Hồi ấy, tỉnh Tuyên Quang bỗng có một tên dân thổ là Nùng Văn Vân nổi loạn, cướp phá tỉnh thành. Vua Minh Mệnh lại phải dùng ông làm chức tham tán, hiệp đồng với ông Lê Văn Đức đem quân đi đánh, chỉ trong mấy tháng, phá tan được đảng giặc.
Hình ảnh từ vở chèo lịch sử Nguyễn Công Trứ của Nhà hát chèo Hà Nội. Vở diễn không chỉ phản ánh công trạng dẹp loạn, đánh giặc, xây đê lấn biển, lập ấp góp phần mở mang bờ cõi mà còn khắc họa rất tâm hồn thi ca của Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Tạp chí Giáo dục Việt Nam. |
Sự thắng lợi trong việc đánh giặc Nùng Văn Vân này, thực đã nhờ một chiến pháp rất táo bạo của ông. Nếu không phải là người có tâm địa thành thực, cảm phục được bọn cường bạo, khiến chúng phải vui lòng hy sinh, có khi lại trở thành một sự rất nguy hiểm. Nguyên Nùng Văn Vân là một tay thổ hào rất kiệt hiệt, những nơi chiếm giữ làm căn cứ để chống cự quan quân đều là những nơi hiểm yếu và có đặt sẵn quân phục, nên luôn trong mấy tháng, quan quân tiến đánh đều bị thua và chết hại rất nhiều. Khi ông phụng mệnh lên làm tham tán quân vụ, xét rõ sự khó khăn ấy, muốn tìm cách thủ thắng, liền bàn với ông Lê Văn Đức giao quyền cho tổ chức một đội quân cảm tử. Cái cớ xui ông nghĩ ra chiến pháp ấy, do ông xét thấy tại nhà lao tỉnh thành Tuyên Quang giam cầm rất nhiều trọng tù can án giặc cướp ở các tỉnh miền xuôi đưa lên, quá nửa là tử tù, còn đều bị tội lưu đồ chung thân. Một hôm, ông thân vào nhà lao xem xét khắp nơi, hỏi han từng người rất ân cần. Rồi cho gọi mấy tên đã nhận kỹ là những kẻ có tài chí kiệt hiệt đến dinh cho ngồi, ông vồn vã hỏi:
- Ta trông các ngươi đều không phải là hạng dung thường, đáng lẽ phải là người giúp ích cho nước nhà, vậy mà đều hãm thân vào tù tội, chẳng qua chỉ vì một lúc nghĩ lầm mà nên nỗi, thực là đáng tiếc. Nay ta hỏi thực, các ngươi có muốn được thoát tội mà nếu có tài, lại lập nên được công nghiệp vẻ vang không?
Cả bọn đều sụp lạy, nói rằng:
- Làm người ai cũng muốn sống. Nếu quả được như lời quan lớn dạy bảo, dù phải lăn mình vào nơi nguy hiểm, chúng tôi cũng không từ.
Nghe nói, ông liền đứng dậy vỗ về từng người mà bảo:
- Nếu vậy hay, một dịp tốt sẽ đưa lại cho các ngươi. Hiện nay giặc Vân cứ hiểm chống cự quan quân. Vì không am hiểu đường lối núi rừng, việc tiến đánh có phần khó khăn lắm. Tục ngữ nói “giai thời loạn”, vậy lúc này chính là lúc làm giai nên thi thố tài năng. Cũng là cái chết, nếu để bị cùm xích giam cầm, rồi lại bị đem ra xử quyết, thực là cái chết đau đớn mà vô vị. Chi bằng cùng nhau đem thân ra xông pha hòn đạn mũi tên, tắm máu giày thây, có chết nữa cũng là cái chết oanh liệt. Nếu sống còn được, cái công vì nước vì dân dẹp tan giặc cướp lại làm vẻ vang cho thân gia biết chừng nào. Nếu các ngươi bằng lòng vì nước ra sức, ta sẽ xin cho được đái tội lập công.
Cả bọn nghe nói đều cảm động lắm, cùng xin chịu dưới quyền ông chỉ huy.
Ngay hôm sau, ông cho gọi tất cả bọn trọng tù ấy ra đứng sắp hàng cả ở trước nhà lao. Rồi lựa lọc được hơn hai trăm người có sức khỏe mạnh và nhanh nhẹn, tổ chức thành bốn đội cảm tử, mỗi đội hơn năm mươi người. Lại sử dụng trong mỗi đội lấy hai người xét ra có tài trí hơn cả cho làm chánh phó hiệu, giữ quyền đốc suất. Mỗi đội đều cấp cho đủ binh khí, sai luyện tập các chiến pháp vượt hiểm xung phong.
Tới khi các đội cảm tử ấy đã đủ lực lượng rồi, ông liền nói với chủ súy Lê Văn Đức chia quân làm 4 đạo tiến đánh, mỗi đạo đều do một đội cảm tử làm tiên phong. Quả nhiên, các đội ấy phần nhiều là những dân thổ trước rất am hiểu đường lối núi rừng, dẫn lối cho quan quân tiến vào rất nhanh, chỉ hơn một ngày đã tiến áp vào được sào huyệt của Nùng Văn Vân, bổ vây rất chặt chẽ. Vân vì không ngờ nên không phòng bị, khi sự cấp mới chia quân chống giữ thì không kịp nữa. Phần bị đánh tan, phần bị giết chết, thế cùng không còn đường chạy, Vân cùng đồ đảng bị bắt hết, đóng cũi giải về Hà Nội hành hình.