Sau hai năm triển khai dự án thí điểm theo công nghệ mới, ngư dân Bình Định đánh bắt cá ngừ dương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn còn thấp.
Ngư dân miền Trung tham gia tập huấn kỹ thuật câu cá ngừ đại dương theo thiết bị công nghệ Nhật Bản. Ảnh: M.Hoàng. |
Hai năm trước, Bình Định chủ trương hiện đại hóa đội tàu khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ mới thay thế đánh bắt bằng nghề câu vàng truyền thống. Tỉnh cũng ký kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản.
Địa phương này đã lập hai tổ, đội gồm 25 tàu với khoảng 150 ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hội Hữu nghị Nhật - Việt hỗ trợ 25 bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương và chuyển giao kỹ thuật đánh bắt, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch cho ngư dân tỉnh Bình Định. Nguồn vốn hỗ trợ dự án khoảng 1 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của địa phương 20%.
Ông Nguyễn Văn Việt (ngụ xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn)- một trong những chủ tàu tham gia dự án thí điểm cho hay, ngư dân thao tác câu cá ngừ đại dương theo công nghệ chưa đồng bộ. Mặt khác mỗi phiên biển kéo dài cả tháng nên khi tàu về đến bờ cá ngừ khó thể đạt chất lượng cao.
Cá ngừ đại dương nằm ngổn ngang ở cảng Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Có thâm niên 10 năm hành nghề câu cá ngừ đại dương, thuyền trưởng Trần Văn Án (ngụ xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) bộc bạch, chi phí mỗi chuyến biển cả trăm triệu đồng nhưng phía doanh nghiệp yêu cầu hai tuần phải về đến cảng bán cá thì khó quá. "Nếu chỉ vài con mà đã quay về cảng thì lỗ nặng. Trong khi giá mỗi ký cá đạt chuẩn thì tỉnh, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 70.000 đồng thì khó bù đắp nổi", ông Án phân tích.
Với lý do này, vị thuyền trưởng trên xin rút ra khỏi dự án thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Đó là chưa kể công nghệ câu cá ngừ đại dương của "xứ sở hoa anh đào" phải tuân thủ rê cá dưới biển mất nhiều thời gian từ 30 phút đến 1 giờ để hạn chế cá vùng vẫy trước khi đưa lên tàu.
Các chuyên gia tính toán, chặng đường xuất khẩu cá ngừ từ Bình Định sang Nhật Bản gặp nhiều trở ngại. Cá đưa về bến sẽ được chọn lựa đảm bảo độ tươi đưa vào đóng gói. Sau đó, lô hàng được đưa đến sân bay Phù Cát để trung chuyển vào TP HCM lưu kho chờ chuyển sang Nhật Bản trên chuyến bay duy nhất lúc 0 giờ.
Sau 6 giờ bay, chuyến cá đến Nhật đã 7h thì đã trễ, phải gửi lưu kho thêm một ngày nữa đợi 3h ngày hôm sau mới đưa đến phiên chợ đấu giá. Chi phí vận chuyển, lưu kho mỗi kg cá ngừ đại dương từ Bình Định chuyển đến Nhật Bản tốn 170.000 đồng.
Thu mua cá ngừ đại dương ở Bình Định. Ảnh: M.Hoàng. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp Hội cá ngừ Việt Nam thừa nhận, dự án thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu sang Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nếu Bình Định không tổ chức bài bản từ khâu thu mua, đánh bắt, bảo quản đến xuất khẩu thì dự án này có nguy cơ phá sản.
Vị chuyên gia này phân tích, do ngư trường đánh bắt xa bờ nên mỗi chuyến biển của ngư dân kéo dài có khi cả tháng nên cá khó đảm bảo chất lượng cao để xuất khẩu. Mặt khác bà con có thói quen mạnh ai nấy làm, ngại tiếp cận kỹ thuật mới đã gây khó cho dự án. Trong khi đó, ngư dân các nước trong khu vực chỉ cần vài giờ là ra đến ngư trường, mật độ cá ngừ lại dày. Doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với ngư dân nên họ đánh bắt xuất khẩu sang Nhật thuận lợi hơn nhiều.
"Nếu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định có giá mỗi kg hơn 300.000 đồng ở phiên chợ đấu giá Nhật Bản thì doanh nghiệp xuất khẩu mới có lời còn thấp hơn thì lỗ nặng. Thời gian qua, lô hàng thủy sản loại này đạt chuẩn xuất sang Nhật nhiều nhất cũng chỉ 8 con là quá ít", ông Đáp nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, đề án tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi là bước đột phá quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu ngành thủy sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhận định, thực tế cho thấy khi cá ngừ được đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành chính sách nhằm khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi cá ngừ đại dương; tháo gỡ những vướng mắc về vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ hiện đại...
Hai tỉnh Bình Định và Phú Yên sẽ được đầu tư xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng. Riêng Khánh Hòa sẽ hình thành trung tâm nghề cá lớn của khu vực Nam Trung bộ. Theo kế hoạch, năm 2016, kho lạnh ở đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đưa vào hoạt động, giúp ngư dân có điều kiện bảo quản cá và kéo dài chuyến biển.