- Được biết tới với những bài thơ trữ tình, những tác phẩm với cảm hứng thế sự, mang đậm tình yêu tổ quốc. Vậy duyên gì khiến chị viết cho thiếu nhi?
- Lúc nhỏ nhà tôi ở miền quê xa xôi hẻo lánh. Trong nhà có rất ít đồ đạc, thứ quý nhất là kệ sách, trong đó có nhiều sách thiếu nhi. Cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài tôi đọc lại rất nhiều lần. Sách giúp tôi chu du nhiều nơi. Tôi mơ ước được ra Hà Nội, đến NXB Kim Đồng để xem vì sao có thể làm nhiều sách hay như thế.
Sau này lớn lên, đi xa, có lần mình đưa đoàn nhà thơ Mỹ tới làm việc tại NXB Kim Đồng. Ở đây, mọi người đề nghị tôi dịch sách cho thiếu nhi. Cuốn Hành trình tới Biển Sông (tác giả Eva Ibbotson) đánh dấu sự hợp tác đầu tiên.
Còn sáng tác cho thiếu nhi, thì xuất phát từ lý do cá nhân. Xuất phát từ cuộc sống gia đình tôi cùng các con, tôi đã viết những tác phẩm, trước tiên là cho con mình đọc.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Ảnh: Việt Hà |
- Cụ thể hơn, các sáng tác cho thiếu nhi được chị viết trong hoàn cảnh nào?
- Tôi sống xa quê hương nên luôn sợ con mình quên tiếng Việt. Hàng đêm tôi thường kể nhiều câu chuyện, các con rất thích những chuyện về làng quê Việt Nam. Chính những câu chuyện đó làm nền tảng để tôi viết cuốn Những ngôi sao trên bầu trời thành phố.
Còn cuốn Mun ơi chạy đi xuất phát từ câu chuyện của con gái tôi. Cháu rất yêu vật nuôi. Có lần cháu hỏi nếu mẹ không có hai con, mẹ có nuôi chó không? Tôi trả lời là không, mẹ sẽ nuôi một em bé mồ côi. Cháu thắc mắc tại sao mẹ lại nuôi con người chứ không phải con chó, bởi con chó luôn yêu thương con người vô điều kiện. Một lần con chó nhà bạn bị mất, cháu rất buồn. Để giải tỏa cho cháu, tôi đề nghị cháu cùng viết chung một câu chuyện. Và Mun ơi chạy đi ra đời.
- Được biết chị kết hợp các tác giả nước ngoài để thực hiện bộ truyện tranh. Chị có thể kể thêm về quá trình thực hiện bộ sách này?
- Trăng châu Phi là bộ sách tranh song ngữ Việt – Anh, về các nhân vật trung tâm là muông thú hoang dã trên nền thiên nhiên ban sơ, hùng vỹ. Từ đó, các câu chuyện nói với các em về lòng dũng cảm, trí thông minh, tình đoàn kết, tình yêu thiên nhiên…
Một lần có cô họa sĩ gửi cho tôi cuốn Tại sao hươu cao cổ? Tôi rất thích, muốn gợi mở các bạn nhỏ sự tò mò khám phá thiên nhiên qua trang sách. Từ đó, tôi đề nghị các tác giả là Janet Keegans và Harriet Matsaert hợp tác, phát triển bộ sách. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường trao đổi với nhau để đưa vào sách những thông điệp bảo vệ thiên nhiên.
Ba tác phẩm sáng tác và dịch cho thiếu nhi của Nguyễn Phan Quế Mai. Ảnh: Việt Hà. |
- Khi viết cho thiếu nhi, chị có thấy khác khi viết cho đối tượng độc giả lớn tuổi?
- Viết cho thiếu nhi mình thấy tâm hồn trẻ lại, trong trẻo trở lại. Viết cho người lớn thường đau đáu thân phận con người, lịch sử. Nên viết thiếu nhi mình hóa trẻ thơ.
- Thành công khi viết trữ tình, tự sự cho người lớn. Khi viết cho thiếu nhi chị có gặp khó khăn gì?
- Là người làm thơ nên ngôn ngữ của tôi trừu tượng. Những trang viết ban đầu của tôi cho thiếu nhi cũng trừu tượng. Vì thế, tôi thường đọc cho các con những gì mình mới viết ra. Nếu các con không hiểu thì tôi sẽ sửa lại.
Thời gian đầu như vậy. Về sau, nhân vật trong truyện thường đưa tôi đi khám phá những góc, những câu chuyện mà tôi muốn khám phá.
- Chị thường sử dụng phương pháp gì để viết cho thiếu nhi được hấp dẫn?
