Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Nhà bà Nữ' của Trấn Thành - nói quá nhiều, nặng tính kịch

Phim rơi vào cái bẫy “ồn ào”, thoại phim quá nhiều, quá dài. Trấn Thành “đam mê” việc đẩy xúc cảm cao trào thái quá, “lấy nước mắt đổi cảm thông của khán giả”.

Review Nha ba Nu anh 1

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Genre: Gia đình
Director: Trấn Thành
Cast: Trấn Thành, Lê Giang, NSND Ngọc Giàu, Uyển Ân, Khả Như, NSND Việt Anh, NSUT Công Ninh, Song Luân, Lê Dương Bảo Lâm,...
Rating: 7/10

Nhà bà Nữ là bộ phim đầu tiên mà Trấn Thành toàn phần đảm nhiệm vị trí đạo diễn. Chịu áp lực từ cái bóng của dự án tiền nhiệm, anh và ê-kíp đã tạo nên một tác phẩm nghiêm túc, chỉn chu.

Đó cũng là biểu hiện “cái tôi” của anh khi một lần nữa bước chân vào địa hạt điện ảnh. Phim ra mắt vào đúng dịp Tết Nguyên Đán 2023.

“Thà thất bại trong giấc mơ của con, còn hơn thành công trong giấc mơ của mẹ”

Chuyện phim lột tả cuộc sống thường nhật của gia đình Ngọc Nữ (Lê Giang) - bà chủ quán bánh canh cua. Bằng tất cả sự tần tảo, đảm đang, bà Nữ một thân gánh vác mọi chuyện trong gia đình. Bị chồng bỏ rơi nhiều năm trước đó, bà tự tay nuôi nấng mẹ già và 2 con nhỏ.

Lớn lên, con gái trưởng Ngọc Như (Khả Như) lại kết hôn với một người chồng khù khờ, ham mê nhậu nhẹt tên Phú Nhuận (Trấn Thành). Bà Nữ đành phải đặt toàn bộ kỳ vọng lên cô con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân). Sợ con trượt dài trên vết xe đổ của mình, bà chủ quán bánh canh tìm mọi cách kiểm soát cuộc sống của con.

Ngọc Nhi (Uyển Ân) đại diện cho thế hệ Gen Z bồng bột nhưng đầy nhiệt huyết.
Review Nha ba Nu anh 2
Review Nha ba Nu anh 2

Ngọc Nhi (Uyển Ân) đại diện cho thế hệ Gen Z bồng bột nhưng đầy nhiệt huyết.

Nhà bà Nữ mở đầu bằng lời tự sự của cô gái Ngọc Nhi. Dù không lạ, nhưng đây vẫn tỏ ra là một lối kể hiệu quả, đặc biệt với thể loại phim gia đình. Những toan tính của đạo diễn thể hiện ở việc lựa chọn một chủ đề thông minh. Trong dự án mới nhất của mình, Trấn Thành lựa chọn đào sâu mâu thuẫn giữa các thế hệ. Một cách tinh tế, nó được lồng ghép với những mảng miếng giải trí gây cười.

Lấy bối cảnh khu tập thể chật hẹp nơi phố thị, sự bức bối đè nặng lên mỗi con người đang sống dưới mái nhà chung. Câu chuyện giữa bà Nữ và con gái được tỉ mỉ đẽo đục, làm lộ ra những bất hòa chất chứa đã lâu.

Ngọc Nhi từng thốt lên rằng: “Facebook của bạn là của bạn, nhưng Facebook của tôi là của mẹ tôi”. Áp lực từ những kỳ vọng và quan tâm của người mẹ bóp nghẹt cô gái trẻ. Có lẽ, điều mà Ngọc Nhi thực sự mong muốn là một cuộc sống tự do bên ngoài cánh cửa khu tập thể đó.

Theo dõi phim, khán giả được chứng kiến hình ảnh phản chiếu của mình trong họ. Tính toán của đạo diễn, một lần nữa được thể hiện qua việc khơi dậy đồng cảm nơi người xem.

Ai cũng nghĩ mình đáng thương, vậy ai đáng trách?

Dàn diễn viên trong Nhà Bà Nữ đều hợp nhân vật của mình, vừa vặn hóa thân thể nghiệm vai diễn. Phim quy tụ những cái tên gạo cội như NSND Ngọc Giàu, NSND Việt Anh, bên cạnh các gương mặt tên tuổi: Trấn Thành, Lê Giang, Khả Như hay Song Luân...

Tác phẩm mang đúng tính chất bộ phim gia đình: đem xung đột khoảng cách thế hệ và các vấn đề xã hội lên phim. Mâu thuẫn giữa các nhân vật cũng được xây dựng tuân theo motif của thể loại này. Vì vậy, Nhà bà Nữ dễ tạo được nhiều va chạm, dễ khai thác sự đồng cảm của người xem.

Ở lần đầu thử sức với điện ảnh, Uyển Ân ít nhiều hoàn thành vai trò của mình. Vào vai cô con gái út đương tuổi đôi mươi, tình yêu và tự do là thứ Ngọc Nhi chờ đợi. Suốt nhiều năm co cụm trước sự kèm cặp độc đoán của mẹ, cô gái trẻ tưởng như gặp được “lẽ sống” khi quen John.

Ở khía cạnh nào đó, Ngọc Nhi là đại diện cho thế hệ Gen Z. Bằng bất cứ giá gì, họ đam mê và nhiệt huyết sống với ước mơ. Giống như một bộ phận không nhỏ bạn trẻ khác, con gái bà Nữ phải tìm cách “chống cự” lối hành xử độc đoán của phụ huynh. “Con đang sống thay cho ước mơ của mẹ”, đó là suy nghĩ của Nhi trước tất cả những gì mình đã trải qua.

Không chỉ xoay quanh tình mẹ con, bộ phim còn khắc họa câu chuyện tuổi trưởng thành, về những vấn đề tế nhị ẩn sau lớp vỏ bọc yên bình của cuộc sống. Thói bốc đồng của lứa trẻ, hay những rắc rối sống thử, ở rể hay khúc mắc hôn nhân đều được biên kịch bóc trần trên phim.

Dưới nhiều góc độ, Nhà bà Nữ phản ánh hiện thực bằng lăng kính trung lập. Phụ huynh sai, con cái cũng còn những điểm chưa đúng. Thế nhưng nếu mãi “để bụng” mà không chịu tìm cách giải quyết, mâu thuẫn sẽ nhấn chìm con người ta bởi những quyết định sai.

Phim của Trấn Thành vẫn nặng tính kịch hóa

Mang Nhà bà Nữ ra rạp khai xuân 2023, đạo diễn kỳ vọng thông điệp giá trị về con người sẽ được lan tỏa. Lắng nghe những góp ý từ Bố Già, Trấn Thành đã học cách thay đổi để vừa lòng khán giả. Sự tiến bộ đó được thể hiện ở chỗ: phim có nhiều sắc thái điện ảnh hơn.

Một điểm cộng cho ê-kíp khi đã chủ động khám phá những cú máy lạ, tích cực thay đổi góc quay. Màu sắc phim cũng tươi sáng, mang không khí ấm áp của ngày Tết ùa về.

Nhiều thủ pháp điện ảnh cũng được anh vận dụng khéo léo hơn. Phương thức diễn giải và cắt cảnh cô đọng, đúng cách. Bà Nữ từ một người tính khí độc đoán, luôn làm chủ và gây “ngạt” khung hình - dần thay đổi theo mỗi hồi bộ phim. Để rồi, vẫn là bà Nữ, nhưng cô độc và lạc lõng dưới cách lột tả của ống kính máy ảnh. Đó là khi khán giả phải đắn đo: nhân vật này đáng thương, hay đáng trách?

Review Nha ba Nu anh 7

Lê Giang có màn trình diễn khá ấn tượng.

Đáng tiếc, Trấn Thành một lần nữa vẫn thích kể chuyện bằng thoại hơn là hình ảnh. Thói quen này, có lẽ đã theo anh kể từ Bố Già.

Biên kịch gia Mark Renshaw từng nói, thoại trong điện ảnh không đơn thuần để chắp cánh cho hành động. “Một bộ phim chỉ thú vị khi số câu hỏi mà hình ảnh đặt ra nhiều hơn số thoại dùng để giải mã”.

Tương tự Bố Già, Nhà bà Nữ đi ngược lại quy ước này. Rơi vào cái bẫy “ồn ào”, thoại phim quá nhiều, quá dài. Dường như bất cứ khoảnh khắc nào nhân vật xuất hiện, họ lại thoại. Vẫn là một kiểu chủ ý có phần cũ kỹ: mang thoại kết hợp soundtrack dẫn dắt, thậm chí “mồi chài” cảm xúc người xem.

Ngoài ra, yếu tố kịch hóa (dramatize) lại khiến phim mất điểm ở hồi ba. Như một thói quen, Trấn Thành “đam mê” việc đẩy xúc cảm cao trào thái quá, “lấy nước mắt đổi cảm thông của khán giả”. Chưa kể, điểm gỡ nút hồi hai không được “làm tới”, dẫn đến cao trào hồi ba hơi vội.

Thượng đế tại rạp dễ xúc động trước những rung cảm phim tạo ra về cuộc sống. Nhưng ở mặt khác, việc lạm dụng catharsis (giải phóng cảm xúc) cũng là biểu hiện bất lực của biên kịch trong việc chinh phục người xem bằng hành động.

Cắt lớp kịch bản, hồi cuối Nhà bà Nữ đâu đó vẫn mang hơi hướm “rượu cũ”, chẳng qua được thay “bình mới”. Biến cố có phần dễ đoán, từng được sử dụng trong không ít concept điện ảnh, đặc biệt là dòng phim chính kịch về tình yêu, gia đình.

Nhìn chung, Nhà bà Nữ không xuất sắc, nhưng vẫn là một thành quả của những nỗ lực nghiêm túc từ Trấn Thành và ê-kíp làm phim. Được lồng ghép nhiều mảng miếng giải trí, tác phẩm vẫn đem tới các thông điệp nhân văn giá trị, phù hợp không khí gia đình dịp đầu năm.

Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.

Bài liên quan

Tống Khang

Ảnh: ĐPCC