Theo bản tin của Bộ Y tế, trong 7 ngày trở lại đây, số lượng ca mắc Covid-19 mới ghi nhận trong 24 giờ tại Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh. Nhiều ngày có số ca mắc cao nhất kể từ khi cả nước bước vào giai đoạn "bình thường mới".
Điều này khiến nhiều người lo lắng bởi trong bối cảnh Việt Nam đã có lượng vaccine về nhiều và nhiều tỉnh, thành phố đạt độ phủ vaccine cao, song số ca mắc chưa có chiều hướng giảm.
Sự chuyển đổi vùng dịch tễ
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, chia sẻ 4 nguyên nhân khiến số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày tại Việt Nam vẫn còn rất cao.
Nguyên nhân thứ nhất theo PGS Hùng là kết quả tất yếu khi mở cửa trong giai đoạn “bình thường mới”. Bởi hiện tại, việc di chuyển của người dân đã thoải mái, không còn biện pháp giãn cách xã hội như trước.
Cơ hội tiếp xúc giữa người này với người kia, vùng này với vùng kia, thành phố này với thành phố khác gần như bình thường. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo số ca nhiễm mới tăng tương ứng.
Thứ 2 là việc khó đảm bảo quy định phòng hộ cá nhân. Theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, khi việc đi lại thuận tiện, các dịch vụ kinh doanh, ăn uống phục vụ tại chỗ, sẽ có những thời điểm người dân khó tuân thủ 5K. Chẳng hạn, họ tháo khẩu trang để ăn uống, nói chuyện, tụ tập bạn bè, họp mặt…
Người dân TP.HCM ngồi uống cà phê vỉa hè ngày cuối tuần. Ảnh: Phương Lâm. |
Nguyên nhân thứ 3 là sự lây nhiễm rất nhanh của biến chủng Delta. “Đây là điều quá rõ ràng, khi 5K không đảm bảo, số ca nhiễm sẽ tăng rất nhanh do sự lây lan nhanh của Delta”, ông nói.
Bên cạnh đó, lý do khác theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng là người dân chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Chuyên gia này cho biết hiện nay, cả nước vẫn còn 20-30 triệu mũi vaccine cho người lớn cần được tiêm, đây cũng là số lượng rất lớn.
“Một số người có nguy cơ cao nhưng khó tiếp cận tiêm chủng như quá cao tuổi, thể trạng quá yếu, không thể di chuyển, trong khi chính họ là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất. Do đó, cần sự nỗ lực rất lớn của y tế cơ sở y tế và ý thức từ gia đình để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm nguy cơ cao này”, chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, PGS Hùng cũng nhìn nhận mỗi loại vaccine có hiệu quả bảo vệ nhất định, không miễn dịch 100% với tất cả người tiêm vaccine.
Số F0 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM có chiều hướng tăng trở lại từ đầu tháng 12. Ảnh: Duy Hiệu. |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc hiện tại của cả nước vẫn cao ngang bằng giai đoạn tháng 8, tháng 9 là sự mở rộng dân số nguy cơ cao.
Phân tích rõ hơn điều này, PGS Dũng cho rằng thời gian vài tháng trước, vùng dịch tễ Covid-19 chủ yếu bùng phát ở TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh lân cận, mức độ lan rộng chưa nhiều.
Còn tình hình hiện tại, sự mở rộng dân số nguy cơ cao, tỷ lệ nhiễm cao hơn. Vùng dịch tễ cũng đã lây lan qua hầu hết địa phương khác, đặc biệt là Tây Nam bộ.
"Ví dụ, trước đây, tỷ lệ ca nhiễm trên một vạn dân tập trung ở TP.HCM. Còn hiện nay, tỷ lệ này thấp hơn so với từng địa phương nhưng vì sự mở rộng dân số nguy cơ nên số lượng F0 ghi nhận vẫn cao. Tôi cho rằng điều này cũng rất đáng lo ngại và cần cảnh giác, có biện pháp quyết liệt hơn để giảm số ca nhiễm", PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ với Zing.
Cần có giải pháp ngăn chặn sự lây nhiễm
Nhiều người đặt vấn đề vì sao các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm phủ vaccine đủ 2 mũi cao nhưng số ca mắc vẫn chưa giảm, liệu các địa phương đã đạt miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ phủ vaccine cao hay chưa?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng hiện tại, nơi có độ phủ vaccine cao như ở TP.HCM vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.
Nguyên nhân là miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi tỷ lệ tiêm chủng cao và thực hiện tốt 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tập trung - Khai báo y tế).
Các địa phương cần giảm tối đa sự lây lan của dịch Covid-19 thông qua tiêm chủng đầy đủ và thực hiện 5K nghiêm túc
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
PGS.TS Đỗ Văn Dũng lý giải với biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh, một người thể lây cho 8 người. Muốn đạt miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine, ít nhất 7/8 người này phải được tiêm đủ liều vaccine.
Tuy nhiên, điều này rất khó bởi hiện nay, trẻ em dưới 12 tuổi và một số trường hợp có bệnh nền, chống chỉ định với vaccine vẫn chưa được tiêm chủng.
Như vậy, hiện nay, chúng ta khó đạt được miễn dịch cộng đồng nếu chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ vaccine đơn thuần.
Thay vào đó, miễn dịch cộng đồng sẽ được hình thành nếu trong số 8 người có nguy cơ lây nhiễm thì 6 người đã tiêm vaccine, những người còn lại tuân thủ 5K. Lúc này, tỷ lệ lây nhiễm mới giảm đáng kể.
"Nói tóm lại thì miễn dịch cộng đồng đạt được khi việc lây truyền không bền vững, tức một người có khả năng lây nhiễm cho ít hơn một người. Muốn đạt miễn dịch cộng đồng bền vững, tức giảm lây nhiễm tối đa, thì phải dùng biện pháp vaccine kết hợp 5K", chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: HMC. |
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng các địa phương không nên "thả lỏng" số ca nhiễm và chỉ tập trung kiểm soát số ca bệnh nặng, ca tử vong.
"Các địa phương nên có giải pháp giảm tối thiểu sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Nếu số ca mắc tăng lên thì phải cách ly nhiều hơn, dù số ca bệnh nặng được kiểm soát nhưng việc sinh hoạt, sản xuất cũng sẽ bị gián đoạn. Ngoài ra, SARS-CoV-2 lây lan nhiều hơn thì nguy cơ xuất hiện biến chủng mới cũng tiềm ẩn nhiều hơn", ông nói.
Từ quan điểm này, PGS Dũng cho rằng các địa phương cần giảm tối đa sự lây lan của dịch Covid-19 thông qua tiêm chủng đầy đủ và thực hiện 5K nghiêm túc.
"Khác với miễn dịch cộng đồng ở các bệnh truyền nhiễm khác, nếu tiêm đủ vaccinr thì có thể tự do làm mọi thứ, còn với Covid-19, chúng ta vẫn phải tiếp tục rất cảnh giác dù tiêm đủ vaccine", ông nói thêm.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng cho rằng một số địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng quá nhanh nên có biện pháp kiềm chế tốc độ lây nhiễm.
"Có lẽ cần phải xem xét lại, hạn chế cơ hội giao tiếp, lây nhiễm ở một số khu vực, không thể thả nổi mãi được. Bên cạnh đó, số ca tăng nhanh có thể gây áp lực cho hệ thống y tế. Do đó, nếu khó khăn, các địa phương nên kêu gọi sự tăng cường từ Trung ương", PGS Hùng nói.
Chuyên gia này dự báo trong thời gian tới, nhất là dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch, số ca F0 có thể tiếp tục tăng. Do đó, ông cho rằng địa phương nào có hệ thống y tế quá tải phải tính toán biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Thậm chí, cần có biện pháp siết chặt các loại hình dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao, như dịch vụ ăn uống tại chỗ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.