- Muốn viết cho thiếu nhi, tôi đọc nhiều hơn tác phẩm cho các em nhỏ. Khi viết, tôi hình dung mình là đứa trẻ. Tôi trò truyện, lắng nghe những đứa trẻ nhiều hơn. Những trang viết của tôi được sự giúp đỡ của chị Nguyễn Thúy Loan – biên tập viên, chuyên biên tập văn học thiếu nhi.
- Viết thơ, truyện ngắn, tản văn… Vì sao chị chọn viết đa dạng thể loại?
- Tôi sáng tác không vì mục đích kiếm sống, mà sáng tác như một nhu cầu được trau dồi tiếng Việt. Có một điều rất thiếu khi xa quê hương: tôi không được giao tiếp tiếng Việt. Khi viết, đó là cơ hội phát triển, cho tôi sống trong tiếng nói, nguồn cội của mình.
Tôi thường làm ba bốn dự án khác nhau. Khi nào có hứng với việc nào, mình chú tâm vào nó, khi bí, mình chuyển sang việc khác. Đó là lý do tôi viết nhiều thể loại
- Nhiều người thường cho rằng văn học cho thiếu nhi phải gửi gắm những bài học. Chị có sáng tác theo tư duy đó?
- Tôi thường gửi gắm những thông điệp, chứ không hẳn là bài học. Ví dụ Những ngôi sao trên bầu trời thành phố, tôi muốn cha mẹ đọc sách với con nhiều hơn. Mỗi truyện trong tập sách là bố mẹ đọc với con hằng đêm, viết cho những người xa quê hương để đọc cho các con yêu thích, muốn trở về nguồn cội. Những người ra đi mang kiến thức về gieo trồng trên mảnh đất quê hương.
- Sống ở nhiều quốc gia, chị có sợ bị mai một về tiếng Việt?
- Viết là cách trau dồi để không quên tiếng Việt. Mỗi lần về Việt Nam, tôi mang theo vali đầy sách đi. Việc đầu tiên tôi về là gặp các nhà văn, hỏi họ đang đọc sách gì, của tác giả nào, để mình cập nhật tình hình văn học trong nước. Tôi rất thích công việc: viết vào buổi sáng, đọc vào buổi chiều và buổi tối.
Năm nào tôi cũng về trò chuyện với độc giả để có sợi dây kết nối.
Ở Bỉ tôi làm việc bằng tiếng Anh, ông xã là người nước ngoài, tôi nói tiếng Đức, tiếng Anh, và đang học tiếng Pháp, nên chỉ nói tiếng Việt với con. Do đó tôi càng phải đọc và viết nhiều hơn để khỏi mai một.
Nguyễn Phan Quế Mai tặng chữ ký cho độc giả nhỏ. Ảnh: Việt Hà |
- Chị có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình?
- Tôi đang làm nghiên cứu bậc Tiến sĩ theo hình thức làm việc từ xa với Đại học Lancaster (Anh). Tôi có khóa dạy viết văn ở trường Quốc tế Bỉ (trường quốc tế dành cho học sinh đến từ nhiều nước, con của các nhà ngoại giao). Thông qua khóa dạy viết văn, tôi hướng học sinh viết về nguồn cội của các em.
- Chị sắp xếp thời gian thế nào cho công việc sáng tác?
- Thời gian trong ngày khá nhiều nếu mình thu xếp khoa học. Tôi có lịch làm việc chặt chẽ. Nếu ở nhà, điều đầu tiên khi tôi thức dậy là ngồi vào bàn viết. Khi nào viết đủ trong ngày thì mới đứng lên đi làm công việc khác. Tôi thích đọc và viết nên nó là nhu cầu tự thân. Nếu không viết thì tôi bức bối.
- Chị có dự định gì trong việc viết cho thiếu nhi?
-Tôi đang ấp ủ một cuốn sách cho thiếu nhi liên quan tới lịch sử. Sáu tuổi, tôi từ Bắc theo cha mẹ vào Bạc Liêu, nên rất nhớ hành trình đó. Những hố bom ven đường tàu, sự khác biệt Nam – Bắc rất lớn… Tôi chứng kiến sự đổi thay trong lòng đất nước giai đoạn đó. Tôi muốn viết về nhân vật sống trong giai đoạn lịch sử đó qua cặp mắt của một cô bé.
Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả của các tập thơ: Cởi gió (NXB Hội Nhà văn, 2010), Những ngôi sao hình quang gánh (thơ song ngữ Việt-Anh, dịch cùng Bruce Weigl, NXB Hội Nhà văn, 2012), Bí mật của Hoa Sen, (NXB BOA Editions, New York, 2014), Tổ quốc gọi tên mình (NXB Phụ nữ 2015). Ở thể loại văn xuôi, Nguyễn Phan Quế Mai có những sáng tác cho thiếu nhi như: Mun ơi, chạy đi, Những ngôi sao trên bầu trời thành phố, các tập du ký: Từ tuyết đến mặt trời, Hạt muối rong chơi... |