Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ đụng độ Mỹ - Nga ở Syria

Nga đã bắt đầu chiến dịch ném bom ở Syria, trong khi phía Mỹ tiếp tục các cuộc không kích của họ cũng từ trên bầu trời Syria. Nhưng cả hai không hề thông báo cho nhau.


Cảnh tượng ở Baghdad mấy ngày nay như trích đoạn từ một bộ phim thời Chiến tranh Lạnh: một viên tướng Nga xuất hiện lúc khoảng 9h ở đại sứ quán Mỹ, cảnh báo người Mỹ tránh xa bầu trời Syria, Nga đã bắt đầu chiến dịch ném bom ở đó.

Nhưng phía Mỹ tiếp tục các cuộc không kích của họ cũng từ trên bầu trời Syria, và điều nguy hiểm là cả hai siêu cường không bên nào thông báo với nhau ở đâu, khi nào, những cuộc ném bom và tấn công bằng máy bay của họ diễn ra.

Khi bầu trời quá nhỏ

Nga triển khai máy bay ném bom chiến thuật Su-34 không kích ở Syria. Ảnh: Itar-Tass
Nga triển khai máy bay ném bom chiến thuật Su-34 không kích ở Syria. Ảnh: Itar-Tass

“Liên quân sẽ tiếp tục các chiến dịch trên bầu trời Iraq và Syria như đã lên kế hoạch”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lạnh lùng tuyên bố ngày 30/9, một ngày sau khi Nga công bố kế hoạch “hỗ trợ từ trên không” cho quân đội của Tổng thống Syra Bashar al Assad nhằm trấn áp “khủng bố”, tức bao gồm cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lẫn các phiến quân được Mỹ và phương Tây ủng hộ.

Những cuộc không kích này đẩy cuộc nội chiến kéo dài 4 năm vào một giai đoạn hoàn toàn mới. Trong đó, tất cả các cường quốc quân sự trên thế giới, trừ Trung Quốc, đều can dự trực tiếp.

Washington và Moscow đều hiểu những rủi ro của việc triển khai các đợt không kích không hợp tác với nhau trên bầu trời Syria. Những sự cố không ngờ tới ở hiện trường sẽ mang tới rủi ro rất lớn.

Bạn không thể có đủ thời gian để đưa vấn đề lên tầm tổng thống… khi hai chiếc máy bay đang lao vào nhau ở tốc độ 20 dặm mỗi phút. 

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với Newsweek

Mỹ nói họ muốn bắt đầu các cuộc trao đổi quân sự với Nga ngay trong ngày 1/10. Việc không quân hai nước cho tới giờ hoạt động ở những vùng trời khác nhau của Syria cũng làm giảm phần nào rủi ro.

Nga chỉ thông báo chuyến bay xuất kích một giờ trước khi bay

Mỹ và các đồng minh nói chiến dịch vừa mới bắt đầu của Nga nhắm nhiều hơn tới những vùng mà các lực lượng nổi dậy chống ông Assad đang chiếm đóng như ở khu vực thành phố Hums hay tỉnh Hama, thay vì tập trung vào IS như Mỹ và liên quân.

Nhưng những tin tức về sự xung đột giữa hai cường quốc đã lập tức xuất hiện chỉ hai ngày sau khi Nga bắt đầu không kích. Theo lời các quan chức tình báo Mỹ giấu tên, một trong các cuộc không kích của Nga đã nhắm vào khu vực do quân nổi dậy được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ.

Bộ trưởng Carter nói cách làm của Nga ở Syria là “đổ thêm dầu vào lửa”. “Tôi đã làm việc với họ một thời gian dài. Và đây không thể là kiểu hành vi chuyên nghiệp từ quân đội Nga”, ông Carter nói trong một cuộc hội thảo ở Lầu Năm Góc.

Mỹ và các đồng minh bực tức với Nga vì rất nhiều lý do: Nga ủng hộ ông Assad; họ không hợp tác với lực lượng liên quân; họ chỉ thông báo về các chuyến bay xuất kích một giờ trước khi bắt đầu; họ yêu cầu Mỹ và liên quân rời không phận Syria; và họ tấn công những vùng có quân nổi dậy, bất kể là IS hay do phương Tây bảo trợ.

Andrew Weiss, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, thậm chí so sánh cách làm của Nga hiện giờ ở Syria so với những gì xảy ra ở Ukraine.

“Ông ấy (Putin) đã cố tình khiến các đối thủ bất ngờ và luôn tận dụng chiến thuật đó”, ông Weiss nói với hãng tin Fox News.

Nga đã tăng mạnh sự hiện diện quân sự ở Syria vài tuần trở lại đây sau khi chính quyền của ông Assad gặp các thất bại liên tiếp trên chiến trường và có nguy cơ không thể đứng vững.

32 máy bay chiến đấu 

16 máy bay trực thăng

9 xe tăng 

2 hệ thống tên lửa đất đối không 

Cơ sở đủ cho 2.000 binh lính rải rác ở Syria.

Lực lượng của Nga tại Syria theo Fox News dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ 

Trong 7 vùng không kích của quân đội Nga mà truyền thông Syria đã liệt kê, chỉ một khu vực ở phía đông thị trấn Salamiyah, tỉnh Hama, là nơi kiểm soát của quân IS. Các vùng còn lại đều là lãnh thổ của các nhóm nổi dậy do Mỹ và phương Tây tài trợ.

Nga trước sau vẫn bác bỏ các cáo buộc nói họ khiến cuộc chiến leo thang và khẳng định sự hiện diện quân sự ở Syria chỉ là để đánh bại IS.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói ngày 30/9: “Không thể đánh bại IS chỉ với các cuộc không kích, cần sự phối hợp trên mặt đất, và lúc này quân đội Syria là lực lượng hiệu quả và mạnh nhất để chiến đấu chống IS trên mặt đất”.

Hợp tác Nga - Mỹ ở Syria rất xa vời

Tuy nhiên, trong khi sự can thiệp của Nga ở Syria đã rõ ràng, nhiều chuyên gia tin rằng Moscow sẽ không quá mạo hiểm ở thời điểm này.

Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Nga (IMEMO) Alexei Arbatov chẳng hạn, nói với Moscow Times rằng khả năng Nga triển khai lực lượng quy mô lớn ở Syria là rất thấp do những khó khăn về hậu cần.

Ông Arbatov nói năng lực triển khai của không quân Nga ở Syria thậm chí còn thua kém Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng Nga cũng thiếu những vũ khí với độ chính xác cần thiết cho kiểu chiến tranh này, khi chiến tuyến không rõ ràng và các mục tiêu rất phân tán.

Ngoài ra, khác với cuộc chiến ở Ukraine, Nga không có lý do thực sự thuyết phục để can thiệp sâu về quân sự vào Syria, theo ông Arbatov. Một cuộc thăm dò dư luận trên báo Nga Novaya Gazeta, cho thấy 83% những người được hỏi cũng phản đối việc đưa binh sĩ Nga tới Syria.

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh Nga cũng tin rằng IS thực ra là một mối đe dọa trực tiếp lớn hơn nhiều với Nga so với với Mỹ và các nước phương Tây.

Vùng Trung Á và Caucasus miền nam Nga nằm rất gần vùng IS chiếm đóng. Khoảng 2.000 người có quốc tịch Nga cũng được cho là đang tham chiến bên phía IS.

Viễn cảnh về một cuộc hợp tác Nga - Mỹ ở Syria cũng rất xa vời, không chỉ vì khác biệt trong quan điểm chính trị giữa hai bên.

Vladimir Dvorkin, nghiên cứu gia trưởng của IMEMO, nói quân đội Nga không thể gia nhập liên quân ngay cả nếu họ muốn, vì hệ thống vũ khí của hai bên hoàn toàn khác nhau và trước giờ chưa bao giờ có các hoạt động hợp tác giữa hai phía tới mức có thể hiệp đồng tác chiến.

Chiêu Văn

Bạn có thể quan tâm