Đua nhau trồng mắc ca
Hai năm trở lại đây, cây mắc ca được nhiều người ca ngợi là “cây tiền tỷ”, vì vậy, để đi tắt đón đầu, nhiều người dân ở các làng K2, K4, K8 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) quyết định trồng loại cây này dù chưa được ngành chức năng của tỉnh Bình Định quy hoạch, cho phép. Đến nay, trên địa bàn xã Vĩnh Sơn có 14 hộ dân tham gia trồng mắc ca, với diện tích 14 ha.
Trung tuần tháng 8/2015, chúng tôi về làng K8, xã Vĩnh Sơn để tìm hiểu mức độ phát triển cây mắc ca tại địa phương này. Hiện đám mắc ca được người dân trồng tự phát đã lên xanh tốt, có đám cây đạt chiều cao khoảng 1 m.
“Tui xem tivi thấy người ta nói quá nhiều về cây mắc ca. Qua phân tích loại cây này thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây nên tui quyết định lên Gia Lai tìm mua cây giống về trồng. Sau gần một năm chăm sóc, tui thấy 3 ha cây mắc ca đều sinh trưởng khá tốt”, một người dân ở làng K8 cho biết.
Theo ông Lê Văn Đẩu, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sau khi nhận được thông tin nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Sơn “vượt rào” trồng cây mắc ca, huyện đã cử ngay cán bộ về tận nơi xác minh thông tin. Điều đáng lo là hầu hết các hộ dân tham gia trồng cây mắc ca đều khá mơ hồ về thị trường đầu ra loại nông sản này. Thậm chí, nhiều người chỉ biết về cây mắc ca qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc một số đơn vị cung ứng giống ở nơi khác về tận nơi giới thiệu.
Dù chưa có chủ trương của tỉnh nhưng nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Sơn đã “vượt rào” trồng mắc ca, với hy vọng đổi đời. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Để kiểm soát tốt tình hình phát triển cây mắc ca tại địa phương, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng giống tại các cơ sở sản xuất, mua bán; đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự phát trồng cây mắc ca khi chưa có chủ trương của tỉnh.
Huyện cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh giống;xử lý nghiêm các trường hợp tự ý trồng cây mắc ca, gây phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương”.
Coi chừng mắc nợ
Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, người dân không nên nóng vội, đua nhau trồng cây mắc ca trong khi chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nếu người dân đua nhau trồng loại cây này thì nguy cơ thất bại, lỗ vốn sẽ rất cao.
Còn theo ông Lê Văn Đẩu, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: “Đến nay, tính hiệu quả khi phát triển cây mắc ca vẫn chưa được khẳng định; vì vậy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình về việc phát triển loại cây này; tuyệt đối không để bà con ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Riêng diện tích đã trồng ở xã Vĩnh Sơn, trước mắt, huyện yêu cầu địa phương hướng dẫn bà con cách chăm sóc, khoanh vùng, không mở rộng thêm”.
Liên quan đến vấn đề này, Sở NN&PTNT Bình Định cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến cây mắc ca cho người dân trên địa bàn biết và thực hiện; khuyến cáo chưa nên trồng tập trung, trồng thay thế các loại cây trồng khác hiện nay. Mặt khác, mắc ca là cây trồng mới, chưa đủ cơ sở đánh giá một cách chính xác và toàn diện, chưa có mô hình trồng khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh nên sản lượng, chất lượng ra sao vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, thị trường về cây mắc ca trong nước chưa hình thành và cũng chưa xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng, chưa phân tích khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thêm nữa, đây là cây trồng dài ngày, sau 7 năm mới cho thu hoạch, suất đầu tư lớn, khả năng rủi ro trong sản xuất khá cao, do đó, việc phát triển trồng cây mắc ca trong tỉnh cần phải cẩn trọng và tính toán kỹ lưỡng.