Chiều 6/12, đại biểu HĐND TP.HCM tiếp tục thảo luận về các nội dung liên quan đến công tác PCCC. Thống kê cho thấy năm 2016, TP.HCM có 2.223 vụ tai nạn, sự cố, cháy nổ... tăng hơn so với năm 2014 và 2015.
Theo đại tá Lê Tấn Bửu, nhận thức về PCCC của người đứng đầu còn thấp, từ đó, thiếu sự quan tâm, chăm lo, phòng ngừa xảy ra sự cố.
Theo ông Bửu, các vụ cháy gây chết người gần đây chủ yếu xảy ra tại các khu vực mà hộ dân vừa ăn ở, sinh hoạt vừa kinh doanh buôn bán. Người đứng đầu Cảnh sát PCCC TP.HCM nêu một loạt vụ cháy gây chết người gần đây ở quận 9, 12, Tân Phú.
Lực lượng PCCC tiếp cận đám cháy trên đường Võ Văn Kiệt. |
Ông Lê Tấn Bửu cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu quận 6 phải có hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm cho người dân. Ông cho biết lực lượng PCCC đang tăng cường vận động, hướng dẫn bà con thực hiện.
Giám đốc Cảnh sát PCCC khẳng định sau vụ cháy làm chết 13 người tại Hà Nội, TP.HCM đã chủ động rà soát công tác phòng chống cháy nổ tại các tụ điểm vui chơi giải trí, quán karaoke, vũ trường. Ông Bửu cho biết đền chùa, nơi thường xuyên xảy ra các hoạt động cúng bái, thắp hương cũng được kiểm tra trong đợt này.
“Chúng tôi nhận định tình hình PCCC ở TP.HCM có sự tương đồng với Hà Nội. Thậm chí, nguy cơ cháy nổ của TP.HCM còn cao hơn”, ông Lê Tấn Bửu nói. Ông Bửu cho rằng công tác PCCC muốn hiệu quả thì phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ nguy cơ cháy nổ không chỉ có ở các quán karaoke, vũ trường mà còn ở các trung tâm tổ chức tiệc cưới. “Tôi đi một số nơi, cả trung tâm tiệc cưới chỉ có 1 cửa ra vào nhưng lại tập trung đến 700-800 người. Nếu có sự cố thì chỉ đạp lên nhau cũng đủ chết chứ không chỉ cháy mới chết”, bà Tâm khẳng định.
Chủ tịch HĐND TP cũng yêu cầu Cảnh sát PCCC phải kiểm tra, tập trung xử lý nghiêm trong mùa cưới. “TP.HCM là thành phố đông dân, có nhiều tụ điểm vui chơi, giải trí. Nhà hàng, quán bar kín mít, khi có hoả hoạn không biết sao mà thoát được”, Chủ tịch HĐND TP lo lắng.