Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Khải hào hứng viết để chinh phục bạn đọc

Với Nguyễn Khải, viết văn là một cách chinh phục mọi người, buộc họ phải thấy mình đúng, thấy mình có lý và tin theo những điều mình muốn họ cũng tin.

Ở mỗi chúng ta, sự phân cách giữa mình và người chỉ là tương đối: Mỗi cuộc đối thoại thật ra là một dịp để ta tự thuyết phục. Khi viết cho mình cũng là ta đang viết cho người. V. Hugo từng nói đại ý: Khờ khạo thay nếu anh tưởng rằng tôi viết cho tôi mà không phải viết cho anh.

Có điều nếu tìm vào cái hích ban đầu, cái phía nặng đồng cân hơn giữa hai yếu tố chủ quan và khách quan thì phải công nhận ở phần đông nhà văn, nhu cầu tự biểu hiện là nhân tố chủ yếu. Viết để tự lý giải cho mình những thắc mắc, tự giải thoát khỏi những dằn vặt. Từ mình rồi mới đi đến với người.

Trong khi đó, với Nguyễn Khải, mọi chuyện có khác một chút: Thế hệ các ông lớn lên trong hoàn cảnh cả xã hội cuốn vào một cuộc rung chuyển lớn lao mà chỉ có thể tóm tắt bằng hai chữ Cách mạng.

Dù quan trọng đến đâu, những số phận cá nhân cũng không có quyền được xem như vấn đề hàng đầu của đời sống. Thay vào đó, cái đích của mọi sự suy nghĩ là sự vận động của cả xã hội, là cách tác động để đẩy tới sự vận động đó.

Con người mà xã hội cần nhất lúc này là những con người có lòng tin mạnh mẽ: “Với anh mọi sự ở đời chả có gì là bí mật khó hiểu, nếu được phân tích một cách khoa học thì có thể thay đổi được cả thế giới”.

Và biết cách lên tiếng trước mọi người, biết quyến rũ và thuyết phục rồi lôi cuốn họ cùng hành động - ít ra thì cũng được như một nhân vật của Đường trong mây:

“Mọi ý kiến của anh đều rõ ràng và sáng sủa và dứt khoát. Ngay những cách nói bông lơn của Súy cũng ý nhị và thông minh; sự cáu giận của anh vừa độ lượng vừa đúng lúc, cả cái ương bướng của anh để bảo vệ một ý kiến nào đó cũng dễ được mọi người đồng tình một cách vui vẻ”.

Khi những nhân vật cán bộ này cầm lấy bút sáng tác, mọi chuyện sớm được định hướng một cách rõ ràng: Viết văn là một cách chinh phục mọi người, buộc họ phải thấy mình đúng, thấy mình có lý và tin theo những điều mình muốn họ cũng tin như mình.

Những quan niệm nói trên cố nhiên không phải chỉ riêng thấy ở Nguyễn Khải. Do yêu cầu của hoàn cảnh, nhiều người cầm bút nửa cuối thế kỷ XX này cũng đã tập sống như vậy và trước lạ sau quen, dần dần cũng biến những ý tưởng ấy thành những tín điều tự nguyện. Có điều chỉ với Nguyễn Khải nó mới trở nên mềm mại uyển chuyển, bởi nó như được rút ra từ chính cuộc sống của ông, nó là cái bản tính tự nhiên mà ông vốn có.

Vào những năm còn trẻ ông không thích ai gọi mình là nhà văn, chẳng những thế còn muốn như là lẫn đi giữa mọi người, và khiến cho chung quanh có cảm tưởng rằng “họ có thể sống chung với tôi hàng năm mà không tìm thấy một cái gì quá khác biệt giữa tôi với họ” (Con đường dẫn tôi tới nghề văn).

Có một loại nghệ sĩ mà ông rất ghét ấy là những kẻ bản năng, tự phát, luôn luôn khoe rằng mình ngu ngơ ngây dại chẳng qua ngứa cổ hát chơi. Với ông, trong điều kiện của xã hội hiện đại, khi mà những cuộc đấu tranh tư tưởng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, thì loại nghệ sĩ như vậy không có chỗ đứng.

Ngay cả khi cái phần gọi là riêng tư lặt vặt ấy được một nhà văn như Nam Cao viết ra hồi trước Cách mạng và được nhiều người coi là cả một phát hiện nghệ thuật thì đối với Nguyễn Khải nó cũng không vì thế mà được ông quan tâm.

Một mặt rất kính trọng cái sự hết lòng vì nghề nghiệp trong Nam Cao, mặt khác, trong một ít lần nói chuyện riêng với tôi, Nguyễn Khải vẫn tỏ ý không thích Sống mòn, và các truyện có cùng một giọng điệu, bởi theo ông, các tác phẩm ấy đi vào những mặt quá tủn mủn trong con người (!)

Lao động viết văn ở Nguyễn Khải như vậy là một chuỗi công việc cực nhọc. Có một câu nói trong Kinh Thánh ông thường thích nhắc lại đại ý nói mi là muối mà mi không mặn thì làm sao muối được những thứ khác: Đối với ông đã bắt tay cầm bút mà viết không hay thì còn ra cái thể thống gì nữa? Đọc những tác phẩm có tư tưởng khác mình ông chỉ đau đớn vì chưa biết làm sao để viết hay như họ. Một điều ao ước thường trực trong lòng ông: Làm sao để trở nên một ngòi bút lợi hại?

Đọc sách để mở rộng thêm hiểu biết về nghề, đó là công việc ông ít khi nói to lên nhưng lại âm thầm theo đuổi.

Trước khi bắt tay viết, đúng hơn đồng thời với việc viết, ông để khá nhiều tâm huyết vào những cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp và cả những người bình thường. Để làm gì? Để hiểu thêm về họ và nhất là có cơ sở để tác động tới họ.

Điều kiện quan trọng nhất để thành công trong nghề nghiệp là bắt trúng được cái tinh thần của cuộc sống chung quanh. Bởi theo ông khi đã nắm được cái tinh thần ấy rồi thì dù viết về cái gì, về đề tài nào ông cũng tha hồ lui tới bay lượn, thậm chí như ông nói, đôi khi cả cái việc giỡn mặt độc giả một chút cũng có cái thú vị kỳ lạ.

Hãy tưởng tượng không khí của thành phố Sài Gòn thời gian sau 30/4/1975. Trước khi bắt tay viết những Gặp gỡ cuối năm, Cách mạng... Nguyễn Khải đã sống những ngày thật sự náo nức: Nào được đối mặt với những người thân trong gia đình, nào được sống giữa một thực tế vừa xa lạ vừa gần gũi, nào thử đo tính cơ may chống chọi của những người từ rừng về trước sự cám dỗ của thành phố, nào đưa ra cách lý giải khác nhau đối với quá khứ và những cuộc tính toán cho tương lai.

Trong hệ thống buôn bán cũ ở Sài Gòn bao giờ các cửa hàng lớn cũng có một người đi lấy giá chợ để điều chỉnh giá cả bán ra hàng ngày cho hợp với mặt bằng chung. Nơi người ta gặp gỡ để biết giá chung đó là chợ Hàm Nghi.

Và một trong những người bạn lâu năm của Nguyễn Khải, một người hiểu Nguyễn Khải đến tận chân tơ kẽ tóc là Xuân Sách, đã có lần nói đùa về sự thèm khát muốn nắm bắt cái tinh thần của đời sống chung quanh thường trực ở Nguyễn Khải:

- Chắc là dân hàng ngày đi lấy giá ở chợ Hàm Nghi cũng chỉ háo hức đến như vậy.

Trước đó vào những năm 57-60, mảnh đất Điện Biên mới ra khỏi chiến tranh còn hoang vắng sở dĩ sinh động hẳn lên trong một bức tranh nhiều màu sắc (Mùa lạc), hay vùng Công giáo Nghĩa Hưng Nam Định có thể hiện ra với những cuộc tranh chấp quyết liệt (Xung đột) thì cũng là vì Nguyễn Khải không dừng lại ở cái khung cảnh riêng từng vùng mà biết đặt nó trên một toàn cảnh rộng lớn. Sau cái lần ngồi lì để làm cuốn Chiến sĩ, Nguyễn Khải hé ra với tôi một chút gọi là những đặc điểm riêng trong cách viết mà cũng là quan niệm viết của ông:

- Nói chung trong mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc, cái đáng lo nhất chỉ là xem xem mình có hiểu bạn đọc, cách nghĩ của mình có ăn khớp với cách nghĩ của họ hay không. Nếu có sự ăn khớp ấy tức ta còn viết được.

Ông không biết chứ những lần đi công tác tôi nghe kể thì ít mà nói thì rất nhiều. Làm sao mà mình lại có thể bắt một người chiến sĩ tự trình bày một cách sáng rõ những ý nghĩ của họ lúc này lúc nọ? Phải lấy mình mà suy ra chứ.

Nói nhiều là một cách để tôi dò xem điều mình nói ra có được mọi người chấp nhận hay không. Nếu như mặc dầu anh mới gặp họ lần đầu mà đã có thể đùa bỡn được, bông phèng được như thế tức là hai bên có sự thông cảm với nhau rồi. Bấy giờ chỉ có việc giở sổ ra mà ghi chi tiết, cái này thì khó gì, ghi một lúc là xong, và về cứ thế mà viết thôi. Lý do làm cho tôi viết nhanh được cũng là ở đấy.

Có thể nói với Nguyễn Khải cái nhu cầu có được cảm giác chính xác về thực tế là yêu cầu số một của sáng tác, nó làm cho ông có thể tự tin ở ý nghĩa của công việc, do đó làm cho con người ông trở nên mau mắn sinh động hẳn lên.

Sau khi đã có cái hích ban đầu này thì bộ máy sáng tạo ở ông bắt đầu hoạt động với tốc độ mà nhiều người ở ngoài nhìn thấy chóng mặt:

“Anh khao khát được đương đầu với những bí mật, được tìm tới những khám phá và khi đã thông thạo rồi lại được đứng trước những bí mật mới. Từ bao nhiêu chuyện chiến đấu Cảo được nghe, anh liền nhào nặn lại, tô vẽ lại để có bố cục chặt chẽ hơn, tình huống hiểm nghèo hơn, thắng lợi rực rỡ hơn”.

Đoạn văn trên chỉ có liên quan một nhân vật phụ trong tiểu thuyết Đường trong mây, nhưng lại có vẻ giống như một đoạn tự mô tả của Nguyễn Khải trong công việc. Khi biết rằng mình có thể đóng góp, cống hiến, vừa làm tròn nghĩa vụ công dân vừa có danh hơn người, nổi trội hơn người, được kính trọng hơn người, thì cũng là lúc ông tìm thấy niềm say mê để dồn tụ mọi sức lực cho sự sáng tạo.

Thậm chí cả đến những thói quen của Nguyễn Khải cũng được thay đổi, được từ bỏ hay được hình thành, cho phù hợp yêu cầu của nghề nghiệp.

Những ai có phen tạm gọi là thân mật với Nguyễn Khải hẳn đều biết một quy tắc ứng xử của nhà văn này: Bạn bè là để trò chuyện, trao đổi suy nghĩ nhận xét. Và nếu được nói thẳng thắn mà không sợ mang tiếng là thực dụng, thì đấy là chỗ giúp ta có thêm thông tin để hiểu thêm về cuộc đời, cũng như để khi chưa viết được thì ta đến tán chuyện; với những người lịch lãm những cuộc chuyện trò này không bao giờ vô bổ hoàn toàn mà trong khi đối thoại, đầu óc ta tự nhiên sắc bén, rất nhiều ý tưởng chợt lóe lên một cách ngẫu nhiên, và quay trở về ta chợt thấy mình giàu có hẳn lên.

Chứ cái lối tìm ở bạn bè một người đồng cảm, để rồi nếu như trong đời riêng có gì day dứt đau khổ thì an ủi động viên nhau, cái kiểu cư xử đó cũ lắm rồi, thời buổi này còn có mấy ai tự nhận là theo được (!). (Hẳn mọi người đều biết là tôi không mang chuyện gia đình tôi ra than thở với các anh, khi có gì đau đớn thì tôi chịu lấy một mình chứ không hề hé răng kêu rên để tìm ở các anh một lời an ủi. Vậy thì xin các anh cũng đừng chờ đợi ở tôi những sự cảm thông chia sẻ và nếu như có vì thế mà mang tiếng là nhẫn tâm ích kỷ thì tôi cũng xin chịu. Còn bao nhiêu việc lớn lao hơn chờ đợi, tôi tự thấy là tôi không bao giờ xao nhãng, chẳng nhẽ như thế chưa đủ hay sao?).

Ngoài sáng tác, có thể nói thẳng rằng ông không muốn chịu trách nhiêm về bất cứ vấn đề gì và càng không muốn chịu trách nhiệm về ai cả. Tự lượng sức mình chăng? Không muốn mất thì giờ vào những công việc mình không thành thạo? Hay là ích kỷ ngại khó và trong chừng mực nào đó kiêu ngạo đặt mình cao hơn mọi người? Từng ấy động cơ có cả và nó là điều nhiều phen Nguyễn Khải đã công khai thừa nhận.

Song cũng chớ nên quên rằng trong đời sống hàng ngày, đấy lại là một người có cái vẻ xởi lởi lạ lùng, vui vẻ trò chuyện với bất cứ ai ngẫu nhiên gặp, hậm chí nói như nhà thơ Xuân Quỳnh lúc còn sống, đi với ai cũng như là thân mật từ lâu và sẵn sàng sẻ cửa sẻ nhà giúp đỡ họ. Vậy chẳng phải là mâu thuẫn sao?

Thưa không: Nói chuyện với ai xong, về nhà là Nguyễn Khải quên ngay, hoặc như có nhớ tới những chuyện đó thì ông cũng chỉ coi nó như tài liệu sáng tác, thế thôi. Người khác trông vào khó chịu, ông biết, nhưng tự trong thâm tâm ông thấy thoải mái và có vẻ hài lòng vì đã tìm ra cách sống thích hợp.

Cái lối vui đâu chầu đấy, ở bầu thì tròn ở ống thì dài này được Nguyễn Khải vận dụng một cách thành thục trong đời sống hàng ngày bởi nó liên quan tới một triết lý sống của ông và cũng là cái trục tính cách của nhiều nhân vật mà ông đã bỏ công miêu tả: Sự thích ứng. Thành thử cũng là điều dễ hiểu khi nó được mang vào cả trong sự viết lách.

Cùng sống với nhau trong nghề, những người cầm bút có thói quen là để ý đến nhau, nghe ngóng bước đi và cách làm việc của nhau và thường thích thú được nghe người này đánh giá về người khác.

Với những nhà văn nhà thơ nổi tiếng, những đòi hỏi ấy càng gắt gao hơn: Người ta muốn anh tham gia suy nghĩ và đánh giá trước mọi tình hình, cùng chịu trách nhiệm về mọi sự kiện đang diễn ra chung quanh và nếu như anh có được cả cái phẩm chất tiên tri thì lại càng tuyệt vời. Nhưng làm sao mà buộc Nguyễn Khải cũng giống mọi người cho được?

Trung thành với thói quen vốn có, Nguyễn Khải thường chỉ nói điều gì mà ông đoán là người ta chờ đợi ở mình: Với một cây bút đang được dư luận khen ngợi thì ông cũng thêm vào vài lời khen, rồi nay mai ông cũng sẵn sàng chê nếu biết rằng chung quanh không còn kỳ vọng ở con người mà hôm qua họ phát hiện.

Cũng đã lắm phen, Nguyễn Khải lĩnh đủ về sự tùy tiện gặp đâu hay đấy: Người ta coi ông tiền hậu bất nhất. Nhưng điều đó với ông chả có ý nghĩa gì cả. Cái chính là ông không có bụng định làm hại ai thế là được rồi. Còn như xong việc là thôi, chứ hơi đâu mà luẩn quẩn mãi với những chuyện lặt vặt hàng ngày.

Nói chung, ân hận xót xa tiếc nuối là những ý niệm không có ở Nguyễn Khải, ít nhất là khi ông đang còn trẻ. Ngược lại có thể nói ông sống đơn giản nhẹ nhõm. Nếu cần nêu một tinh thần chủ yếu có sức ám ảnh với ông, thì đó là sự sùng bái hiệu quả, bởi có một điều không bao giờ ông nghi ngờ, ấy là nếu ông viết tốt với nghĩa cụ thể là ông được nhiều người đọc, và một khi đã cầm đến sách của ông người ta không thể dửng dưng, thì bao nhiêu thói xấu hàng ngày của ông, bao nhiêu cái sự gọi là ích kỷ vô trách nhiệm, hoặc chả coi ai ra gì... ở ông đều được tha bổng.

Ông thường khuyên tôi, không được tham bát mà bỏ cả mâm là với nghĩa ấy.

Vương Trí Nhàn / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY