Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà báo Mỹ bình luận gì về khả năng phá án của cảnh sát Nhật?

“Phong cách” và “khả năng” điều tra án mạng của cảnh sát Nhật Bản từng được các nhà báo nước ngoài bình luận và đem ra mổ xẻ, qua chính những vụ án mà họ tham gia đưa tin.

“Điều tra giết người theo phong cách Nhật Bản”. Đó là tựa bài báo nhà báo Joe Gleckler viết trên trang Baltimorechronicle năm 2000:

"Tháng trước, hàng xóm cách nhà tôi 2 nhà bị giết tại bãi đậu xe ngay bên ngoài cửa sổ của tôi. Trong suốt hai tuần, cảnh sát đi tới đi lui quanh khu chung cư tôi ở. Họ đến nhà tôi 4 lần để hỏi tôi có biết điều gì không. Dù tiếng Nhật của tôi vẫn tồi như vậy, tôi vẫn nói được câu: "Tôi không nhìn thấy hay nghe thấy bất cứ điều gì."

Cuối cùng, cảnh sát cho rằng đây là vụ giết người mang động cơ chính trị. Lý do họ đưa ra: Cách đây vài tháng, một nam giới là thành viên của một nhóm chính trị cánh hữu bị giết hại ở Fukuoka. Hàng xóm của tôi là thành viên của một nhóm chính trị cánh tả. Vì vậy, cảnh sát tin đây là một vụ giết người báo thù.

Cách làm việc của cảnh sát Nhật

Tôi không thấy cảnh sát bắt giữ ai. Cảnh sát "không có năng lực" như họ thường tỏ vẻ - điều này không khiến tôi ngạc nhiên. Cảnh sát Nhật Bản rất giỏi trả lại xe đạp bị đánh cắp và viết vé phạt, nhưng với mọi thứ khác thì rất thường.

canh sat Nhat Ban pha an anh 1
Nhà báo Richard Lloyd Parry ở Tokyo. Ảnh: Japansubculture.

Tôi không phát hiện được điều gì xảy ra từ cảnh sát. Tôi phát hiện được từ một phóng viên. Anh ấy bấm chuông nhà tôi vào sáng hôm sau để hỏi tôi có biết điều gì không. Cảnh sát đến nhà tôi 4 lần. Không giống như người phóng viên nói tiếng Anh rất tốt, các cảnh sát hầu như không nói gì. Tất nhiên, đây là Nhật Bản, vì vậy tôi có thể hiểu.

Nhưng ba lần sau đó cảnh sát đến, không ai trong số họ nói tiếng Anh cả. Vì vậy, tôi chỉ có thể kết luận rằng không ai trong số họ thực sự nói chuyện với nhau về chuyến ghé thăm tôi trước đây của họ, hoặc cử người nói tiếng Anh đến.

Tôi đoán, họ chỉ làm những gì họ đang thường làm - theo cách của họ thực thi các bước quan liêu của hệ thống phân cấp cứng nhắc của Nhật Bản.

Dù sao thì vụ này cũng mang động cơ chính trị, nên tôi không lo ngại có gì đe dọa an toàn của mình. Dù sao an ninh của Nhật Bản cũng tốt hơn ở Mỹ".

'Cảnh sát Nhật Bản không thấy tội ác'

Tương tự, Bruce Wallace viết từ Tokyo cho tờ Latimes năm 2007:

"Hình ảnh thi thể của thanh thiếu niên cho thấy một vết cắt sâu trên cánh tay phải, vết thâm tím trên cổ và ngực. Khuôn mặt anh sưng lên và bị vết cắt. Vệt thâm tím chạy từ góc mắt trái qua xương gò má tới hàm, và chân nạn nhân bị sưng những nốt nhỏ kiểu như bị dí đầu thuốc lá đang cháy vào.

Tuy nhiên, cảnh sát ở quận Aichi, Nhật Bản dường như “nhìn thấy” điều khác khi xem xét thi thể vạm vỡ 17 tuổi của Takashi Saito, người vừa khám bệnh tổng thể cách đó 5 tháng. Họ tuyên bố: Nguyên nhân cái chết là “bệnh tim”.

canh sat Nhat Ban pha an anh 2
 Võ sĩ Takashi Saito, 17 tuổi, bị đánh đến chết trong vụ án năm 2007, nhưng cảnh sát kết luận chết vì bệnh tim. Ảnh: Family photo. 

Như thường thấy ở Nhật Bản, cảnh sát Aichi đã đưa ra kết luận về cái chết của Saito mà không khám nghiệm tử thi. Họ cho biết không cần nhân viên điều tra. Không có tội ác liên quan. Chỉ có 6,3% số ca tử vong bất thường ở Aichi được bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi - một tỷ lệ rất nhỏ thậm chí so với tiêu chuẩn quốc gia ở Nhật, nơi khám nghiệm tử thi được thực hiện trong 11,2% số vụ.

Những nguyên nhân được nêu ra cho tỷ lệ thấp này: ngân sách không đủ, thiếu bác sĩ pháp y, văn hoá ở Nhật Bản với việc mổ xẻ người chết... Tuy nhiên, trường hợp của Saito “củng cố” phàn nàn lâu nay của nhóm các bác sĩ, cựu chuyên gia bệnh học và cựu cảnh sát – những người cho rằng “văn hoá cảnh sát” Nhật Bản là trở ngại chính.

Theo nhóm này, cảnh sát không khuyến khích các cuộc khám nghiệm có thể cho thấy tỷ lệ giết người cao hơn và buộc các bác sĩ kết luận những cái chết không tự nhiên là vì lý do sức khoẻ, thường là suy tim.

Nhiều người cho rằng kẻ giết người được tạo điều kiện “ung dung” ở Nhật Bản, một quốc gia chính thức tuyên bố là một trong những nước có tỷ lệ giết người ở mức thấp nhất trên thế giới.

Quay lại trường hợp của Saito, nếu cha mẹ của Saito không yêu cầu nhìn thấy cơ thể con trai mình, sự thật về cái chết của đô vật có thể không bao giờ được biết. Bị sốc trước hình hài của con, gia đình yêu cầu các giáo sư y khoa tại Đại học Niigata thực hiện khám nghiệm tử thi. Kết quả cho thấy trái tim của Saito ngừng đập vì sốc do thương tích bên ngoài. Có lẽ anh đã bị đánh đến chết.

Hơn một tháng sau, dưới áp lực của gia đình và báo giới, cảnh sát Aichi đã mở cuộc điều tra. Thủ phạm được tìm thấy: đó là võ sư và các đô vật ở võ đường mà Saito theo học đã đánh anh đến chết vì anh có ý định bỏ sumo.

Tội phạm và sự trừng phạt ở Nhật Bản

Richard Lloyd Parry trước đây là phóng viên của tờ The Independent, sau đó là trưởng văn phòng The Times, đã viết về nhiều vụ án, trong đó có cuốn sách về kẻ hiếp dâm và giết nhiều người Joji Obara  - vụ án chấn động nước Nhật năm 2000. Joji bị kết án vì hãm hiếp và giết 2 phụ nữ, trong đó có  tiếp viên người Anh tên là Lucie Blackman.

Năm 2012, Richard có phát biểu về vấn đề tội ác và trừng phạt ở Nhật Bản. Ông nói về điều gì xảy ra ở Nhật Bản từ thời điểm ai đó bị bắt và luật được thực thi như thế nào. Ông cũng nói về cái khó của báo chí nước ngoài thường trú ở Nhật Bản đưa tin về các vụ án.

canh sat Nhat Ban pha an anh 3
Năm 2013, tức 13 năm sau cái chết của Lucie Blackman ở Nhật Bản, gia đình cô vẫn chưa biết cô chết như thế nào. Ảnh: AP. 

Theo Richard, đối với cảnh sát, các công tố viên và hệ thống tư pháp Nhật Bản, thời điểm bắt giữ là đỉnh điểm giới truyền thông quan tâm đến tội ác. Việc bắt giữ được chú ý nhiều hơn việc đệ đơn buộc tội hoặc thậm chí là xét xử hình sự.

Nguyên nhân là "ở Nhật Bản, một khi đã bị bắt, tất cả đã kết thúc," ông giải thích. Hầu hết mọi người bị bắt đều bị buộc tội. Tùy thuộc vào loại hình tội phạm, "khoảng 99% trong số đó bị kết án hình sự," ông nói.

Từ những vụ án lớn mà Richard đã đưa tin, ông cho rằng "không vụ nào trong những vụ này phản ánh rõ về hệ thống tư pháp Nhật Bản, và đặc biệt về cảnh sát Nhật Bản. Bề ngoài, cảnh sát Nhật Bản thành công lạ thường". Tuy nhiên, ông nói rằng dư luận người dân Nhật có nhiều lo lắng "và có thể tội phạm vẫn chưa được phát giác ".

Richard nói rằng thực sự, buôn bán ma túy, ăn trộm là những tội danh "thấp hơn 4 đến 8 lần so với ở phương Tây". Tội phạm bạo lực cũng rất hiếm. Lý do thực sự không phải là nhờ các cơ quan thực thi pháp luật, mà nhờ người Nhật tôn trọng lẫn nhau và không bạo lực.

"Riêng các thám tử Nhật Bản – họ rất quyến rũ, dũng cảm, chăm chỉ, chân thành và rất tử tế. Tuy nhiên, trong cơ quan điều tra, cảnh sát Nhật Bản thường thiếu năng lực", ông khẳng định.

Theo Richard, “họ thất bại trong việc bảo vệ một công dân trước tội ác”. Trong vụ Jioji Obara, ông cho rằng hàng trăm nạn nhân bị tên này cưỡng hiếp đã không báo cáo với cảnh sát.

Ngoài ra, một điều phải nói đến nữa liên quan đến phóng viên nước ngoài tác nghiệp trên đất Nhật: Hệ thống câu lạc bộ báo chí cảnh sát Nhật Bản không cho phép phóng viên báo nước ngoài tham dự các cuộc họp báo và họ bị “phong tỏa” thông tin. Điều này khiến các phóng viên nước ngoài cực kỳ khó khăn để hiểu rõ cung cách điều tra đang diễn ra như thế nào.

600 mét bi kịch vụ bé gái Việt bị sát hại tại Nhật Quãng đường ngắn ngủi 600 mét từ nhà tới trường là nơi bé Lê Thị Nhật Linh ở tỉnh Chiba, Nhật, bị bắt cóc và sát hại tàn nhẫn.

10 ngày vụ án bé gái Việt bị sát hại ở Nhật gây chấn động

10 ngày kể từ khi bé Lê Thị Nhật Linh bị bắt cóc và sát hại ở tỉnh Chiba, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng về một bi kịch xảy ra ở đất nước được cho là an toàn như Nhật Bản.

Không tìm thấy phương tiện khả nghi vụ bé gái Việt bị sát hại ở Nhật

Cuộc điều tra đang đối mặt với khó khăn khi camera an ninh quanh khu vực tìm thấy thi thể em Lê Thị Nhật Linh không ghi nhận bất kỳ phương tiện khả nghi nào.

Nhật Mai (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm