Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân gây ho kéo dài ở trẻ

Cảm lạnh, hen suyễn, dị ứng, viêm phổi có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng ho dai dẳng ở trẻ em.

Ho là phản xạ quan trọng để làm thông thoáng đường hô hấp trên và đẩy dị vật ra ngoài. Ho cũng có thể là triệu chứng của chức năng phổi bị tổn thương (ví dụ thở khò khè) hoặc phản ánh các tình trạng hiếm gặp như dị dạng giải phẫu.

Tất cả trẻ thỉnh thoảng sẽ bị ho nhưng tình trạng ho tái phát, khó thở kèm theo chất nhầy, mủ hoặc máu cần được đánh giá kỹ lưỡng và kịp thời. Tiếng ho có nhầy sẽ phát ra âm thanh khác với tiếng ho khan hoặc ngứa. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn ho ở trẻ nhỏ.

Cảm lạnh thông thường

Theo tạp chí Parents, các bác sĩ nhi cho biết nguyên nhân phổ biến nhất gây ho ở trẻ em là nhiễm trùng đường hô hấp trên do một trong hơn 100 loại virus cảm lạnh gây ra. Trong đó, cảm lạnh, cúm và viêm thanh quản phổi đều có thể khiến trẻ bị ho kéo dài.

Cảm lạnh có xu hướng gây ra ho khan từ nhẹ đến trung bình; cảm cúm đôi khi nghiêm trọng, gây ho khan; và viêm thanh quản phổi có tiếng ho như "sủa" chủ yếu vào ban đêm kèm theo tiếng thở ồn ào.

Nguyen nhan gay ho o tre nho anh 1

Cảm lạnh là nguyên nhân thường gặp gây ho ở trẻ nhỏ. Ảnh: Coldhealthcare.

Đặc biệt, tiến sĩ William Berger, Giáo sư lâm sàng tại khoa nhi tại Đại học California (Mỹ), cho biết trẻ em thường bị khoảng 8-10 lần cảm lạnh mỗi năm và hầu hết kéo dài từ 5 đến 7 ngày.

Theo tiến sĩ Berger, con bạn có thể bị sốt nhẹ do virus và bị ho. Cảm lạnh gây tắc nghẽn, chất nhầy chảy xuống cổ họng, một số trẻ thay vì ho ra chất nhầy lại nuốt vào. Tất cả chất nhầy đó cũng có thể làm đau dạ dày của trẻ hoặc kích hoạt phản xạ nôn, khiến trẻ nôn trớ. Cơn ho có thể kéo dài hơn nhiều so với sổ mũi sau cảm lạnh thông thường.

Viêm xoang

Nếu tình trạng ho mạn tính ở trẻ em kéo dài hơn 10 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm, nước mũi của trẻ đặc và có màu vàng xanh, có thể trẻ đã bị viêm xoang. Đây là tình trạng viêm niêm mạc mũi và xoang. Nó tạo ra các túi khí dọc theo lông mày, gò má và mũi, khi tắc nghẽn hình thành, các xoang trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn.

Ngoài ho kéo dài, viêm xoang có thể gây chảy nước mũi sau, hơi thở có mùi, bọng mắt và quầng thâm quanh mắt. Trẻ lớn hơn cũng có thể cảm thấy đau đầu. Ngay cả nhiễm trùng xoang cấp độ nhẹ cũng có thể gây ra tình trạng ho dai dẳng khó dứt ở trẻ em.

Dị ứng

Theo Hindustan Times, dị ứng có thể là thủ phạm nếu cơn ho kèm theo chảy nước mũi và ngứa mắt hoặc nếu nó xảy ra vào cùng một thời điểm hàng năm. Chúng chỉ đơn giản là phản ứng thái quá của cơ thể đối với một chất (chất gây dị ứng) thường vô hại đối với mọi người.

Viêm mũi dị ứng có thể theo mùa (do phấn hoa từ cây cối, cỏ dại và nấm mốc ngoài trời) hoặc lâu năm (do các dị nguyên trong nhà quanh năm như vật nuôi, mạt bụi, nấm mốc trong nhà). Chất gây dị ứng kích hoạt giải phóng histamine và các chất sinh hóa khác, gây viêm và tắc nghẽn, chảy nước mũi kéo dài và ho dai dẳng ở trẻ em.

Bệnh hen suyễn

Đây là tình trạng hô hấp ảnh hưởng các đường dẫn khí nhỏ trong phổi và là nguyên nhân phổ biến gây ho kéo dài ở trẻ em. Các triệu chứng có thể xảy ra do nhiễm trùng đường hô hấp trên, chất gây dị ứng hít phải, chất kích thích như khói thuốc thụ động, không khí lạnh và khô, tập thể dục, thậm chí là cơn giận dữ.

Con bạn có thể thở khò khè hoặc khó thở, cảm giác tức ngực hoặc ho. Tuy nhiên, không phải trẻ bị hen suyễn nào cũng thở khò khè. Nhiều trẻ chỉ bị ho kéo dài, tình trạng này được gọi là hen suyễn dạng ho.

Nguyen nhan gay ho o tre nho anh 2

Trẻ bị hen suyễn có thể thở khò khè hoặc khó thở, cảm giác tức ngực hoặc ho. Ảnh: Newmedical.

Bệnh ho gà

Ho gà là bệnh do vi khuẩn rất dễ lây lan qua đường hô hấp và phổi. Căn bệnh này bắt đầu với các triệu chứng giống cảm lạnh (sốt nhẹ, chảy nước mũi và hắt hơi), sau đó là những cơn ho ngắn không kiểm soát được, đôi khi kết thúc bằng tiếng rít không thể nhầm lẫn được.

Bệnh ho gà dễ lây nhưng có thể phòng ngừa bằng vaccine và được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Khi axit từ dạ dày trào ngược vào cổ họng của trẻ do cơ thực quản hoặc dạ dày yếu, hậu quả có thể là GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản). Dịch dạ dày trào ngược hoặc axit có thể kích hoạt phản xạ ho. Bác sĩ có thể xem xét nguyên nhân này nếu đã loại bỏ được các lý do gây ho phổ biến hơn. Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trẻ sơ sinh không thể nói khi chúng bị ợ chua, nhưng GERD có thể khiến trẻ bị ọc sữa hoặc biểu hiện bằng hành động quấy khóc trong khi bú. Trẻ lớn hơn có thể thở khò khè và ho, đặc biệt là vào ban đêm khi chúng nằm xuống, hoặc kêu đau ở ngực hoặc cổ họng.

Dấu hiệu đau bụng ở trẻ cảnh báo bệnh nguy hiểm

Nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ. Một số trường hợp đây là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm, cần được can thiệp khẩn cấp.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm