giải trí, thư giãn những ngày cuối tuần. Có một thực tế là không thể lấy nguồn thu của một chương trình để đánh giá cho toàn bộ kênh. Tổng thời lượng quảng cáo trên một kênh của VTV vẫn còn rất thấp. Nhưng rõ ràng lượng quảng cáo đổ vào chương trình nhiều chứng tỏ THTT đang có sức hút lớn với khán giả”.
Đôi bên cùng lợi
Việc hợp tác với nhà đài để sản xuất chương trình THTT cũng khá giống việc hợp tác để sản xuất phim truyền hình. Ví dụ như nếu nhà sản xuất đầu tư cho chương trình khoảng 10 tỷ thì họ sẽ ký hợp đồng với nhà đài cam kết doanh thu phải đạt 15 tỷ thì mới thu về được số tiền đầu tư sản xuất. Nếu doanh số quảng cáo thấp hơn con số này thì sẽ bị lỗ, còn nếu doanh số quảng cáo thu về cao hơn 15 tỷ thì trên phần lợi nhuận dư ra ấy, nhà sản xuất sẽ được thưởng theo hợp đồng với nhà đài.
Bà Bích Liên - giám đốc công ty Sóng Vàng, đơn vị vừa sản xuất phim truyền hình lẫn game show và THTT - cho biết: “Sản xuất phim truyền hình an toàn hơn vì nhà đài đưa sẵn số tiền đầu tư. Nếu nhà sản xuất thu về được số tiền nhà đài trả (180 triệu đồng/tập) là đã có lời. Còn sản xuất chương trình THTT số tiền đầu tư thực tế cao hơn nhiều hơn so với số tiền trong hợp đồng với nhà đài.
Cụ thể như với Gương mặt thân quen, để mời được Hoài Linh làm giám khảo không phải đơn giản, chương trình biểu diễn đêm chung kết cũng cần đầu tư hoành tráng, đưa nhiều 'chiêu trò' cho các nghệ sĩ biểu diễn thì mới có nhiều khán giả xem. Những khoản phát sinh này không có trong hợp đồng. Nhưng bù lại sản xuất chương trình THTT dễ tìm được nhà tài trợ hơn”. Tuy nhiên, khi hỏi bà Liên và một số nhà sản xuất một con số cụ thể cho việc tài trợ này thì ai cũng khẳng định: đó là con số bí mật.
Ngay cả như chương trình Siêu đầu bếp (Iron Chef) mùa thứ hai phát sóng vào khung giờ không phải là vàng (11h chủ nhật trên VTV3), ngày 17/3 cũng thu về được 10 mẩu quảng cáo. Theo bà Lê Hạnh, giám đốc TVPlus - đơn vị sản xuất chương trình này, thì: “Với mức doanh thu quảng cáo khoảng 300 triệu đồng/chương trình có thể nói là chúng tôi hòa vốn. Tuy nhiên thông thường chi tiêu quảng cáo của các nhãn hàng đều giảm vào quý 1. Mấy tháng trước số lượng quảng cáo nhiều hơn, có chương trình lên tới 20 mẩu quảng cáo - con số rất tốt đối với khung giờ tương tự”.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt
Trước lợi nhuận khổng lồ như trên, việc đài đài, nhà nhà sản xuất chương trình THTT là điều dễ hiểu. Một loạt chương trình mới sắp tới sẽ xuất hiện, các chương trình cũ vẫn tiếp tục lên sóng bởi các nhà sản xuất đều khẳng định họ mua bản quyền chương trình không chỉ để phát sóng một hai lần mà phải tìm cách kéo dài tuổi thọ của chương trình cho đến lúc... không còn khán giả muốn xem.
Ngay khi chưa kết thúc, nhà sản xuất Gương mặt thân quen đã nghĩ đến nội dung của chương trình này vào mùa phát sóng thứ hai. “Ðộc, lạ là yếu tố không thể thiếu được để thu hút khán giả. Chúng tôi sẽ đưa vào tiết mục nghệ thuật khác như chèo, tuồng, cải lương... cho chương trình thêm hấp dẫn” - bà Bích Liên “bật mí”. Còn nhà sản xuất chương trình Thử thách cùng bước nhảy - rất thành công khi phát sóng trên HTV7 vừa qua - cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho mùa kế tiếp.
Khá bận rộn cho chương trình mới Tôi là người chiến thắng, ông Nguyễn Hải - giám đốc sản xuất chương trình Thử thách cùng bước nhảy - cho biết: “Có thể mùa thứ hai khán giả sẽ không còn sự bất ngờ nên chúng tôi phải tập trung đến yếu tố chất lượng thí sinh bằng cách mở rộng việc tuyển chọn. Chúng tôi không cần số đông mà chỉ cần những người nhảy có tài”.
Các kênh truyền hình lớn đang có sự cạnh tranh ngầm để phát sóng chương trình THTT, mà hiện nay ưu thế đang nghiêng về VTV. Sắp tới, ưu thế này sẽ tiếp tục lấn lướt khi VTV3 trình làng một loạt chương trình mới nổi tiếng của thế giới như Giọng hát Việt nhí, Nhà thiết kế VN, X-Factor (Nhân tố X), Got to dance... Lý giải điều này, theo ý kiến của bà Lê Hạnh: “Tôi nghĩ do nhu cầu thôi. Ở đâu có nhu cầu thì ngay lập tức sẽ có người đáp ứng nhu cầu đó”. Một nhà sản xuất không muốn nêu tên cho rằng: “Bên cạnh yếu tố phủ sóng toàn quốc, chính sách của VTV khá đơn giản nên các nhà sản xuất làm việc cũng dễ dàng hơn”.
Bí mật thông tin mua bán bản quyền Cho đến thời điểm này, chỉ có Thần tượng âm nhạc VN - Vietnam Idol mùa đầu tiên được đơn vị sản xuất là Đông Tây Promotion và đơn vị tài trợ là Unilever xác nhận đã bỏ ra 2 triệu USD để mang phiên bản này về VN. Còn lại mọi thông tin mua bán bản quyền sau đó đều trong vòng bí mật. Các đơn vị sản xuất cho biết họ không thể tiết lộ thông tin giá cả vì nhiều lý do: ràng buộc hợp đồng, tránh các đối thủ “giật mối”... Hơn nữa, số tiền mua-bán bản quyền một chương trình không phải là một con số cố định hay cụ thể. Đôi lúc nó phụ thuộc việc phiên bản khi mang về VN thành công hay thất bại mà giá có thể cao hơn hay thấp đi một chút. Với mùa thứ hai trở đi, thông thường bản quyền cũng sẽ “nhẹ” hơn mùa đầu. Nhưng có một điều chắc chắn rằng các phiên bản truyền hình “hot” như Idol, The Voice, Next top model, So you think you can dance... đều có giá triệu đô. Bỏ ra một số tiền lớn như thế nhưng nếu khéo làm, khéo PR, khéo kêu gọi tài trợ... thì các đơn vị sản xuất vẫn lời to. Nhân viên cũ của một “đại gia” truyền hình tiết lộ có những tập thi nhà sản xuất lời cả tỷ đồng (sau khi đã trừ tất cả các chi phí) từ quảng cáo trên truyền hình. |
Theo Tuổi trẻ