Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Nhật Ánh: 'Độc giả đội mưa đợi xin chữ ký, tôi rất xúc động'

Tác giả sách bán chạy số một Việt Nam cho rằng nhà văn cần nỗ lực hết mình cho chất lượng tác phẩm, giữ phong độ viết, không qua loa cẩu thả thì bạn đọc mới yêu mến, tôn trọng.

Hôm 9/12, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi ký tặng độc giả với cuốn Cảm ơn người lớn. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã dành cho Zing.vn một cuộc phỏng chia sẻ về tình cảm với độc giả, cách ông gửi gắm suy tư qua tác phẩm mới.

Sự nhiệt tình của bạn đọc làm ấm áp nghề viết

- Đây đã là mùa thứ 7 ông thực hiện ký tặng sách cho bạn đọc. Buổi ký tặng cuốn “Cảm ơn người lớn” hôm nay có để lại cảm xúc gì đặc biệt với ông?

- Đầu năm nay khi tôi đến Thủ đô ra mắt sách và ký tặng cho bạn đọc cuốn Cây chuối non đi giày xanh tại Phố sách Hà Nội, hôm đó trời rất lạnh. Lúc đó tôi đã thấy cảm động trước sự nhiệt tình của các bạn.

Giờ đây, tôi càng cảm động hơn nữa vì trời không chỉ rét như lần trước mà còn có mưa. Khi tới địa điểm ký tặng, tôi thấy không phải một dải đầu người như mọi khi, mà là một dải ô đội mưa đứng, tôi rất cảm động.

Nguyen Nhat Anh noi ve nhung ky luc phat hanh anh 1
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách bạn đọc hôm 9/12 tại Hà Nội.

Lúc ký sách, tôi có nghe 3 bạn chia sẻ là các em đi từ lúc 3h sáng từ Thanh Hóa lên đây xếp hàng, mà tới 11h mới đến lượt ký tặng. Một trong 3 bạn đó bị sốt từ hôm trước, gia đình ngăn cản nhưng bạn vẫn nhất quyết đi. Điều đó làm tôi rất cảm động.

Gặp những độc giả như vậy là một niềm động viên, sự khích lệ lớn lao đối với nghề viết. Bởi vậy, tôi rất quý những bạn đọc của mình.

- Trong khi nhiều nhà văn chọn tổ chức hội thảo để bàn sâu về giá trị, tác phẩm của mình, vì sao hết năm này qua năm khác, mỗi lần ra mắt sách ông đều chọn hình thức ký tặng độc giả?

- Tôi nghĩ hội thảo - tọa đàm và ký tặng là hai hình thức khác nhau và phục vụ cho hai mục đích khác nhau. Hội thảo là sự tham gia của những người trong nghề, giới đồng nghiệp, nhà văn, nhà phê bình; không có sự tham gia đông đảo của bạn đọc được vì mang tính chuyên môn. Nếu hội thảo thì sách phải ra đời trước đó và người tham dự phải đọc qua cuốn sách rồi mới có nội dung để bàn trong hội thảo.

Còn đây sách mới ra, nhiều độc giả chưa đọc được. Việc ký tặng phục vụ cho đông đảo bạn đọc có nhu cầu xin chữ ký của tác giả mà mình yêu mến. Hình thức này giúp các bạn có những kỷ niệm trên cuốn sách của mình.

Với buổi ký tặng như này, tôi hướng đến bạn đọc nhiều hơn. Ví dụ, như trường hợp bạn đọc ở Thanh Hóa kể trên, đối với mình một chữ ký trên cuốn sách nó không có gì ghê gớm nhưng đối với bạn đó lại rất ý nghĩa. Nhiều lần ký như vậy, tôi cảm thấy yêu quý bạn đọc hơn, qua đó có sự khích lệ đối với nghề của mình.

Người ta hay nói văn hóa đọc bây giờ suy giảm, nhưng qua những buổi ký tặng, tôi thấy các bạn vẫn yêu quý sách, đọc sách và có thể nói là hy sinh cho sách (vì bạn đọc đã đội mưa rồi bất chấp gió lạnh). Tôi nghĩ những cuộc tương tác như thế này làm ấm áp nghề viết.

- Ông luôn tạo ra những kỷ lục phát hành cho ngành xuất bản, và cũng chính là người tự phá vỡ kỷ lục của mình. Ông có bí quyết gì để thành nhà văn giữ kỷ lục về phát hành?

- Tôi nghĩ điều này xuất phát từ hai phía: người viết và đơn vị xuất bản. Người viết phải giữ gìn phong độ, không làm bạn đọc thất vọng, lúc nào bạn đọc cũng tin tưởng vào chất lượng tác phẩm của mình, bản thân nhà văn phải viết hết sức mình. Mình phải nỗ lực, giữ gìn chất lượng tác phẩm của mình.

Khi anh viết hết sức mình, anh không cẩu thả qua loa trong viết lách, đó là cách anh tôn trọng nghề của mình, cao hơn nữa là sự tôn trọng bạn đọc. Mình tôn trọng bạn đọc, mới mong bạn đọc yêu quý mình.

Tất nhiên mỗi cuốn sách có cách viết khác nhau. Bạn đọc có thể thích cuốn Ngày xưa có một chuyện tình, không thích cuốn Cây chuối non đi giầy xanh, dù cùng một tác giả. Có bạn thích kiểu không có cốt truyện rõ ràng như Cảm ơn người lớn, nhưng lại có bạn thích thắt nút, hồi hộp rồi làm mình rưng rưng như Mắt biếc.

Khi tôi chọn cách viết như cuốn Cảm ơn người lớn, tôi có thể gửi gắm được nhiều thông điệp cho bạn đọc, truyền tải được những trầm tư nghĩ ngợi trong cuộc sống. Cô gái đến từ hôm qua hay Mắt biếc thì không làm được việc đó, nhưng nó dễ tạo cảm xúc với độc giả hơn.

Tác phẩm văn học là món ăn tinh thần, đã là món ăn thì nó vẫn có những đặc điểm như món ăn vật chất. Có thể nó hợp khẩu vị người này nhưng không hợp người khác. Điều đó là bình thường. Dù bạn đọc thích chú Ánh viết kiểu này hay kiểu kia, nhưng với tổng thể một nhà văn, bạn đọc vẫn quý mến mình là được.

Nguyen Nhat Anh noi ve nhung ky luc phat hanh anh 2
Chương trình ký tặng sách Cảm ơn người lớn tại TP HCM cũng thu hút đông đảo bản đọc. Ảnh: NXB Trẻ

Nhưng để được số lượng phát hành lớn như vậy, ngoài tác giả, cần phải có năng lực tổ chức và phát hành của nhà xuất bản. Nhà xuất bản đã không ngừng thay đổi hình thức minh họa, chất lượng, bìa… để làm cho sản phẩm ngày càng tốt, năng lực phát hành ngày càng nâng cao để số lượng sách xuất bản ngày càng tăng.

Tôi nghĩ số lượng phát hành lớn cần phải có sự cộng hưởng giữa nhà văn với nhà xuất bản.

Nhà văn phải rung động với câu chữ mình viết

- Với tác phẩm mới nhất "Cảm ơn người lớn", tại sao ông quyết định nối dài câu chuyện với các nhân vật trong “Cho tôi xin một ve đi tuổi thơ”?

- Tôi viết tác phẩm này với các nhân vật Mùi, Tủn, Tí Sún là từ cảm hứng chứ không phải tôi cố tình viết tiếp cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Tự nhiên một lúc tôi có cảm giác mình có trải nghiệm cuộc sống nhiều, có những suy tư nghĩ ngợi về thời gian, cái chết, tiền bạc, tình yêu, hôn nhân, văn chương, sự ám ảnh tuổi thơ… Những suy nghĩ ấy trở thành đề tài trong cuốn Cảm ơn người lớn này.

Tôi muốn viết một cuốn sách dưới hình thức nào đó có thể chia sẻ những nghĩ ngợi của mình, tôi chọn cách viết qua nhân vật cô Mùi là thuận lợi nhất. Bởi trong cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, khi lớn lên cô Mùi thành nhà văn, để cho nhân vật nhà văn nói ra suy tư thì có gì đó nhuần nhuyễn hợp lý, giúp mình giãi bày được nhiều và gửi gắm được nhiều thông điệp cho bạn đọc.

Lý do tôi viết với các nhân vật trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là vậy, chứ không phải do cuốn đó mình viết cách đây 10 năm rồi giờ mình viết một cuốn kỷ niệm. Khi viết xong cuốn sách đưa nhà xuất bản, thì mới thấy hóa ra 10 năm trước mình ra cuốn đó, đây là sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên.

Nguyen Nhat Anh noi ve nhung ky luc phat hanh anh 3
Các phiên bản sách Cảm ơn người lớn. Ảnh: Hạ Huyền.

- Tên sách “Cảm ơn người lớn” được ông đặt trong quá trình viết hay đã viết xong tác phẩm, nó được gửi gắm thông điệp gì?

- Khi viết xong cuốn sách tôi mới chọn tên. Cuốn sách này có ít nhất ba chương viết về người lớn trong 19 chương, đó là Người lớn dễ thương, Người lớn kì dị, Người lớn hồn nhiên. Vì vậy, tôi thấy chủ đề cảm ơn người lớn phù hợp.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ có sự tách biệt ra thế giới trẻ con và thế giới người lớn. Ở cuốn đó, thông điệp gửi gắm là người lớn phải thông cảm phải bao dung hơn với trẻ con bởi lúc trẻ con mình cũng nghịch ngợm, cũng làm những chuyện “điên điên” như trẻ con vậy. Thì cuốn này tôi có bổ sung thêm ý: ngược lại trẻ con đôi lúc cũng phải thông cảm cho người lớn vì người lớn có những nỗi niềm, có những gánh nặng.

- Khi bắt tay viết tác phẩm mới, ông quan tâm vấn đề nào nhất, cảm xúc, sức khỏe, hay tâm lý bạn đọc?

- Quan trọng cảm xúc, nếu viết sách mà mình không hứng thú với nó thì không thể viết hay được. Trước khi làm cho người đọc thích những gì mình viết thì nhà văn phải rung động với những gì nhà văn viết mới được. Không chỉ viết văn mà làm báo cáo cơ quan hay một phóng sự cũng vậy thôi, mình phải hứng thú với những gì mình viết.

- Nhiều ý kiến cho rằng ông là người viết rất chuyên nghiệp, ra sách đều đặn, đúng hẹn, thế mà ông lại nói viết phải theo cảm xúc. Hai điều này có mâu thuẫn nhau không? Và làm thế nào để ông có thể nuôi dưỡng cảm xúc của mình?

- Cái này tôi không trả lời rành mạch được, bởi tôi viết một cách tự nhiên. Nhiều ngưởi hỏi sao tôi viết văn, đơn giản tôi chả biết làm gì ngoài viết văn cả.

Để viết một cách đều đặn thì phải nuôi dưỡng cảm xúc, chứ khi đã bão hòa, trơ lì cảm xúc thì không thể viết nổi. Bản thân tôi là người viết tôi sợ nhất là chai lì cảm xúc. Rất may đến giờ này tôi vẫn có thể rung động, hứng thú với việc viết lách. Còn nếu hỏi làm sao để nuôi dưỡng cảm xúc thì tôi không biết, cái đó tùy vào mỗi người.

Nguyen Nhat Anh noi ve nhung ky luc phat hanh anh 4
Bạn đọc Hà Nội xếp hàng dưới mưa rét chờ xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. 

- Quan sát thị trường xuất bản, nhiều năm qua chỉ mình ông giữ kỷ lục phát hành, ông có suy nghĩ gì về điều đó?

- Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Khi viết xong một cuốn, đưa tới nhà xuất bản thì tôi lại nghĩ cuốn tiếp theo thôi. Việc ký tặng cũng là một cách để được tiếp xúc bạn đọc, để tạo nên năng lượng tích cực cho mình, để mình yêu thêm nghề viết. Việc phân tích đánh giá thị trường, mặt bằng văn chương tôi không nghĩ đến vì sợ nghĩ ngợi nhiều sẽ không tập trung sáng tác được.

Thu Phố - Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm