Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành nghiêm trọng, giới chức Thái Lan, đặc biệt ở Bangkok và Nonthaburi, cảnh báo nguy cơ về lượng rác thải sinh hoạt của bệnh nhân Covid-19 đang vượt quá khả năng xử lý của các lò đốt, theo Bangkok Post.
Bộ Y tế Thái Lan đã lên kế hoạch xử lý lượng rác thải có nguy cơ chứa mầm bệnh ngày càng tăng. Ngoài việc khuyên các hộ gia đình bỏ rác đúng theo quy định, Bộ Y tế dự tính thuê thêm các cơ sở xử lý số rác này.
Tại cơ sở xử lý ở quận Sai Noi, những "ngọn núi" được hình thành từ hàng loạt túi nhựa màu đó chứa rác từ bệnh viện điều trị và các cơ sở cách ly Covid-19.
Một nhân viên tại cơ sở này mô tả cảnh tượng đáng lo ngại: Những "núi rác" nặng hơn 500 tấn, tính đến hiện tại, đang lớn dần theo từng ngày, trong khi lò đốt không đủ khả năng để xử lý hết.
Ngoài ra, người dân ở quận Sai Noi còn quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch do những túi rác không được buộc chặt đúng quy cách.
Lượng rác quá tải
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Hành chính Vùng đô thị Bangkok, khoảng 38% lượng rác được chính quyền ở Bangkok và các tỉnh lân cận thu gom có nguy cơ chứa virus corona, theo báo Bangkok Post.
Ông Thongchai Yenprasert, giám đốc Cơ quan Hành chính tỉnh Nonthaburi, nói mỗi ngày các cơ sở xử lý rác thu được 30 tấn rác thải có nguy cơ lây nhiễm từ hơn 500 bệnh viện, phòng khám và cơ sở y tế khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, lò đốt rác của tỉnh này chỉ có khả năng tiêu hủy 16 tấn mỗi ngày.
"Chúng tôi đang hợp tác với Bộ Y tế để tìm ra phương pháp", ông Thongchai cho biết.
Sĩ quan hải quân dọn rác tại một trung tâm cách ly ở tỉnh Chon Buri. Ảnh: Hải quân Thái Lan |
Bác sĩ Suwannachai Wattanayingcharoenchai, Cục trưởng Kiểm soát Dịch bệnh của Bộ Y tế, nói không chỉ Nonthaburi mới gặp tình trạng rác thải chồng chất.
Lò đốt rác ở các tỉnh như Ayutthaya, Rayong và Ubon Ratchathani cũng bị quá tải bởi lượng chất thải nguy hiểm cần được xử lý.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế, gần 100 tấn rác thải của bệnh nhân Covid-19 được thu gom khắp Bangkok trong một ngày. Tuy vậy, các lò đốt rác của thành phố chỉ có khả năng xử lý 70 tấn mỗi ngày.
"Hồi tháng 7, mỗi ngày các cơ sở xử lý rác thu gom bình quân 273 tấn rác thải có nguy cơ lây nhiễm. Nhưng tổng công suất xử lý 275 tấn. Tình hình này không ổn", bác sĩ Suwannachai cho biết.
Theo ông, cùng với việc số ca mắc Covid-19 tăng vọt, lượng rác thải cần được xử lý riêng cũng ngày càng nhiều.
Dù vậy, ông nói người dân không cần lo lắng vì Bộ Y tế đã lên kế hoạch để ứng phó với tình hình này.
"Chúng tôi đang hợp tác với Bộ Công nghiệp để lựa chọn công ty xử lý rác thải công nghiệp. Những công ty này cần có lò đốt rác đạt chuẩn của Bộ Y tế để xử lý lượng rác thừa", ông Suwannachai nói.
"Ngoài ra, chúng tôi còn lên kế hoạch làm giảm lượng rác có nguy cơ lây nhiễm được thải ra. Điều này được thực hiện bằng cách khuyến khích các bệnh viện, cơ sở y tế và bệnh nhân cách ly tại nhà tự phân loại và khử trùng rác bằng thuốc tẩy trước khi bỏ đi. Thuốc tẩy có thể giết virus corona và hầu hết mầm bệnh khác", ông bổ sung.
Bác sĩ Suwannachai khẳng định Thái Lan có hệ thống xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tốt, đảm bảo rằng nhân viên và người dân địa phương không bị nhiễm bệnh.
Ông cho biết rác thải y tế được đặt trong hai lớp túi nhựa chống thấm để mầm bệnh không thoát ra, trước khi được đưa vào một lò đốt đặc biệt.
"Trừ trường hợp những chiếc túi bị rách, còn lại các mầm bệnh sẽ không có cách nào thoát ra được", ông bổ sung.
Công nhân gom rác có nguy cơ phơi nhiễm cao
Các công nhân thu gom rác có nguy cơ tiếp xúc cao với rác thải chứa virus Covid-19, theo ông Theerawong Sanpipat, giám đốc công ty xử lý rác Prabkaya.
Ông Theerawong đề nghị chính phủ Thái Lan tiêm vaccine Pfizer-BioNTech hoặc các vaccine mRNA chống Covid-19 khác cho các công nhân thu gom rác trên toàn quốc, theo Bangkok Post.
Theo ông, hiện chưa có nhiều thùng rác dành riêng cho những vật có thể chứa virus corona đặt tại nơi công cộng. Vì thế, nhiều người buộc phải bỏ loại rác này lẫn với rác thông thường.
Vị giám đốc cũng đề nghị chính phủ Thái Lan xem xét việc cung cấp vaccine, các bộ xét nghiệm Covid-19 và khẩu trang cho công nhân thu gom rác. Đồng thời, chính phủ nước này cần khuyến khích người dân phân loại và bỏ rác có thể mang theo Covid-19 vào những chiếc túi đựng màu đỏ.
Những chiếc túi đó nên được phát miễn phí tại các cửa hàng tiện lợi.
Người phụ nữ làm việc tại một nhà máy tái chế. Ảnh: Reuters |
Bác sĩ Suwanchai Wattanayingcharoen, Cục trưởng Cục kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, cho biết một người thu gom ve chai mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc với một chai nhựa ông nhặt ở Nakhon Ratchasima. Điều này cho thấy virus corona có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiếp xúc nếu không có đồ bảo hộ.
Ông Suwanchai khuyên công nhân thu gom rác và người buôn ve chai nên mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang, cũng như tránh chạm vào mặt. Găng tay và khẩu trang nên được bỏ vào túi nhựa và buộc chặt lại sau khi sử dụng. Sau đó, họ phải rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn.