Sau khi khỏi Covid-19 khoảng hơn 2 tháng nay, tôi vẫn ho râm ran nhất là vào đêm muộn, dù đã uống nhiều loại thuốc Đông - Tây y. Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân nào gây ho hậu Covid-19 và tôi cần làm gì?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên bộ môn Tai - Mũi - Họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trong thời gian tư vấn cho các bệnh nhân, chúng tôi ghi nhận ho là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 rất phổ biến. Thường gặp nhất là ho xuất tiết đàm nhớt dai dẳng.
Triệu chứng này gặp ở bất cứ độ tuổi nào, từ người lớn có bệnh nền, có bệnh đường hô hấp (lao phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD, thuốc lá) đến những bệnh nhân trẻ tuổi.
Ho sau nhiễm SARS-CoV-2 là do niêm mạc các cơ quan phản xạ ho trên đường hô hấp như họng, thanh quản, khí quản, phế quản... bị kích thích từ lúc nhiễm virus rồi kéo dài sau khỏi bệnh.
Ngoài ra, ho còn do viêm phế quản, viêm phổi, xơ phổi trong thời gian mắc Covid-19 ở những bệnh nhân nặng. Điều này khiến phổi của bệnh nhân sau này không hoạt động bình thường, dễ kích thích, thiếu độ giãn nở.
Tình trạng này kích thích viêm, di chứng hậu Covid-19 cộng với môi trường và nhiệt độ bên ngoài sẽ ảnh hưởng cơn ho và mức độ ho.
Về phòng ngừa và xử lý di chứng ho sau khỏi Covid-19, trước tiên, chúng ta cần phát hiện sớm nếu mắc Covid-19 và điều trị đúng mức ngay từ ngày nhiễm đầu.
Biện pháp là tập thở tại nhà, uống nước ấm để tránh được di chứng ho kéo dài, xơ phổi, khó thở.
Khi đã có biểu hiện ho từ lúc nhiễm bệnh đến sau khi đã khỏi, ngoài tập thở, chúng ta cần theo dõi sức khỏe, nên ăn uống các món ấm nóng, hạn chế đồ lạnh. Nếu tình trạng ho không cải thiện, người mắc đến các các cơ sở y tế thăm khám, điều trị.