Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ đập dâng 1.500 tỷ biến sông Trà Khúc thành bể nước thải

Người dân Quảng Ngãi lo ngại công trình đập dâng sắp hoàn thành, khi tích nước có nguy cơ biến khu vực thượng lưu sông Trà Khúc thành bể chứa nước thải.

Tháng 7/2019, dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) khởi công xây dựng với tổng vốn 1.500 tỷ đồng. Công trình dự kiến đến cuối năm 2023 hoàn thành có vai trò ngăn xâm nhập mặn về phía thượng lưu sông và dâng nước trên sông tạo cảnh quan đẹp cho TP Quảng Ngãi.

Khi dự án sắp về đích, giới chuyên gia và người dân nơi đây lo ngại công trình này dâng nước, khu vực thượng lưu sông Trà Khúc có nguy cơ trở thành bể chứa nước thải, gây ô nhiễm môi trường.

Xa thai ra song anh 1

Đập dâng ngăn sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.

7 năm còn nợ tiêu chí xả thải

Năm 2015, Thủ tướng công nhận TP Quảng Ngãi là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Theo quy định của Bộ Xây dựng, đô thị đạt tiêu chí loại II thì nước thải sinh hoạt phải được xử lý trước khi xả ra môi trường tối thiểu trên 30%. Tuy nhiên suốt 7 năm qua, các khu dân cư, đô thị TP Quảng Ngãi vẫn xả nước thải trực tiếp ra dòng sông Trà Khúc.

Hàng nghìn hộ dân sống dọc theo các tuyến kênh xả thải Hào Thành và Bàu Cả, TP Quảng Ngãi ngày đêm hít thở mùi hôi thối. "Nước thải đen ngòm ồ ạt đổ ra sông Trà Khúc vừa gây tổn hại sức khỏe người dân vừa gây cảnh nhếch nhác cho đô thị", ông Trần Thành (ngụ phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi) cho hay.

Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của TP Quảng Ngãi với tổng vốn 300 tỷ đồng song hành cùng với công trình Đập dâng sông Trà Khúc. Tuy nhiên sau khi rà soát, lãnh đạo Quảng Ngãi cho rằng tính pháp lý của dự án này chưa đảm bảo, nhất là chưa phù hợp với quy hoạch, chưa xác định được quy mô, giải pháp đầu tư hợp lý nên tạm dừng lại.

Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho hay tỉnh đã trình Chính phủ xin nguồn vốn ODA (vốn vay Ngân hàng Thế giới) để triển khai dự án thoát nước mưa kết hợp với xử lý nước thải cho khu vực đô thị trung tâm thành phố. Đến nay địa phương này vẫn chờ phản hồi từ phía Ngân hàng Thế giới.

Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo sở, ngành từng đề xuất cơ quan chức năng khẩn cấp đầu tư hệ thống xử lý nước thải song hành với dự án đập dâng sông Trà Khúc. Họ lo ngại nếu không có hệ thống xử lý này thì khi đập dâng hoàn thành, đóng cửa van và dâng nước thì các khu dân cư, đô thị Quảng Ngãi sẽ bị ùn ứ nước thải.

Nguy cơ đô thị Quảng Ngãi ngập úng, ô nhiễm

Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi, cho biết sau khi nghiên cứu hồ sơ dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam lập), đơn vị từng kiến nghị nhiều giải pháp cho công trình Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.

Theo ông Hiệu, hiện trạng của hệ thống thoát nước mưa và nước thải của TP Quảng Ngãi là tiêu tự chảy ở cao trình thấp nhất là +1,95 m, trong khi đó thiết kế công trình đập có mực nước dâng +3,65 m. Do vậy, chủ đầu tư cần phải tiêu thoát cưỡng chế hoặc dẫn dòng. Vấn đề này cần phải có giải pháp ngay trong dự án Đập dâng Trà Khúc chứ không thể chờ một dự án khác vì hệ lụy rất khó lường.

Còn kỹ sư xây dựng Nguyễn Hoàng Ngân (ngụ TP Quảng Ngãi) cho hay hiện nay các khu dân cư, đô thị xả nước thải trực tiếp vào kênh Bàu Cả và Hào Thành ra sông Trà Khúc.

Theo ông Ngân, miệng cống thoát nước thải của các tuyến kênh này có cao độ thấp hơn mực nước dâng của công trình đập. Như vậy, nước sông sẽ đẩy nước thải chảy ngược theo kênh thoát vào các khu dân cư, đô thị, vừa gây ô nhiễm vừa có nguy cơ gây ngập úng.

Xa thai ra song anh 2

Nước thải từ các khu dân cư, đô thị xả trực tiếp ra sông Trà Khúc. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam, Công ty Cổ phần HEC (đảm nhận lập thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công dự án), cho biết thêm qua khảo sát, phía bờ nam sông Trà Khúc có tất cả 18 cống thoát nước.

Theo ông Lâm, trong quá trình khảo sát lập thiết kế, đơn vị đã kiến nghị chủ đầu tư phải làm và hoàn thành song song giữa hai dự án đập dâng và thoát nước thải. Nếu làm không kịp thì dù đập dâng sông Trà Khúc có làm xong cũng không thể đóng để dâng nước lên mức 3,5 m như dự kiến.

Còn lãnh đạo Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho rằng nếu hệ thống xử lý nước thải TP Quảng Ngãi chưa hoàn thành, công trình đập dâng làm xong trước thì tùy theo thực tế sẽ điều chỉnh lượng nước tích thấp hơn mức 3,5 m. Điều này có thể xử lý tránh ứ đọng nước thải tại các khu dân cư, đô thị TP Quảng Ngãi.

Xa thai ra song anh 3

Sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi), nơi các tuyến kênh xả thải trực tiếp từ các khu dân cư, đô thị ra khu vực này gây ô nhiễm. Ảnh: Google Maps.

Công trình đập dâng nằm ở gần cuối sông Trà Khúc, nối với đường Trường Sa, xã Nghĩa Dũng và bờ bắc nối với đường Hoàng Sa, xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi). Đoạn giữa của công trình nối với ốc đảo Ân Phú (còn gọi là đảo Ngọc) trên sông Trà Khúc. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Công trình kết cấu gồm cống ngăn sông với 19 khoang, tổng bề rộng hơn 718 m (bờ nam sông Trà Khúc 11 khoang, bờ bắc 8 khoang).

Những cuốn sách hay về xã hội

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Nước thải ồ ạt chảy ra sông Trà Khúc

Theo tiêu chí đô thị loại II thì nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường phải xử lý đạt tối thiểu trên 30% nhưng đến nay TP Quảng Ngãi vẫn chưa hoàn thành.

Cận cảnh đập dâng 1.500 tỷ sắp hoàn thành ở Quảng Ngãi

Với tổng vốn lên đến 1.500 tỷ đồng, đập dâng sông Trà Khúc được kỳ vọng góp phần ngăn xâm nhập mặn về phía thượng lưu sông và tạo cảnh quan cho TP Quảng Ngãi.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm