Cảnh báo này được bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy việc triển khai thi hành Luật bảo hiểm xã hội và hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế” do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 23/7.
Hơn 3.000 tỷ đồng cho 1,5 triệu người nghỉ hưu
Bà Mai cho biết, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tham gia BHXH ở Việt Nam còn thấp, mới chiếm khoảng hơn 20% tổng lực lượng lao động. Đến hết năm 2014, cả nước mới có hơn 11,6 triệu người tham gia BHXH, trong đó BHXH bắt buộc chiếm khoảng 70%.
Đáng lưu ý là phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình này. Trong khi đó, cuối năm 2014, cả nước đã có khoảng 1,5 triệu người (từ 80 tuổi trở lên) hưởng trợ cấp xã hội và NSNN đã phải chi tới hơn 3.000 tỷ đồng. Từ thực tế này, bà Mai đưa ra cảnh báo: “Trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu nhưng không có thu nhập từ lương hưu”.
Nhấn mạnh thêm vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho hay, dù Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tới 58,5%, nhưng quá trình già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, tính tuân thủ pháp luật của đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc mới chỉ đạt 60-70% so với quy định của pháp luật. Đó là chưa kể từ năm 2008 đến nay, BHXH tự nguyện mới chỉ có 200.000 người tham gia. Trong khi các hình thức lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, tình trạng chênh lệch giá thuốc; tình trạng không công bằng về chi trả quỹ bảo hiểm y tế... vẫn còn tồn tại.
Mức hưởng phải dựa trên mức đóng BHXH
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu kiến nghị, để đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHXH cần xây dựng lộ trình hợp lý, nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH của người lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia.
Đây cũng chính là mục tiêu của các chính sách trong Luật BHXH (có hiệu lực từ 1/1/2016) và Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các tổ chức của người lao động cũng như cơ quan BHXH phải tăng cường tuyên truyền đến người lao động, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân về các chính sách hỗ trợ như: mức đóng BHXH tự nguyện, quy định về việc đóng trước tiền BHXH tự nguyện hoặc đóng bù BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Ngoài việc chủ động xác định nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện theo các phương án khác nhau để trình Chính phủ ban hành thì ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) góp ý, cần phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp lật về BHXH.
“Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã cho thấy những hiệu quả nhất định từ công tác giám sát, kiểm tra trong công tác thu BHXH. Cụ thể, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giảm từ 11.000 tỷ đồng (năm 2013) xuống còn 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó là phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra”, ông Sang nói.