Dù thế giới được cho là đã chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với đại dịch Covid-19, các nhà phân tích cho rằng rủi ro tái bùng dịch tại nhiều quốc gia trong mùa đông sắp tới vẫn tương đối cao.
Nhiều nước đã triển khai tiêm chủng trên diện rộng và ngăn chặn sự lây lan của các biến chủng nguy hiểm. Tuy nhiên, thành quả chống dịch của những quốc gia này có thể bị đe dọa bởi sự thiếu thốn nguồn lực ở một số nước khác, theo South China Morning Post.
Điểm mù trong xét nghiệm
Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế, cho rằng khả năng xét nghiệm còn hạn chế của các quốc gia thu nhập thấp đã tạo ra “điểm mù” trong quá trình phát hiện và đề phòng các biến chủng mới của SARS-CoV-2.
“Tôi lo lắng về mùa đông sắp tới”, ông Kim nói. “Quá nhiều người ở rất nhiều khu vực sẽ không được tiêm vaccine trước tháng 12. Ngay cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn tồn tại một số nhóm người chưa tiêm vaccine”.
Tại Mỹ, khoảng 58% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, số ca tử vong vì Covid-19 tại những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn ở ngưỡng đáng báo động. Tính từ ngày 11-17/10, giới chức y tế Mỹ đã báo cáo 8.528 trường hợp tử vong vì SARS-CoV-2, theo New York Times.
Theo ông Kim, ngay cả khi tỷ lệ tiêm vaccine được cải thiện ở nhiều nơi, sự thiếu hụt nguồn lực xét nghiệm vẫn sẽ là mối đe dọa cho cả thế giới.
“Mặc dù chương trình tiêm chủng có thể ngăn ngừa các đợt bùng phát, sự lây lan của mầm bệnh kéo theo những biến chủng mới”, ông Kim nói. “Điểm mù trong việc xét nghiệm nằm ở nguồn kinh phí hạn hẹp, cộng với năng lực giải trình tự ở các nước có thu nhập trung bình và thấp”.
Khả năng xét nghiệm còn hạn chế ở một số quốc gia có thể cản trở quá trình xác định biến chủng mới của SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters. |
Mối đe dọa đối với nhiều quốc gia trong mùa đông sắp tới có thể đến từ sự nguy hiểm của biến chủng Delta, cộng hưởng với tác động từ quyết định nới lỏng giãn cách của giới chức một số nước.
“Số bệnh nhân Covid-19 ở bắc bán cầu nhiều khả năng sẽ tăng mạnh do tính chất phát triển theo mùa của virus”, giáo sư Ali Mokdad thuộc Đại học Washington nhận định. “Khả năng lây nhiễm cao của biến chủng Delta và sự nới lỏng giãn cách ở nhiều nước cũng sẽ góp phần làm gia tăng số ca nhiễm mới”.
Đồng thời, người dân ở Mỹ và các nước châu Âu đã được tiêm chủng sớm, do đó khả năng bảo vệ của vaccine có thể suy giảm sau nhiều tháng.
Một số chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách bày tỏ sự lo ngại về viễn cảnh “đại dịch kép” khi dịch Covid-19 và bệnh cúm đồng thời bùng phát, theo South China Morning Post.
Vào mùa đông 2020, tỷ lệnh mắc cúm mùa ở nhiều quốc gia đã giảm đáng kể do người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khi một số nước nới lỏng quy định phòng dịch, các chuyên gia y tế kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm phòng cúm mùa.
Jenny Harries, người đứng đầu Cơ quan An ninh Y tế Anh, nói với BBC rằng xứ sương mù đang đối mặt với “một mùa đông mơ hồ” khi nhiều người “có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm đồng thời hai loại virus (SARS-CoV-2 và cúm)”.
Nhiều nước sắp bước vào mùa đông nhiều rủi ro khi phải đối mặt với "đại dịch kép". Ảnh: Sky News. |
Rủi ro từ chính sách mở cửa
Sau làn sóng dịch bệnh khủng khiếp vào tháng 5, Ấn Độ vẫn đang chật vật triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19. Chỉ khoảng 18% dân số Ấn Độ được tiêm vaccine, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra.
“Số ca mắc Covid-19 ở các quốc gia thuộc bắc bán cầu nhiều khả năng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Ấn Độ”, giáo sư Vincent Pang Junxiong thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Ông Pang nói thêm rằng các biến chủng mới của nCoV vẫn có thể xuất hiện dù nhiều khu vực có độ phủ vaccine cao.
Một số quốc gia châu Á như Singapore và Malaysia đã đạt được những thành tựu nhất định trong các chiến dịch tiêm chủng, đồng thời dần nới lỏng các quy định giãn cách xã hội và mở cửa biên giới. Tuy nhiên, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác không chọn cách tiếp cận này.
Dù có tỷ lệ tiêm chủng cao, Trung Quốc vẫn thận trọng theo dõi số ca dương tính với SARS-CoV-2 thông qua đường nhập cảnh ở các nước láng giềng, theo South China Morning Post.
Tại một hội nghị vào ngày 12/10, Zhang Wenhong, Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn, Thượng Hải và là người được mệnh danh là “bác sĩ Fauci của Trung Quốc”, cho rằng kế hoạch tái mở cửa của chính quyền Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bác sĩ Zhang Wenhong, Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn, Thượng Hải. Ảnh: Getty. |
Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường.
Giới chức Mỹ đã cho phép tiêm mũi vaccine Pfizer thứ ba cho những người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên tuyến đầu chống dịch.
Các cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 15/10 cũng khuyến nghị cơ quan này cấp phép tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm vaccine Johnson & Johnson (J&J).
Theo thống kê của WHO, tính đến ngày 18/10, hơn 6,67 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới và khoảng 2,84 tỷ người đã nhận đủ phác đồ hai mũi vaccine.