Nhà chứa xác tàu con thoi khổng lồ hoang vu giữa sa mạc
Thứ ba, 16/5/2017 20:02 (GMT+7)
20:02 16/5/2017
Dự án tàu con thoi tối tân Buran đầy tham vọng bị hủy bỏ hơn hai thập kỷ trước đã khiến niềm kiêu hãnh một thời của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô nay chỉ còn là đống sắt vụn.
Nằm trơ trọi trong căn cứ vũ trụ bỏ hoang Baikonur Cosmodrome tại sa mạc Kazhakstan, hai chiếc tàu thuộc dự án tàu con thoi Buran của Liên Xô đã hoen rỉ, phủ dày bụi mờ. Trong đó, một chiếc bay lên không gian trong chuyến thử nghiệm duy nhất vào cuối năm 1988. Chiếc còn lại chưa từng rời khỏi Trái Đất.
Buran, cái tên mang ý nghĩa “bão tuyết”, là dự án tàu vũ trụ tái sử dụng duy nhất của Liên Xô, tương tự tàu con thoi (STS) của Mỹ. Liên Xô kỳ vọng rằng các tàu con thoi này không chỉ bay được vào không gian mà còn có thể chở được khối lượng hàng hóa lớn sử dụng cho việc xây dựng các trạm vũ trụ. Tuy nhiên, viễn cảnh đó đã không bao giờ thành sự thật.
Việc Chiến tranh Lạnh đi đến hồi kết và nền kinh tế Liên bang Xô viết sụp đổ khiến dự án Buran mất nguồn vốn. Năm 1993, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã hủy bỏ hoàn toàn chương trình này. Hai chiếc tàu con thoi bị bỏ lại trong khu lắp ráp thử nghiệm gần sân bay vũ trụ Baikonur (Kazhakstan). Một vài nguyên mẫu tàu con thoi Liên Xô may mắn hơn khi được sửa chữa rồi mang đi trưng bày tại Nga và các quốc gia khác.
Trong khoang lái của một trong 2 nguyên mẫu bị bỏ lại, các thiết bị điện tử đã bị mất mát và hư hại khá nhiều sau hơn hai thập kỷ. Công trình bỏ hoang này là kết cục bi đát đối với những biểu tượng một thời của chương trình không gian hoành tráng của Liên Xô trong quá khứ. Những năm 1970, 1980, những chiếc tàu con thoi được Liên Xô thiết kế và xây dựng với tham vọng vượt qua các tàu vũ trụ của Mỹ.
Tàu mang tên mã OK-1K1 thuộc dự án Buran được phóng lên quỹ đạo ngày 15/11/1988, hoàn thành hai vòng quỹ đạo quanh Trái Đất trước khi bắt đầu quy trình hạ cánh tự động. Đây là tàu con thoi duy nhất trên thế giới thực hiện một chuyến bay không người lái, bao gồm cả giai đoạn hạ cánh trong chế độ tự động hoàn toàn.
Ngày nay, hai chiếc tàu con thoi cũ trong căn cứ vũ trụ bỏ hoang ở Baikonur vẫn thu hút nhiều người tới chiêm ngưỡng những di vật từ thời Chiến tranh Lạnh và tham vọng chinh phục vũ trụ của con người trong quá khứ.
Khoang chứa hàng của tàu con thoi Liên Xô giống tàu con thoi Mỹ.
Nhà kho đồ sộ trơ trọi giữa sa mạc Kazhakstan cũng khơi dậy sự hứng thú của nhiều nhiếp ảnh gia, trong đó có Alexandar Kaunas. Năm 2015, nhiếp ảnh gia Ralph Mirebs đã mạo hiểm vào khu phức hợp này để chụp lại hình ảnh của hai nguyên mẫu tàu, những tượng đài bị quên lãng sau cuộc đua vũ trụ trong quá khứ.
6 tháng trước, nhiếp ảnh gia kiêm đạo diễn người Nga Alexander Kaunas cùng các cộng sự đã cuốc bộ hơn 30 km qua sa mạc để bí mật thâm nhập căn cứ vũ trụ bỏ hoang Baikonur và mất ba đêm để ghi lại những thước phim về những xác tàu bị bỏ lại trong nhà kho này.
Máy bay hoen rỉ cũ kỹ, bãi mìn ở khắp nơi, đó là những thứ còn sót lại ở căn cứ không quân đồng thời là hầm trú ẩn lớn nhất châu Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Một bệnh viện cũ ở Budapest được xây dựng từ những năm 1930 và dùng làm hầm trú ẩn hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, nó trở thành một bảo tàng lịch sử nổi tiếng.