Chưa bao giờ Mỹ rơi vào chia rẽ sâu sắc như trong mùa bầu cử năm nay, khi hai phe Cộng hòa - Dân chủ chỉ trích đối phương là mối đe dọa cho đất nước.
Nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử cùng những phát ngôn thiếu căn cứ về gian lận bỏ phiếu khiến nguy cơ bạo lực giữa người ủng hộ hai bên trở nên đáng báo động.
"Chúng ta không biết tình hình sẽ tồi tệ đến mức nào, nhưng khả năng bạo lực nổ ra cao hơn bất cứ cuộc bầu cử nào trong những năm gần đây", Daniel Byman, chuyên gia từ cơ quan nghiên cứu chính sách Brookings Institution, cho biết.
Chia rẽ chưa từng có
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 chứng kiến chiến thuật tuyên truyền kích động thù hận từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, theo Atlantic.
Oren Segal, chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan từ Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) ở New York, cho biết hai phe có cái nhìn hết sức tiêu cực về phía còn lại. Phe Cộng hòa gọi đối phương là "cực tả cấp tiến", trong khi phe Dân chủ gọi Tổng thống Trump là phát xít.
"Đây là cách nhìn hết sức phân cực về cánh hữu và cánh tả", bà Segal nói, theo VOX.
Phát ngôn của hai ứng viên tổng thống không giúp làm giảm sự phân cực trong cử tri mà thậm chí khiến chúng trầm trọng thêm.
Tổng thống Trump gọi ông Biden là "chính trị gia tham nhũng", người sẽ "giết chết giấc mơ Mỹ". Trong những tuần tranh cử cuối, chỉ trích nhắm vào đối thủ càng thêm gay gắt.
Tổng thống Trump và ứng viên Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên. Ảnh: AP. |
"Ông ta sẽ chôn vùi các bạn trong hàng tá luật lệ, phá hoại cơ quan cảnh sát, mở toang biên giới, thu giữ súng, tiêu diệt tự do tôn giáo, phá hủy vùng ngoại ô", Tổng thống Trump phát biểu trước người ủng hộ hôm 29/10.
Những cáo buộc thiếu căn cứ về việc phe Dân chủ có thể "đánh cắp" cuộc bầu cử bằng gian lận phiếu bầu càng khiến sự tức giận của những cử tri bảo thủ gia tăng.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden, vốn được coi là quý ông ôn hòa dễ mến, cũng không ngại ngần gọi đương kim tổng thống là "mối đe dọa hiện hữu cho nước Mỹ theo nghĩa đen".
Trong buổi tranh luận tổng thống cuối cùng, ông Biden cảnh báo nước Mỹ "chuẩn bị đi vào mùa đông tối tăm" bởi chính quyền Trump thất bại trong đối phó với đại dịch Covid-19.
"Ông ta không có kế hoạch rõ ràng, không có triển vọng sớm có vaccine cho đa phần người dân Mỹ trước giữa năm 2021", ông Biden tuyên bố trước cử tri ở Iowa.
Nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò trong sự chia rẽ sâu sắc của cử tri Mỹ, như truyền thông đảng phái, đã khiến không ít người Mỹ công khai nhìn nhận thành viên của phe đối lập với thái độ thù địch.
Sự thù địch gia tăng khiến người ủng hộ cả hai phe có xu hướng chấp nhận sử dụng vũ lực để ngăn đối phương tiếp quản quyền lực.
Theo nghiên cứu tiến hành hồi tháng 10 của Politico, khoảng 30% số cử tri được hỏi từ cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ tin rằng "bạo lực có thể được cho phép để thúc đẩy mục tiêu chính trị của đảng mình".
Các nhóm cực đoan gia tăng hoạt động
Tại đất nước việc sở hữu súng là hợp pháp như Mỹ, có hàng trăm tổ chức dân quân vũ trang tồn tại cả hợp pháp và bất hợp pháp.
"Trong suốt mùa hè và tới cuộc tổng tuyển cử, các tổ chức này trở nên quyết liệt hơn, với các hoạt động như can thiệp vào biểu tình cho tới âm mưu bắt cóc các chính trị gia dân cử", ACLED, tổ chức theo dõi tình trạng xung đột vũ trang tại Mỹ, cho biết.
Theo dữ liệu mới được công bố của ACLED, 5 bang có nguy cơ cao nhất chứng kiến hoạt động gia tăng của các nhóm vũ trang trước, trong, và sau bầu cử gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin và Oregon.
Trong 5 bang này, có tới 4 bang được đánh giá là chiến trường cạnh tranh khốc liệt giữa hai ứng viên, quyết định kết quả cuộc bầu cử, là Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
ACLED cho biết các nhóm vũ trang đã tăng cường tuyển mộ và đào tạo trong những tháng gần đây.
Lượng lớn các nhóm này có liên quan tới tư tưởng cực hữu, da trắng thượng đẳng, như Oath Keepers, Proud Boys, Patriot Prayer hay Boogaloo Bois.
Oath Keepers là một tổ chức vũ trang cực hữu từng tuyên bố có gần 40.000 thành viên vào năm 2016. Nhóm này tuyển mộ và đào tạo các thành phần theo tư tưởng da trắng thượng đẳng. Thành viên của Oath Keepers có nhiều cảnh sát và quân nhân về hưu.
Các thành viên của Boogaloo Bois. Ảnh: AP. |
Theo Politico, giới lãnh đạo Oath Keepers đã yêu cầu các thành viên nòng cốt chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến chống lại "những kẻ cánh tả bạo loạn". Stewart Rhodes, thủ lĩnh của nhóm này, tuyên bố "những chiến binh lão luyện nhất" sẽ đứng gác tại các điểm bỏ phiếu để răn đe các thế lực chống Tổng thống Trump.
Hai tổ chức Proud Boys và Boogaloo Bois cũng được đánh giá có nguy cơ "rất cao" sẽ tiến hành hoạt động bạo lực trong thời gian bầu cử. Trong khi đó, nguy cơ bạo lực từ Three Percenters and Patriot Prayer được đánh giá ở mức "cao".
"Các đoạn hội thoại giữa họ ngày càng nóng hơn. Sự thù hận cao hơn trước", Megan Squire, chuyên gia nghiên cứu các phong trào cực hữu từ Đại học Elon", cho biết, theo NPR.
Đáng chú ý, các tổ chức dân quân cánh hữu đôi khi có quan hệ với lực lượng thực thi pháp luật địa phương, vì vậy được coi là hữu dụng với nhà chức trách trong đối phó với các cuộc biểu tình, thay vì mối đe dọa.
Nguy cơ bạo lực không chỉ đến từ các tổ chức cực hữu. VOX cho biết một số thành phần cực đoan cánh tả có liên hệ với phong trào Antifa cũng công khai tuyên bố sẽ sử dụng bạo lực chống lại phân biệt chủng tộc và phát xít.
Bên cạnh đó, ACLED cũng cảnh báo về hoạt động của phong trào ly khai NFAC. Đây là phong trào hoạt động vũ trang với thành viên là người da đen. Mục tiêu của tổ chức này là thành lập một nhà nước của người da đen ở Texas.
Những tháng qua, NFAC đã mở rộng tuyển mộ thành viên. NFAC cũng đang tìm cách liên kết hoạt động với các phong trào vũ trang của người da đen khác như New Black Panther Party.
Liệu có bạo lực lan rộng?
"Tôi bắt đầu sự nghiệp là một phóng viên khi đưa tin về cuộc nội chiến ở Lebanon. Và giờ tôi khiếp sợ khi sự nghiệp mình chuẩn bị kết thúc bằng việc đưa tin về cuộc nội chiến lần hai có thể xảy ra ở Mỹ", Thomas Friedman, nhà bình luận của New York Times, nói.
Các chuyên gia cảnh báo, sau mùa hè đầy bạo lực với hàng nghìn người đổ ra đường tham gia các cuộc bạo động, tình hình sẽ chuyển biến xấu nếu một phe nghi ngờ kết quả bầu cử đã bị "đánh cắp".
"Xung đột giữa các phe đối lập có thể xảy ra, và nó sẽ trở nên hết sức tồi tệ", VOX nhận định.
Các nhóm cử tri có thể tiến hành biểu tình, tấn công các cộng đồng thiểu số, các nhóm đối lập. Hoạt động phá hoại có thể xảy ra, đặc biệt nhắm vào biểu tượng hoặc trung tâm hoạt động của hai phe.
"Những người có vũ trang có thể tìm cách chiếm trung tâm điều hành bầu cử hoặc trung tâm kiểm phiếu", Atlantic đánh giá.
Các thành viên phong trào Antifa. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều lý do để tin rằng cuộc bầu cử năm nay sẽ không dẫn tới bạo lực lan rộng.
Tại đa phần các quốc gia, bạo lực thường nổ ra trước khi bỏ phiếu, thay vì sau khi lá phiếu đã được kiểm.
Một lý do nữa nằm ở sự thịnh vượng của nước Mỹ. Các quốc gia giàu có không có xu hướng tự rơi vào nội chiến bởi cái giá phải trả cho thiệt hại là quá lớn.
"Người dân có thể tức giận trong cuối tuần, nhưng vào thứ hai, họ cảm thấy có trách nhiệm với bản thân và có mặt tại công sở để làm công việc họ được trả mức lương cao", Atlantic bình luận.
Bên cạnh đó, số lượng thành viên của các tổ chức vũ trang cực đoan thực tế không nhiều. Chính phủ liên bang cũng hiểu rõ về mối đe dọa từ các tổ chức vũ trang cực đoan nội địa, nhiều năm qua, chính quyền Mỹ đã đầu tư nhiều hơn để đối phó với các tổ chức này.
Bạo lực quy mô lớn thường chỉ xảy ra nếu có sự hậu thuẫn của một tổ chức lớn, đây là điều hiện không tồn tại ở Mỹ.
"Một cá nhân không thể tự mình lãnh đạo bất cứ một hiện tượng lớn nào", bà Sarah Birch, giáo sư khoa học chính trị từ Đại học King's College London, cho biết.